Theo tờ “Người Bảo vệ” (Anh) số ra ngày 13/6, các quan chức Mỹ và Ápganixtan đang bế tắc trong cuộc hội đàm bí mật để tiến tới một thỏa thuận an ninh lâu dài mà theo đó có thể bộ binh, tình báo và không quân Mỹ vẫn còn tiếp tục có mặt trên đất nước này trong nhiều năm nữa.
Binh sĩ Mỹ ở tỉnh Helmand, Ápganixtan. AFP-TTXVN |
Mặc dù không được công bố, song cuộc đàm phán đã kéo dài hơn một tháng qua nhằm đạt được một thỏa thuận về quan hệ đối tác chiến lược trong đó cho phép sự có mặt của quân đội Mỹ ở Ápganixtan sau năm 2014, thời hạn rút hết quân đội nước ngoài khỏi Ápganixtan đã được các bên nhất trí trước đây.
Có ít nhất năm căn cứ ở Ápganixtan có thể là những nơi đồn trú thích hợp đối với nhiều đơn vị thuộc các lực lượng đặc biệt của Mỹ sau năm 2014. Những căn cứ này có vị trí chiến lược hiếm có do chúng nằm giữa trung tâm của một trong những nơi bất ổn nhất thế giới, sát biên giới với Pakixtan, Iran, Trung Quốc, và gần Trung Á và vịnh Pécxích.
Tin tức về cuộc hội đàm giữa Mỹ - Ápganixtan đã làm dấy lên những mối quan ngại sâu sắc giữa những cường quốc trong khu vực và các nước khác. Người ta cho rằng Nga và Ấn Độ đã bày tỏ mối quan ngại về sự có mặt lâu dài của Mỹ ở Ápganixtan với cả Oasinhtơn và Cabun. Còn Trung Quốc, nước theo đuổi chính sách không can thiệp quá nhiều ngoại trừ vấn đề kinh tế ở Ápganixtan, cũng tỏ rõ sự lo lắng. Trong một chuyến thăm gần đây, các quan chức cao cấp Pakixtan đã cố thuyết phục những người đồng cấp Ápganixtan chọn Trung Quốc làm đối tác chiến lược, chứ không phải là Mỹ.
Các quan chức Mỹ cuối tháng 6/2011 sẽ tới Cabun để bắt đầu một vòng đàm phán mới. Trước đó, Ápganixtan đã bác bỏ bản dự thảo đầu tiên về thỏa thuận đối tác chiến lược do Mỹ đưa ra và muốn tự mình soạn thảo nội dung bản dự thảo. Và Ápganixtan đã gửi bản dự thảo của họ đến Oasinhtơn cách đây hai tuần. Tổng thống Ápganixtan Hamid Karzai và các quan chức cao cấp khác coi sự có mặt lâu dài của quân đội Mỹ và mối quan hệ chiến lược song phương mở rộng hơn là điều quan trọng, một phần để bảo vệ Ápganixtan.
Rangin Spanta, Cố vấn An ninh Quốc gia của Ápganixtan và là trưởng đoàn đàm phán của nước này, nói: “Chúng tôi đang đối mặt với nhiều mạng lưới khủng bố quốc tế. Đó không chỉ là mối đe dọa đối với Ápganixtan mà còn với cả phương Tây”. Tiến sĩ Ashraf Ghani, nguyên ứng cử viên tổng thống và là một trong những nhà đàm phán, cho rằng mặc dù Mỹ và NATO coi một Ápganixtan ổn định là rất quan trọng trong chiến lược đánh bại al-Qaeda, nhưng một “Ápganixtan thịnh vượng” không phải là ưu tiên hàng đầu của Mỹ và NATO. Mặc dù Ghani nhấn mạnh đến việc hai bên đạt được “sự đồng thuận về những vấn đề cốt lõi”, song vẫn tồn tại nhiều bất đồng lớn giữa Mỹ và Ápganixtan.
Bất đồng đầu tiên là liệu Mỹ có trang bị cho lực lượng không quân Ápganixtan hay không. Tổng thống Karzai đã yêu cầu Mỹ trang bị máy bay chiến đấu hiện đại cho không quân Ápganixtan song Mỹ đã từ chối vì lý do chi phí và sợ làm mất ổn định trong khu vực.
Bất đồng tiếp theo là liệu quân đội Mỹ có tiến hành các hoạt động ra bên ngoài từ những căn cứ nằm trong Ápganixtan hay không. Từ Ápganixtan, quân đội Mỹ có thể dễ dàng triển khai sang Iran hoặc Pakixtan. Máy bay lên thẳng của Mỹ đã cất cánh từ Ápganixtan trong vụ tiêu diệt Osama bin Laden tại Pakixtan. Tuy nhiên, Cố vấn An ninh Quốc gia Ápganixtan Spanta đã tuyên bố: “Chúng tôi sẽ không bao giờ cho phép lãnh thổ của Ápganixtan bị sử dụng (cho các hoạt động) chống lại một nước thứ ba”.
Vấn đề gây tranh cãi thứ ba là cơ sở pháp lý. Các nhà đàm phán Ápganixtan muốn các lực lượng nước ngoài trên đất Ápganixtan phải tuân theo luật pháp nước này và người Ápganixtan cũng muốn có quyền quyết định cuối cùng về việc sử dụng và triển khai quân đội nước ngoài tại nước này.
Ngân Bình (P/v TTXVN tại Luân Đôn)