Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từng dự kiến khoảng 5- 8 ngân hàng thương mại (NHTM) phải tiến hành hợp nhất, sáp nhập trong quý I/2012, nhưng đến nay, NHNN vẫn đang trong quá trình hoàn tất phương án xử lý các NHTM yếu kém với 9 ngân hàng.
Tuy nhiên, việc “lỡ hẹn” trong xử lý các NHTM yếu kém không phải là vấn đề đáng lo ngại nhất, mà hiệu quả mang lại trong hoạt động của ngân hàng sau tái cấu trúc mới là điều cốt yếu.
Ưu tiên ngân hàng tự nguyện tái cơ cấu
Sau thương vụ hợp nhất 3 ngân hàng đầu tiên gồm Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đệ Nhất (Ficombank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank) vào cuối năm 2011, mới đây trung tuần tháng 6/2012, Thống đốc NHNN đã chấp thuận nguyên tắc việc sáp nhập Ngân hàng thương mại Nhà Hà Nội (Habubank) vào Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB).
Hoạt động giao dịch tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn sau khi sáp nhập. Nguồn: IGI.com.vn |
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc sáp nhập này sẽ giúp 2 ngân hàng trên trở thành một định chế tài chính vững mạnh và thương hiệu cũng mạnh hơn; giúp mở rộng khả năng phát triển dịch vụ, đặc biệt là hoạt động bán lẻ do mạng lưới phân phối dịch vụ, thị phần lớn hơn.
Đề cập tới tiến trình thực hiện sáp nhập các ngân hàng trong thời gian qua, ông Cao Sĩ Kiêm - nguyên Thống đốc NHNN nói: “Việc sáp nhập 3 ngân hàng đầu tiên khá kịp thời bởi đây là các ngân hàng yếu kém. Thời điểm đó, dân có rút tiền ở ngân hàng đó nhưng ít, không gây xáo trộn lớn. Bây giờ việc sáp nhập Habubank với ngân hàng SHB cũng đang diễn ra rất tốt vì 2 ngân hàng này tự nguyện sáp nhập với nhau. Điều quan trọng là làm sao yên ổn được cổ đông của cả hai bên. Nhìn chung, quá trình sáp nhập các ngân hàng thời gian qua cơ bản yên ổn, không gây đổ vỡ nhưng còn cần phải tiếp tục chú ý, gia công hơn nữa”.
Phát biểu tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết: Phương án để các ngân hàng tự nguyện tái cơ cấu như trường hợp của Habubank và SHB vẫn được ưu tiên. NHNN chỉ can thiệp và đưa ra giải pháp khi các ngân hàng không thể tự xử lý.
Để phát huy hiệu quả hơn sau sáp nhập
Theo các chuyên gia ngân hàng, để những NHTM sau hợp nhất, sáp nhập mới phát triển một cách hòa hợp và bền vững, NHNN phải tính toán chặt chẽ cách thức tổ chức, cơ cấu nhân sự, chi phí, việc tham gia của nhà đầu tư mới... đối với NHTM yếu kém.
Ông Cao Sỹ Kiêm cho biết: Điều quan trọng lúc này là phải giải quyết tiếp việc “hậu” sáp nhập như thế nào. Ví dụ với 3 ngân hàng sáp nhập đầu tiên, trong đó Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đóng vai trò hỗ trợ, tư vấn (dưới sự chỉ đạo và hỗ trợ của NHNN), “phải đặt vấn đề NHNN hỗ trợ cái gì, BIDV giúp cái gì cần phải làm rõ; phải có can thiệp, có bàn tay của Nhà nước, nếu không cũng phải có một ngân hàng mạnh như BIDV giúp: kể cả đưa người vào, kể cả giúp giải quyết những tồn tại cũ…”, ông Kiêm chia sẻ.
Vẫn theo nguyên Thống đốc NHNN Cao Sỹ Kiêm, để việc tổ chức, sáp nhập ngân hàng trong thời gian tới hiệu quả phải xác định được những tồn tại, yếu kém của các ngân hàng và quy trách nhiệm rõ, không để xảy ra tình trạng lộn xộn. Thứ hai phải dùng các ngân hàng mạnh đủ khả năng cứu. Thứ ba: Có thể giải quyết bằng nhiều cách nữa ví dụ mua cổ phần, mở cửa cho ngân hàng, đối tác nước ngoài vào mua lại cổ phần…
Theo Báo cáo tháng 6/2012 của Ngân hàng Thế giới tại Hội nghị giữa kỳ Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam: Quyết định 254 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Cơ cấu Hệ thống tổ chức tín dụng giai đoạn 2011- 2015 đã tạo ra một hành lang rộng để xử lý các ngân hàng yếu kém và đề ra một loạt chỉ tiêu cần phải đạt được cho đến năm 2015. Tuy nhiên, việc thực hiện đề án này trên thực tế cũng như việc cân nhắc phương án tái cơ cấu nào cùng những hàm ý liên quan đến nó hiện nay vẫn còn đang được bàn thảo.
Minh Phương