Trang web "EUobserver" ngày 25/6 có bài phân tích của một cựu sĩ quan Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) về động cơ của Liên minh châu Âu (EU) trong việc trừng phạt Xyri. Theo Robert Baer, một sĩ quan về hưu của CIA có nhiều kinh nghiệm về Trung Đông, sự can thiệp của EU và Mỹ vào Xyri không phải vì lợi ích của người dân Xyri mà nhằm mục đích gây nguy hại cho Iran, bảo vệ Ixraen và người Libăng theo Cơ đốc giáo.
Khu lều trại của Hội Trăng lưỡi liềm đỏ Thổ Nhĩ Kỳ ở Yayladagi, Hatay, cách biên giới Xyri 2km. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trả lời phỏng vấn của trang mạng "EUobserver", Baer nhận định, các biện pháp trừng phạt của EU và Mỹ chỉ có thể làm suy yếu chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.
Ngày 24/6, EU ra quyết định cấm nhập cảnh và phong tỏa tài sản của 4 thành viên chính phủ Xyri và 3 thành viên chính phủ Iran. Trước đó, EU đã ban hành lệnh trừng phạt đối với 23 quan chức khác của 2 nước này cũng như lệnh trừng phạt tương tự do Mỹ ban hành. EU cũng áp đặt lệnh trừng phạt đối với 4 công ty của Iran được cho là đã cung cấp tài chính cho chính phủ Xyri, gồm Công ty Bất động sản Bena Properties; Quỹ đầu tư Al Mashreq Investment Fund; Công ty Military Housing Establishment; và Công ty Hamcho International.
Theo Baer, mục tiêu chính của EU và Mỹ là làm suy yếu phe Hồi giáo dòng Shi'ite, vì họ không hề áp dụng mức trừng phạt tương tự đối với các chế độ ở Baranh và Yêmen. Baer nhận xét: "Chúng ta đã cố ý đứng về một bên tại Trung Đông. Chúng ta ủng hộ Ixraen, ủng hộ phe Hồi giáo dòng Sunni, đây là quan điểm chung từ Mỹ tới Hà Lan và cả Pháp".
Viên cựu sĩ quan CIA này còn nhận xét, bản thân Thổ Nhĩ Kỳ cũng muốn làm suy yếu phe trục Shi'ie này để họ có thể nắm quyền lực tuyệt đối tại khu vực. Ông nói: "Theo mối liên hệ với đầu mối của tôi tại Xyri, chắc chắn vũ khí đang được chuyển cho phe đối lập không chỉ từ nhóm Hồi giáo dòng Sunni tại Libăng và Irắc mà còn cả từ Thổ Nhĩ Kỳ".
Baer dự đoán rằng nếu giao tranh ở Xyri leo thang, phe lãnh đạo an ninh sẽ sẵn sàng tổ chức một cuộc đảo chính để "hy sinh" Assad nhằm mở đường thương thuyết với phe đối lập, tương tự như kịch bản đã diễn ra ở Ai Cập.
Một nhà ngoại giao EU bày tỏ đồng tình với một số nhận xét của viên cựu sĩ quan CIA này. Nhà ngoại giao này cho rằng lệnh trừng phạt của EU sẽ không phát huy tác dụng vì Assad vẫn có mối quan hệ tốt với Trung Quốc, Iran, Nga và các nước Mỹ Latinh. Nhà ngoại giao này còn cho rằng tình hình phức tạp hơn rất nhiều chứ không phải chỉ đơn giản là cuộc chiến giữa phe đa số theo dòng Sunni và phe thiểu số đang nắm quyền theo dòng Alawite. Ông nói: "Chúng tôi đã có những thông tin cho biết các phần tử Wahhabist (phần tử Hồi giáo cực đoan theo theo dòng Sunni) không nhất thiết do một quốc gia Hồi giáo nào bảo trợ, đang thâm nhập vào Xyri từ Irắc và Arập Xêút để gây hỗn loạn. Ngay tại Xyri, có những tay súng bắn tỉa không phải là người của Tổng thống al-Assad mà là của các quốc gia bí mật nhằm vào đoàn người biểu tình và có cả những tay súng bắn tỉa khác bắn cả người biểu tình lẫn cảnh sát".
Thái Vân (P/v TTXVN tại Bỉ)