Là một thành viên quan trọng của thế giới Arập, Xyri, dù nằm ở Tây Á, cũng không tránh khỏi làn sóng khủng hoảng chính trị đang diễn ra ở Trung Đông. Tình hình Xyri ngày càng diễn biến căng thẳng, cục diện ngày càng xấu đi. Khả năng Xyri trở thành Libi thứ hai được Tân Hoa xã phân tích như sau:
Cuộc khủng hoảng Xyri bắt đầu nổ ra vào trung tuần tháng 3/2011, khi lực lượng an ninh bắt giữ một số sinh viên chống đối chính phủ ở tỉnh miền nam Deraa giáp biên giới với Gioócđani, khiến dân chúng bất bình. Sau đó, làn sóng biểu tình chống đối nhanh chóng lan rộng ra 14 tỉnh thành trên khắp cả nước. Diễn biến này giống với những gì đã diễn ra ở Libi trước đó.
Xyri cũng tiềm ẩn những yếu tố bất ổn tương tự Libi và một số nước Arập, như kinh tế yếu kém, đời sống nhân dân khó khăn, khoảng cách giàu nghèo lớn, tình trạng thất nghiệp cao, nạn buôn lậu vũ khi tràn lan... song song với những mâu thuẫn sắc tộc và bất đồng tôn giáo.
Mặt khác, thời gian nắm quyền của Tổng thống Bashar al-Assad (11 năm) tuy ngắn hơn nhiều so với các nhà lãnh đạo H. Mubarak của Ai Cập, Ben Ali của Tuynidi, Ali Abdullah Saleh của Yêmen và Moamer Kadhafi của Libi, song gia tộc Assab đã nắm quyền được hơn 40 năm và bị cho là thực hiện chế độ "cha truyền con nối".
Trước các cuộc biểu tình diễn ra rầm rộ, để bảo vệ chính quyền, ông Assad đã thực thi nhiều biện pháp, bao gồm cả trấn áp và đối thoại. Các lực lượng cảnh sát và vũ trang được huấn luyện cơ bản đã được sử dụng để trấn áp người biểu tình. Theo số liệu của tổ chức nhân quyền ở Xyri công bố hôm 18/5, hơn 800 người đã thiệt mạng trong các cuộc xung đột trên cả nước. Khi làn sóng biểu tình không dịu bớt, Tổng thống Assab đã “xuống thang” bằng tuyên bố bãi bỏ luật tình trạng khẩn cấp được áp dụng từ năm 1963, xóa bỏ tòa án an ninh quốc gia, trao cho người dân quyền được biểu tình hòa bình theo quy định của hiến pháp và thành lập ủy ban đối thoại dân tộc toàn quốc.
Tuy nhiên, các biện pháp cả cứng và mềm của ông Assab đều tỏ ra không mấy tác dụng và tình hình Xyri ngày càng xấu đi. Các nước phương Tây, đứng đầu là Mỹ, liệu có nhân cơ hội này biến Xyri thành một Libi thứ hai? Theo nhận định của các nhà phân tích, trong thời gian ngắn khả năng này là không lớn, song về lâu dài cũng không thể loại trừ.
Việc Xyri có trở thành Libi thứ hai hay không chủ yếu phụ thuộc vào thái độ của Mỹ. Thực tế, từ khi nổ ra các cuộc biểu tình chống chính phủ Xyri hồi tháng 3, Mỹ vẫn giữ thái độ chần chừ, chưa dứt khoát. Theo xu hướng chung, Mỹ tất nhiên phải ủng hộ “phong trào dân chủ” ở Xyri, làm mọi cách để ông Assab bị hạ bệ, thậm chí còn thúc đẩy cộng đồng quốc tế tiến hành một cuộc can thiệp quân sự vào nước này.
Tuy nhiên, Mỹ và phương Tây chỉ gây áp lực với Xyri bằng chiêu bài "vi phạm nhân quyền”. Trong bài phát biểu hôm 19/5, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cảnh cáo ông Assab rằng “nếu không có chuyển đổi, sẽ có sự ra đi”, song những lời đe dọa trên có ý nghĩa tượng trưng hơn là thực tế. Điều này hoàn toàn khác với hành động và thái độ của Mỹ đối với nhà lãnh đạo Kadhafi của Libi.
Nguyên nhân sâu xa của thái độ này là gì? Do Xyri có vị trí trong yếu, tiềm lực to lớn và ảnh hưởng quốc tế trong việc cân bằng chiến lược ở khu vực Trung Đông, nên Mỹ không thể vội vàng hành động.
Đối với người Mỹ, dù Xyri không phải là đồng minh, song do nước này còn có mối quan hệ rất thân thiết với kẻ thù trực tiếp của Mỹ là Iran và các phe phái chống Mỹ như Hezbollah, Hamas, nên sự ổn định của Xyri có ý nghĩa quan trọng trong việc Mỹ đứng chân ở Trung Đông. Hơn nữa, Tổng thống Obama vẫn luôn hy vọng ông Assab có thể phá vỡ thế bế tắc trong đàm phán hòa bình Trung Đông, các nước Arập –Ixraen chung sống hòa bình và bảo đảm an ninh lâu dài cho Ixraen, đồng minh thân cận của Mỹ ở Trung Đông. Ngoài ra, người Mỹ cũng biết rõ rằng ông Assab không bị cô lập tứ phía như ông Kadhafi. Việc thúc giục Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua một nghị quyết để tiến đánh Xyri giống như Libi là rất khó khăn, mà rào cản trước hết là Nga và Trung Quốc.
Một điểm nữa cũng cần tính đến là thực trạng chiến dịch tấn công Libi của NATO hiện nay. Chiến dịch này kéo dài đã gần 3 tháng mà chưa có kết quả gì.
Việc Mỹ và phương Tây tiến hành cuộc chiến nhanh chóng ở Xyri dường như là điều không thể. Nhưng về lâu dài, khả năng Xyri có trở thành Libi thứ hai không thể loại bỏ hoàn toàn. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng nếu như điều này xảy ra, Mỹ và phương Tây sẽ rơi vào một hoàn cảnh còn khó khăn hơn nhiều so với Libi. Đây cũng chính là nguyên nhân Mỹ và phương Tây cho đến nay vẫn chưa quyết tâm trong vấn đề Xyri.
Lê Hải