Tại sao ông Obama không thể cải thiện quan hệ Mỹ - Hồi giáo?

Theo báo “Bưu điện quốc gia” (Canađa) ngày 22/9, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã không hoàn thành được nhiệm vụ là mở ra một kỷ nguyên mới trong quan hệ giữa Mỹ và thế giới Hồi giáo như ông đã cam kết.


 

Biểu tình chống bộ phim nhạo báng Đấng tiên tri Mohammed tại thủ đô Đắcca, Bănglađét ngày 23/9/2012.

 

Sau khi nhậm chức đầu năm 2009, ông Obama đã tuyên bố rằng “công việc của tôi với thế giới Hồi giáo là thuyết phục các bạn rằng người Mỹ không phải là kẻ thù của các bạn”. Nhưng khi các cuộc biểu tình bạo lực chống Mỹ đang lan khắp thế giới Hồi giáo từ Benghazi (Libi) tới Ixlamabát (Pakixtan), hy vọng trên của ông Obama biến thành “nhiệm vụ chưa hoàn thành”.


Ngay sau khi Đại sứ Mỹ tại Libi bị sát hại, chính quyền Obama đã khăng khăng cho rằng các cuộc tấn công ngày 11/9 vừa qua vào Đại sứ quán Mỹ tại Cairô và Lãnh sự quán Mỹ tại Benghazi là những phản ứng tự phát với một bộ phim “nghiệp dư” trên YouTube, nhạo báng Đấng tiên tri Mohammed. Tuyên bố này chưa bao giờ thuyết phục được ai và giờ đây đã gần sáng tỏ hoàn toàn.


Các cuộc tấn công trên dường như được lập kế hoạch công phu và tiến hành đúng vào thời điểm kỷ niệm các cuộc tấn công khủng bố tại nước Mỹ ngày 11/9/2001. Việc lá cờ của al-Qaeda tung bay trên tường của Đại sứ quán Mỹ tại Cairô là một thách thức và bác bỏ những hy vọng được nêu ra trong bài phát biểu của ông Obama, cũng tại Cairô, 3 năm trước đây. Ông Obama đã nói: “Tôi đến đây để tìm một sự khởi đầu mới giữa Mỹ và những người Hồi giáo khắp thế giới; một sự khởi đầu dựa trên lợi ích chung và tôn trọng lẫn nhau, dựa trên sự thật rằng Mỹ và Hồi giáo không loại trừ nhau và không cần phải cạnh tranh”.


Nhưng sự khởi đầu đó không bao giờ tới. Ông Obama có thể tuyên bố những thành tích an ninh quốc gia quan trọng như tiêu diệt được trùm khủng bố Osama bin Laden và phần lớn ban lãnh đạo al-Qaeda tại Pakixtan. Nhưng thái độ chống Mỹ hiện nay không giảm so với năm 2008 - 2009. Nếu có điều gì thay đổi thì đó là tình hình tại những quốc gia quan trọng có đông người Hồi giáo như Pakixtan và Ai Cập hiện nay dường như nguy hiểm hơn so với khi ông Obama mới lên nắm quyền. Không phải ông Obama khiến mọi việc xấu thêm, mà những diễn biến gần đây cho thấy những hứa hẹn của Tổng thống Mỹ là phi thực tế.


Hứa hẹn của ông Obama dựa trên những giả định sai lầm. Giả định thứ nhất là vấn đề Palextin là nguyên nhân chính của thái độ chống Mỹ trong thế giới Hồi giáo và ông Obama có thể giải quyết bằng việc thúc ép Ixraen phải có những nhượng bộ. Thứ hai là nỗi tức giận của người Hồi giáo phần nào do Tổng thống G.W. Bush gây ra và ông Obama có thể làm dịu bằng cách thay đổi những chính sách của ông Bush. Cuối cùng là việc cá tính và cái tên của ông Obama có thể trấn an phần nào những người Hồi giáo và bản thân ông. Ông Obama đã từng tuyên bố: “Tôi là một tín đồ Cơ đốc giáo, nhưng bố tôi xuất thân trong một gia đình Kênia có nhiều thế hệ theo đạo Hồi. Khi còn nhỏ, tôi đã sống vài năm tại Inđônêxia và được nghe tiếng đọc kinh Koran vào mỗi sáng sớm và chiều tối. Khi còn thanh niên, tôi đã làm việc trong những cộng đồng Chicago, nơi nhiều người đã tìm thấy phẩm giá và bình an trong đức tin Hồi giáo của họ”.


Tại nước Mỹ, tiểu sử của ông Obama tượng trưng cho những hy vọng vượt qua sự chia rẽ chủng tộc của nước Mỹ. Liệu tiểu sử của ông Obama có đạt được sự cộng hưởng tương tự tại nước ngoài? Giờ đây thế giới đã có câu trả lời là “Không”. Một lần nữa, đó cũng không phải là lỗi của ông Obama. Những vấn đề mà thế giới Hồi giáo đang phải đối mặt hiện nay có nguyên nhân sâu xa hơn, chứ không phải vì Ixraen hay các chính sách của ông Bush.

 

Do vậy Mỹ, Ixraen hay cả thế giới phương Tây cũng không thể xoa dịu được. Sự giận dữ trong thế giới Hồi giáo chỉ có thể lắng xuống nhờ chính những thay đổi ở bên trong thế giới Hồi giáo. Việc loại bỏ những ưu đãi đối với những kẻ tìm kiếm quyền lực ở địa phương, xúi giục đám đông bằng những câu chuyện báng bổ đạo Hồi; giảm sự cả tin của người dân trước sự mị dân của những kẻ tìm kiếm quyền lực; phát triển kinh tế, thúc đẩy giáo dục và sự trỗi dậy của các hình thức Hồi giáo ít mang tính chính trị nhưng thiêng liêng hơn, có thể sẽ mang lại thay đổi. Tiến trình này sẽ chậm chạp và có tầm vóc lớn hơn nhiều so với một tổng thống Mỹ, cho dù tiểu sử của ông ta có đặc biệt đến đâu, tài hùng biện thế nào.


Thanh Hoa (P/v TTXVN tại Canađa)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN