Iran có thể đối mặt với sức ép trừng phạt ngày càng lớn từ phương Tây sau khi nước cộng hòa Hồi giáo này và các cường quốc thế giới không đạt được tiến bộ nào trong việc giải quyết tranh cãi về các nhà máy hạt nhân của Têhêran tại cuộc đàm phán ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ).
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu các biện pháp trừng phạt như vậy có thành công hay không trong việc thúc ép giới lãnh đạo Iran, vốn muốn dùng những tiến triển về hạt nhân để tập hợp sự ủng hộ của những người theo chủ nghĩa dân tộc ở trong nước, phải nhượng bộ và kiềm chế các hoạt động hạt nhân của mình.
Người đứng đầu cơ quan hạt nhân Iran và quyền Ngoại trưởng Ali Akbar Salehi (thứ hai bên trái) cùng một nhóm các nhà ngoại giao nước ngoài thăm nhà máy nước nặng tại Arak(I ran)theo lời mời của Iran đi tham quan nhà máy này ngày 15/1. |
Shannon Kile, chuyên gia về phổ biến vũ khí hạt nhân thuộc Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế (SIPRI) ở Xtốckhôm (Thụy Điển), nhận định: "Tôi cho rằng phía Iran có thể sẽ không nhượng bộ".
Cuộc đàm phán hai ngày ở Istanbul giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Nga, Anh và Đức) đã kết thúc hôm 22/1 mà thậm chí không đạt được một thỏa thuận nào về thời gian và địa điểm cho cuộc đàm phán lần sau.
Mark Fitzpatrick, cựu quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao Mỹ và hiện đang làm việc cho Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), một tổ chức tư vấn ở Luân Đôn, nhận định: "Việc đàm phán thất bại chắc chắn sẽ làm cho Oasinhtơn có thêm lý do để thôi thúc (các nước) áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt (Iran).
Tuy nhiên, tôi không nghĩ rằng các hoạt động ngoại giao đã kết thúc". Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) phụ trách đối ngoại và an ninh, Catherine Ashton cho rằng cánh cửa cho các cuộc đàm phán mới vẫn mở song kết quả cuộc đàm phán lần này rõ ràng làm bà và các quan chức khác của phương Tây thất vọng, mặc dù trước đó không ai cho rằng sẽ đạt được bất kỳ sự đột phá nào tại cuộc đàm phán lần này.
Phái đoàn Iran, do ông Saeed Jalili dẫn đầu, ngay từ đầu cuộc đàm phán đã tuyên bố rõ rằng "các quyền hạt nhân" của nước này trong đó có quyền làm giàu urani - hoạt động mà phương Tây lo sợ nhất - là không thể thương lượng được. Chuyên gia Kile nói: "Tôi tự hỏi liệu có phải các nhà đàm phán của Iran không có được sự ủy quyền cho dù là rất hạn chế từ Têhêran". Kile nói thêm rằng điều này có thể cho thấy có sự chia rẽ ở Têhêran về những việc mà chính quyền này sẽ tiến hành.
Tại Istanbul, bà Ashton, người dẫn đầu phái đoàn đàm phán của nhóm P5+1, đã đưa ra đề xuất sửa đổi về một thỏa thuận đổi chác nhiên liệu hạt nhân được phương Tây cho là cách để xây dựng lòng tin cho các cuộc đàm phán hạt nhân sau này. Tuy nhiên, cuộc đàm phán lần này đã kết thúc mà không đạt được bất kỳ kết quả nào đối với đề xuất này hay các ý tưởng khác làm giảm đi sự mất tin tưởng lẫn nhau.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã đưa ra khả năng đầu tuần này Mỹ sẽ tăng cường sức ép đối với Iran. Phát biểu trên kênh truyền hình ABC (Mỹ), bà Clinton cho biết chính quyền Barack Obama có thể đề xuất các biện pháp trừng phạt đơn phương mới đối với Iran.
Tuy nhiên, bất kỳ nỗ lực nào của Mỹ gây thêm sức ép đối với Iran có thể làm Nga tức giận. Nga đã từng bỏ phiếu ủng hộ việc áp đặt lần thứ tư các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Iran hồi tháng 6 năm ngoái song đã chỉ trích các bước đi đơn phương sau đó của Mỹ và EU.
Các quan chức phương Tây cho rằng, các lệnh trừng phạt đang làm tổn hại nền kinh tế của Iran, mặc dù giá dầu tăng cao có thể làm giảm ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt này. Bruno Tertrais, một chuyên gia về Iran làm việc cho Tổ chức Nghiên cứu Chiến lược đóng trụ sở ở Pari, cho rằng các biện pháp trừng phạt hiệu quả nhất đã được Oasinhtơn và EU thực hiện, trong đó có các biện pháp nhắm vào khu vực dầu khí có vai trò sống còn của Iran.
Trước đây, cả Iran và nhóm P5+1 đã tỏ ra sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán về việc đổi urani làm giàu ở mức thấp của Iran lấy urani làm giàu ở mức cao hơn để phục vụ các lò phản ứng nghiên cứu của nước này. Tuy nhiên, cả hai bên vẫn bất đồng về cách thức tiến hành sự trao đổi này.
Theo đề xuất ban đầu được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) của LHQ đứng ra làm trung gian, Iran phải chuyển 70% lượng urani được làm giàu ở mức thấp (3,5%) của nước này tới Nga để tái chế thành các thanh nhiên liệu làm giàu ở mức cao hơn (20%). Sau đó, các thanh nhiên liệu này sẽ được chuyển về Iran để sử dụng trong các lò phản ứng nghiên cứu. Kế hoạch này là để ngăn chặn Iran thực hiện các bước làm giàu urani ở mức cao hơn, hoặc làm giàu tới mức cần thiết (90%) để chế tạo bom hạt nhân.
TTK