Trong cuộc bầu cử ngày 7/10, ông Hugo Chavez đã tái đắc cử tổng thống Vênêxuêla lần thứ 4 liên tiếp, kéo dài thời gian lãnh đạo đất nước lên 20 năm - thời gian cầm quyền dài hiếm thấy không chỉ tại Mỹ Latinh mà còn nhiều nơi khác trên thế giới.
Chiến thắng tại hòm phiếu của Tổng thống Chavez có thể coi là giòn giã, nhưng theo một số bài bình luận được đăng tải trên mạng tin Mỹ Latinh "Infolatam", thách thức đối với nhà lãnh đạo cánh tả này nói riêng và cuộc cách mạng Bolivar do ông khởi xướng nói chung trong nhiệm kỳ 6 năm tới không phải là nhỏ.
Giành chiến thắng ngoạn mục nhưng phía trước Tổng thống Chavez là một nhiệm kỳ không dễ dàng. Ảnh: AFP/ TTXVN
|
Thách thức thứ nhất liên quan tới sức khỏe của Tổng thống Chavez. Bệnh ung thư được ông thông báo năm 2011 là một trong những điểm yếu được lực lượng đối lập khai thác triệt để trước và trong quá trình tranh cử. Các phương tiện thông tin đại chúng do cánh hữu kiểm soát tại châu Mỹ và châu Âu đã từng đưa ra những lời đồn đoán với dụng ý xấu, thậm chí quả quyết rằng Tổng thống Chavez sẽ không sống nổi tới ngày bầu cử. Thế nhưng trong thực tế, vấn đề sức khỏe đã không trở thành trở ngại đối với nhà lãnh đạo được đánh giá là người chèo lái con thuyền cánh tả không chỉ tại Vênêxuêla mà cả Mỹ Latinh này. Giờ đây, khi đã tái đắc cử, căn bệnh ung thư của ông lại được báo chí xếp vào danh sách những thách thức lớn nhất đối với ông trong nhiệm kỳ tới.
Theo hiến pháp Vênêxuêla, trong trường hợp tổng thống qua đời hoặc không thể điều hành vì lý do sức khỏe sau khi hoàn thành 4 năm đầu của nhiệm kỳ tới, phó tổng thống do tổng thống chỉ định sẽ tiếp tục hoàn tất nhiệm kỳ. Nhưng nếu sự cố trên xảy ra sớm hơn, thì trong vòng 30 ngày, phó tổng thống sẽ phải triệu tập bầu cử tổng thống thay thế. Cho đến nay, ông Chavez chưa bao giờ chỉ định một người thay ông trong tương lai, nên nếu tình huống xấu trên xảy ra, người của phe chính phủ không dễ dàng “đọ” được với một nhân vật trẻ tuổi nhưng đầy kinh nghiệm chính trường như thủ lĩnh phe đối lập Henrique Capriles.
Một loạt cuộc bầu cử trong thời gian tới cũng là những thách thức đối với Tổng thống Chavez. Theo kế hoạch, vào ngày 16/12/2012 sẽ diễn ra cuộc bầu cử các thống đốc và nghị viện bang, tháng 4 năm tới sẽ diễn ra bầu cử cấp huyện và trong năm 2015 sẽ tổ chức bầu cử quốc hội. Mặt khác, hiến pháp Vênêxuêla cho phép tổ chức trưng cầu ý dân về sự tín nhiệm đối với tổng thống sau khi kết thúc nửa đầu nhiệm kỳ. Năm 2004, ông Chavez đã vượt qua được cuộc bỏ phiếu như vậy, và nếu phe đối lập tiếp tục thúc đẩy một cuộc trưng cầu như vậy, nó sẽ diễn ra từ năm 2016 trở đi. Trong trường hợp tổng thống từ trần hoặc không còn đủ sức khỏe để điều hành trước khi hoàn thành 4 năm đầu của nhiệm kỳ, một cuộc bầu cử tổng thống trước hạn sẽ diễn ra. Có khả năng trong thời gian tới, gần như năm nào tại Vênêxuêla cũng có một cuộc bầu cử.
Ngoài ra, về kinh tế, Tổng thống Chavez sẽ buộc phải đưa ra những biện pháp không thể trì hoãn bởi tình trạng lạm phát cao (trong những năm gần đây Vênêxuêla có tỷ lệ lạm phát thuộc loại cao nhất Mỹ Latinh). Mặc dù tìm cách phát triển kinh tế theo hướng giảm lệ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ, hiện tại Vênêxuêla vẫn không thoát ra được khỏi tình trạng này. Quốc gia giàu dầu mỏ này vẫn lệ thuộc vào việc nhập khẩu lương thực và một số mặt hàng thiết yếu. Chắc chắn quá trình phát triển kinh tế cũng như việc thực hiện những chương trình xã hội tại Vênêxuêla sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong trường hợp giá dầu trên thế giới giảm.
Còn trong lĩnh vực xã hội, tình trạng mất an ninh tiếp tục là vấn đề hóc búa đối với chính phủ. Theo số liệu của Liên hợp quốc, quốc gia Nam Mỹ này có tỷ lệ giết người và bắt cóc cao trên thế giới.
Theo thông báo thứ hai do Hội đồng bầu cử quốc gia (CNE) đưa ra ngày 8/10, với 94,18% số phiếu được kiểm, ông Chavez giành 54,84% phiếu ủng hộ, trong khi ông Henrique Capriles thu được 44,55%. Kết quả cho thấy tại cuộc bầu cử này, Tổng thống Chavez giành được cách biệt gần 11 điểm, tức là thấp nhất trong các cuộc bầu cử tổng thống mà ông tham gia (trong các cuộc bầu cử trước, ông dẫn trước các đối thủ từ 16 - 25 điểm). So với cuộc bầu cử tổng thống gần đây nhất (năm 2006) phe chính phủ thu được thêm khoảng 400.000 phiếu nhưng phe đối lập thu được thêm 1,5 triệu phiếu bầu.
Tại cuộc bầu cử năm nay, lần đầu tiên phe đối lập chọn ra được một ứng cử viên đại diện. Lúc đầu, có người nghi ngờ về khả năng tập hợp lực lượng của ông Capriles. Nhưng qua cuộc bầu cử này, ông Capriles, 40 tuổi, đã thực sự trở thành ngọn cờ của phe đối lập và đã chứng tỏ được khả năng thu hút dư luận. Điều này đặt ra cho Tổng thống Chavez thách thức phải tìm ra một cấp phó có uy tín và được lòng dân, sẵn sàng kế tục sự nghiệp xây dựng “chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21” mà ông muốn dẫn dắt tới giai đoạn không gì có thể đảo ngược được.
Quang Sơn (P/v TTXVN tại Áchentina)