Kinh tế Nhật Bản bị ảnh hưởng do tranh chấp đảo với Trung Quốc

Nhật Bản ngày 28/9 đã công bố những số liệu đáng lo ngại cho thấy nền kinh tế nước này đã xấu đi từ trước khi xảy ra cuộc tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Trung Quốc và sắp tới, tình hình kinh tế sẽ còn tồi tệ hơn nữa.


 

Nhân viên kiểm tra chiếc ô tô mới sản xuất tại một nhà máy của Toyota tại Thiên Tân, Trung Quốc ngày 23/3/2012. Ảnh: Internet

 

Theo báo cáo của Bộ Công nghiệp, sản lượng của các nhà máy tại Nhật Bản trong tháng 8 đã giảm 1,3% so với tháng trước, mức giảm mạnh hơn dự báo trước đó. Bộ này thừa nhận rằng hoạt động sản xuất công nghiệp đang ngày một yếu đi. Trước đó, các chuyên gia nghiên cứu thị trường dự báo sản lượng này chỉ giảm 0,4%.
Nền kinh tế dựa vào xuất khẩu của Nhật Bản đang vừa phải vật lộn để phục hồi sau thảm họa động đất gây sóng thần hồi tháng 3/2011, vừa phải chống chọi với những hậu quả từ cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu. Trong khi đó, mức cầu từ Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản - suy giảm và đồng yên mạnh lên.


Các doanh nghiệp Nhật Bản lo ngại rằng sẽ bị "dính đòn" nặng từ cuộc tranh chấp chủ quyền dữ dội với Trung Quốc. Việc Nhật Bản quốc hữu hóa 3 đảo trong quần đảo Senkaku (mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) tranh chấp nói trên từ tư nhân đã làm bùng lên làn sóng biểu tình chống Nhật khắp Trung Quốc.


Phần lớn công ty Nhật Bản buộc phải tạm đóng cửa các nhà máy. Hôm 26/9, hai tập đoàn ô tô khổng lồ của Nhật Bản là Nissan và Toyota cho biết họ sẽ cắt giảm sản lượng ở Trung Quốc do nhu cầu mua ô tô Nhật Bản đã giảm. Toyota đã ngừng hoạt động tại phần lớn các cơ sở sản xuất lắp ráp xe tại Trung Quốc trong 4 ngày (kể từ ngày 26/9). Ngày 27/9, một số nhà máy của Nissan tại Trung Quốc cũng đóng cửa cho đến hết tuần này.


Nhiều hành khách đã mua vé trên các chuyến bay đến Trung Quốc của các hãng hàng không Nhật Bản cũng hủy chỗ.


Tâm lý tẩy chay hàng Nhật Bản của người tiêu dùng Trung Quốc cũng đang khiến các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc mất ăn mất ngủ.
Trước tình hình đó, dẫn một khảo sát về dự báo sản lượng của các công ty sản xuất, Bộ Công nghiệp Nhật Bản cho rằng sản lượng của các nhà máy sẽ giảm thêm 2,9% trong tháng 9 và sẽ không tăng trong tháng 10.


Ông Norio Miyagawa, nhà kinh tế cấp cao thuộc bộ phận tư vấn và nghiên cứu của công ty chứng khoán Mizuho, nhận định trên mạng tin Dow Jones rằng: "Sản lượng công nghiệp có thể giảm ít nhất cho đến tháng 10, đặc biệt là trong ngành sản xuất ô tô. Nếu cuộc tranh chấp hiện nay với Trung Quốc kéo dài, nó sẽ làm sản lượng và kinh tế Nhật Bản bị thiệt hại".


Ông Kengo Suzuki, chiến lược gia tiền tệ thuộc công ty chứng khoán Mizuho, cũng cho rằng suy giảm mức cầu từ thị trường nước ngoài có thể gây thêm áp lực cho kinh tế Nhật Bản. Ngoài ra, nó còn có thể khiến thị trường đồn đoán rằng sẽ có biện pháp nới lỏng tiền tệ về lâu dài.


Tuần trước, Ngân hàng trung ương Nhật Bản đã thông báo sẽ chi thêm 128 tỷ USD mua trái phiếu nhằm phục hồi kinh tế, nâng tổng số tiền trong gói nới lỏng tiền tệ lên tới 1.000 tỷ USD.


Trước các rủi ro kinh tế-chính trị này, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang hướng sang khu vực Đông Nam Á. Một số nước Đông Nam Á cho rằng đây là một cơ hội tốt. Philíppin đang nhắm tới khoảng 15 doanh nghiệp lớn của Nhật Bản. Ngày 26/9, Philíppin đã cam kết ưu đãi thuế dành cho các doanh nghiệp Nhật Bản rời Trung Quốc sang Philíppin.


Chuyên gia Yukio Suzuki thuộc viện nghiên cứu Bell Investment, khẳng định Mianma là điểm đến trong tương lai khi hãng hàng không All Nipon Airways sắp khai trương tuyến bay Tôkyô - Rănggun. Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã cử một phái đoàn quan trọng sang Mianma để xây dựng các quan hệ, tiếp xúc với giới doanh nhân địa phương và các quan chức chính phủ.

 

Minh Đức (tổng hợp)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN