Nhiều chuyên gia dự báo, năm 2011 sẽ là năm có sự đối địch gay gắt giữa các nghị sỹ thuộc hai đảng Dân chủ và Cộng hòa ở Quốc hội Mỹ.
Kể từ khi ông Barack Obama được bầu làm tổng thống cách đây 2 năm, phe Dân chủ và Cộng hòa đã tranh cãi về mọi dự luật trình lên Quốc hội.
Một số chuyên gia cho rằng, năm nay sẽ không có sự khác biệt và có lẽ còn tồi tệ hơn vì đảng Cộng hòa đã giành quyền kiểm soát Hạ viện và giành thêm ghế tại Thượng viện trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ hồi tháng 11/2010.
Chủ tịch Hạ viện mới được bầu John Boehner đã tuyên thệ nhậm chức tại phiên họp Quốc hội Mỹ khóa 112. |
William A. Galston, học giả cao cấp làm việc tại Viện Brookings, viết trên trang web của tổ chức này: "Sự phân cực trên chính trường Mỹ sẽ khiến công việc đã khó càng khó hơn.
Hai đảng bất đồng về các vấn đề kinh tế cơ bản, và vì mỗi đảng hiện nay đều có quyền lực riêng thực sự, nên mọi việc sẽ không thể thực hiện được nếu hai đảng không nhất trí được với nhau".
Quốc hội Mỹ, được giao trọng trách tìm cách làm giảm tỷ lệ thất nghiệp (lên tới mức 9% trong nhiều tháng qua), có thể sẽ bị rối tung lên bởi sự đối kháng giữa hai phe Dân chủ và Cộng hòa.
Ngày 7/1, Cục Thống kê Lao động Mỹ đã thông báo rằng nền kinh tế Mỹ chỉ tạo được thêm 103.000 việc làm trong tháng 12/2010, thấp hơn so với mong đợi, khiến một số nhà kinh tế thất vọng và cho rằng cần phải tạo ra nhiều việc làm hơn nữa để nền kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng.
Thomas E. Mann, một học giả cao cấp khác của Viện Brookings, nói: "Quốc hội nhiều khả năng sẽ trở thành một đấu trường của những bất đồng và tranh cãi cho tới khi diễn ra các cuộc bầu cử vào năm 2012, chứ không phải là nơi ban hành các luật mới.
Các nhà lãnh đạo Hạ viện của đảng Cộng hòa sẽ bị các nhà vận động hành lang bảo thủ thúc ép và các nghị sỹ mới sẽ bị lôi kéo vào một cuộc đấu".
John Fortier, học giả làm việc tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, dự đoán, trong hai năm tới sẽ có nhiều xung đột xảy ra tại Quốc hội, song không đưa ra dự đoán về tình trạng bế tắc chính trị. Tuy nhiên, theo ông, hai đảng vẫn phân cực như trước đây và rất ít nghị sỹ thuộc mỗi bên có quan điểm ôn hòa.
Phe Cộng hòa đang kêu gọi bãi bỏ luật cải cách y tế của Tổng thống Obama, động thái mà các chuyên gia coi là một chiến lược chính trị nhằm đặt Nhà Trắng vào thế "bấp bênh" cho tới khi diễn ra các cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2012.
Các Hạ nghị sỹ đảng Cộng hòa dự kiến sẽ bỏ phiếu bãi bỏ dự luật này vào tuần tới. Tuy nhiên, có ít khả năng dự luật bị bãi bỏ trong khi ông Obama vẫn ngồi ở Nhà Trắng vì việc bãi bỏ có thể sẽ không được Thượng viện thông qua. Và ngay cả khi Thượng viện thông qua, thì ông Obama cũng sẽ phủ quyết hoàn toàn.
Nhà phân tích Fortier cũng cho rằng, hai đảng không chỉ bất đồng về kế hoạch cải tổ y tế mà còn có những khác biệt lớn về quan điểm trong các vấn đề thế giới. Phe Dân chủ cho rằng, kế hoạch của họ sẽ hạn chế được sự lãng phí trong chi tiêu cho ngành y tế.
Còn phe Cộng hòa cho rằng, kế hoạch này cần huy động thêm nhiều khoản trợ cấp, chính phủ phải chi nhiều hơn và họ coi những lời hứa mơ hồ về cắt giảm chi tiêu sẽ không bao giờ trở thành hiện thực.
Tuy nhiên, có một câu hỏi được đặt ra là liệu chiến lược của đảng Cộng hòa phản đối kế hoạch này có gây tác động ngược lại hay không. Steven Kull, Giám đốc phụ trách Chương trình về Quan điểm Chính sách Quốc tế của trường Đại học Maryland, nói: "Nếu nó (chiến lược của phe Cộng hòa) kết thúc với việc tiêu tốn quá nhiều 'năng lượng', phe Cộng hòa có thể bị coi là lãng phí thời gian, mà lẽ ra khoảng thời gian đó có thể được tận dụng để giải quyết nhiều vấn đề khác, chẳng hạn như việc làm".
Tuy nhiên, nhà phân tích Fortier cho rằng, phe Cộng hòa chưa chắc phải trả bất kỳ cái giá chính trị nào cho chiến lược của họ, và nói thêm rằng dự luật cải cách y tế này cũng không mấy được lòng dân.
Một cuộc thăm dò dư luận do Gallup công bố ngày 7/1 cho thấy, 46% người Mỹ muốn các đại diện của họ trong Quốc hội bỏ phiếu hủy bỏ dự luật y tế, 40% muốn bỏ phiếu duy trì dự luật và 14% không có ý kiến gì.
Tuy nhiên, ông Kull lưu ý rằng, mặc dù đa số người Mỹ phản đối dự luật này, song rất nhiều điều khoản trong dự luật này lại được dân chúng Mỹ ủng hộ.
Nhà phân tích Fortier cũng dự báo về những bất đồng lớn trong Quốc hội Mỹ liên quan đến vấn đề thâm hụt và ngân sách, và tính không khả thi của một đại kế hoạch nhằm giảm thâm hụt xuống mức mà ủy ban phụ trách vấn đề thâm hụt ngân sách - một tổ chức lưỡng đảng được giao nhiệm vụ khuyến nghị mức cắt giảm thâm hụt - đưa ra.
Trong bối cảnh không mấy thuận lợi hiện nay, Tổng thống Obama đã thay đổi chiến lược bằng việc "xốc" lại bộ máy nhân sự. Việc một tổng thống sắp xếp lại nội các vào giữa nhiệm kỳ là điều bình thường, song quyết định mới đây của ông Obama bổ nhiệm lại một số vị trí quyền lực nhất ở Oasinhtơn có thể là một sự thay đổi lớn trong chiến lược điều hành của ông.
Với sự lựa chọn các gương mặt mới cho các vị trí Chánh Văn phòng Nhà Trắng và Chủ tịch Hội đồng Kinh tế Quốc gia (NEC), ông Obama có thể sẽ theo đuổi một con đường khác - con đường ôn hòa, thực dụng và thân thiện với các doanh nghiệp hơn.
TTK (Theo THX)