Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong tháng này phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ Phương án điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, tăng trưởng tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu kiểm soát lạm phát; xây dựng đề án xử lý nợ xấu.
Các chuyên gia tài chính cho rằng: Việc giảm lãi suất là cần thiết nhưng không thể lơ là việc giải phóng hàng tồn kho.
Giảm lãi suất để chia sẻ khó khăn
Theo Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), tháng 11/2012, thị trường tài chính và thanh khoản của các ngân hàng thương mại (NHTM) đã có những dấu hiệu cải thiện. Điều này được thể hiện rõ nét qua xu hướng giảm lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng. Lãi suất huy động VND các kỳ hạn dài đã giảm về mức 12%/năm thay vì 12,5 - 13%/năm như trước.
Khách hàng làm thủ tục vay vốn tại HDBank chi nhánh Hoàn Kiếm (Hà Nội). Ảnh: Trần Việt - TTXVN
|
Báo cáo mới nhất của NHNN cho hay: Tuần qua, rất nhiều NHTM đã tung ra các gói vay tín dụng ưu đãi. Nhằm kích cầu tiêu dùng nhân dịp Giáng sinh, Tết Âm lịch, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín đã triển khai gói tín dụng 1.000 tỷ đồng với nhiều ưu đãi dành cho các đối tượng là DN tham gia bình ổn thị trường, hộ kinh doanh cá thể và tiểu thương các chợ truyền thống kinh doanh hàng Tết thuộc 24 quận/huyện thuộc TP Hồ Chí Minh, lãi suất ưu đãi áp dụng cho các khoản vay này trong 3 tháng đầu là 10%/năm...
Tuy nhiên, chia sẻ với phóng viên Tin tức, một số DN cho biết: Lãi suất huy động và cho vay dù đã liên tục giảm thời gian qua nhưng đến nay, chi phí tài chính vẫn là gánh nặng lớn đối với hầu hết các DN. Mặt bằng lãi suất bình quân hiện tại của Việt Nam đang cao hơn so với các nước khác trong khu vực khoảng từ 2 - 4 lần. Điều này sẽ làm giảm tính cạnh tranh các DN sản xuất và xuất khẩu.
Chính vì vậy, ông Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng chính sách tiền tệ Quốc gia cho rằng: Giảm lãi suất cho DN là hết sức cần thiết để DN có cơ hội giảm giá bán, kích thích sức mua. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng: Chỉ số lạm phát có xu hướng hạ nhiệt trong những tháng gần đây là điều kiện rất tốt.
Tính toán của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (UBGSTC) cho hay: Những yếu tố mang tính chi phí làm gia tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng cuối năm sẽ không lớn, kể cả nhu cầu tiêu dùng có tăng trong dịp Tết. Vì vậy, nếu CPI tháng 12 dự kiến tăng khoảng 1% so với tháng 11/2012 thì lạm phát cả năm sẽ ở mức khá thấp, dưới 8%. Theo lý giải của cơ quan này, có 3 cơ sở chính để giảm ngay lãi suất. Thứ nhất, lãi suất trái phiếu Chính phủ có xu hướng giảm vào cuối năm; thứ hai, lạm phát đang được kiểm soát chặt và giảm dưới mức 8%; tỷ giá ổn định, tình trạng đôla hóa giảm đáng kể và việc nắm giữ ngoại tệ không còn là công cụ kiếm lời ưu tiên của người dân.
Theo ông Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), trần lãi suất huy động kỳ hạn ngắn đứng ở mức 9% đã khá lâu. Nếu trần lãi suất huy động giảm xuống 8% thì lãi suất cho vay dự kiến ở mức 10 - 12%, như vậy, DN sẽ được hưởng lợi. Tuy nhiên, ông Phương cũng lo ngại, chủ trương hạ lãi suất cũng cần phải được tính toán kỹ bởi nếu giảm quá nhiều, tăng trưởng tín dụng “nóng” thì sẽ dẫn đến nguy cơ lạm phát quay trở lại. Vì vậy, nên tranh thủ lạm phát thấp để hạ lãi suất nhưng cần cân nhắc mức độ giảm để không gây các hệ lụy khác.
Lo ngại khả năng hấp thụ vốn
Hiện nay, lãnh đạo của một số ngân hàng cho biết đã sẵn sàng giảm lãi suất. Theo Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), nếu giảm chi phí đầu vào thì VPBank sẽ có cơ hội để giảm lãi suất và khả năng tín dụng tăng trưởng cao. Cùng với quan điểm trên, đại diện Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho biết: Giảm thêm lãi suất không ảnh hưởng gì đến hoạt động của ngân hàng nói chung và việc huy động vốn nói riêng...
Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến cho rằng, lãi suất giảm cũng không có ý nghĩa nhiều đối với DN. Một DN chuyên nhập hàng linh kiện sản xuất công nghiệp nói: “Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn như hiện nay, cũng phải cân nhắc rất kỹ về việc vay vốn để sản xuất, kinh doanh”. Một lãnh đạo của VPBank nhận định: "Hiện nay DN cần khơi thông đầu ra cho hàng hóa, cần tiêu thụ sản phẩm hơn là cần vốn để mở rộng sản xuất. Do đó, cùng với việc giảm lãi suất thì nên tìm các phương án giải phóng hàng tồn kho cho họ", đại diện ngân hàng này chia sẻ.
Theo ý kiến nhiều DN, việc giảm lãi suất, tồn kho và nợ xấu vẫn có mối quan hệ chặt chẽ, tồn kho lớn thì nợ xấu tăng lên. Vì vậy, giải phóng hàng tồn kho, hạ lãi suất sẽ tạo hiệu ứng rất tốt để giảm giá hàng, kích thích sức mua trong lúc này.
Minh Phương