Mỹ hay Ixraen sẽ tấn công Iran?

Tạp chí Bauhinia (Hồng Công, Trung Quốc) số tháng 2 đã đăng bài của nhà phân tích Lý Sở Ngưng cho rằng, tuy quan hệ giữa Mỹ và Iran ngày càng xấu đi, căng thẳng vùng Vịnh ngày càng tăng lên, nhưng cả Oasinhtơn và Têhêran đều biết rõ họ không thể gánh vác nổi thảm họa quá lớn một khi chiến tranh nổ ra. Iran không giống với Irắc và càng khác Libi. Cho dù là về thực lực quân sự, vai trò trong lĩnh vực năng lượng hay địa chiến lược, Irắc và Libi đều không thể nào so sánh được với Iran.

Cách đây không lâu, Iran tuyên bố đã bắt sống máy bay không người lái hiện đại của Mỹ, điều đó đủ thấy thực lực quân sự của nước này. Thực tế cũng chứng minh trong 8 năm chiến tranh Iran - Irắc, mặc dù được phương Tây, đứng đầu là Mỹ ủng hộ, nhưng Irắc vẫn không thể chiếm được lợi thế so với Iran. Tất cả cho thấy thực lực quân sự của Iran mạnh hơn Irắc khi xưa rất nhiều.

Bên cạnh đó, sản lượng dầu mỏ hàng ngày của Iran có thể đạt 4,1 triệu thùng, chỉ đứng sau Arập Xêút. Một khi chiến tranh Mỹ - Iran nổ ra, giá dầu thế giới sẽ tăng vọt. Việc này chẳng khác nào đẩy kinh tế Mỹ và châu Âu vốn đang chìm trong khó khăn khủng hoảng vào cảnh “họa vô đơn chí”, chính quyền Mỹ - Âu khó có thể chịu được áp lực đến từ người dân.

Ngoài ra, Iran còn nằm án ngữ eo biển Hormuz dễ phòng thủ, khó tấn công. Nếu chiến tranh bùng nổ, với thực lực của hải quân hiện nay, Iran có thể phong tỏa eo biển Hormuz nhỏ hẹp. Khi đó, không chỉ dầu của các nước vùng Vịnh không thể vận chuyển được ra ngoài, mà e rằng tàu sân bay và đội quân to lớn của Mỹ cũng khó có thể đi qua nơi này.

Về mặt địa chiến lược, Iran có quan hệ chặt chẽ với Nga và Trung Quốc. Vai trò của Iran trong toàn cục ngoại giao của Nga và Trung Quốc vượt xa so với Libi và Xyri. Trung Quốc và Nga sẽ không ngồi nhìn Mỹ - Âu tấn công Iran, Mỹ - Âu rất khó có thể tấn công Iran với sự cho phép của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Ngoài ra, Iran còn có sự giao lưu kinh tế thương mại chặt chẽ với Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU) và Ấn Độ, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu dầu mỏ. 18% lượng dầu mỏ xuất khẩu của Iran là sang châu Âu. Do vậy, việc Mỹ kêu gọi đồng minh Nhật Bản và châu Âu thực hiện chế tài dầu mỏ đối với Iran, bên bị hại chỉ có thể là Nhật Bản và châu Âu. Đây chính là lý do giải thích việc Nhật Bản và châu Âu chần chừ trong vấn đề này.

Với tư cách là một nước lớn độc lập, Ấn Độ càng không chấp nhận lời kêu gọi thực hiện chế tài dầu mỏ đối với Iran của Mỹ. Rất có khả năng Ấn Độ sẽ lựa chọn đứng về phía Trung Quốc và Nga, phản đối việc thực hiện chế tài dầu mỏ đối với Iran và càng không ủng hộ việc tấn công Iran. Tóm lại, nói theo lời một nhà quan sát Nga, trước áp lực đến từ Mỹ và EU, Iran có nhiều phương thức trả đũa hơn là mưu đồ sử dụng vũ lực đối với Iran của Mỹ.

Về phía Mỹ, dù nước này không ngừng yêu cầu gia tăng mức độ chế tài đối với Iran, nhưng mục đích chủ yếu vẫn chỉ là thông qua việc thắt chặt “thòng lọng” để ép Iran phải khuất phục, từ bỏ chương trình nghiên cứu chế tạo vũ khí hạt nhân. Đối với chính quyền Barack Oama vốn đi lên từ việc phản đối chiến tranh Irắc, không có nhiều khả năng tái diễn một cuộc chiến tranh có tính chất và hậu quả giống với chiến tranh Irắc. Hơn nữa, trong bối cảnh cuộc bầu cử tại Mỹ chưa rõ ràng, Tổng thống Obama càng không đánh bạc với bầu cử, khinh suất đưa ra quyết định tấn công Iran. Trừ phi vào 6 tháng cuối năm, tình hình bầu cử xuất hiện sự thay đổi kịch tính, dân ý Mỹ có sự chuyển biến lớn, nhằm liên nhiệm, chính quyền Obama sẽ đưa ra quyết định quan trọng nêu trên.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta ngày 3/2 cho rằng, nhiều khả năng Ixraen sẽ tấn công Iran vào tháng 4, tháng 5 hoặc tháng 6 tới, trước khi Têhêran tiến tới cái mà Ten Avíp gọi là "vùng miễn dịch" để bắt đầu chế tạo bom nguyên tử.


Ông Panetta cho rằng, nhiều khả năng Ixraen sẽ tấn công Iran vào tháng 4, tháng 5 hoặc tháng 6 tới. Nguồn: Internet.



Ixraen lo ngại rằng Iran sẽ sớm có đủ lượng urani đã được làm giàu tại các cơ sở nằm sâu trong lòng đất, khi đó chỉ có Mỹ mới có thể ngăn chặn được chương trình hạt nhân của Iran bằng hành động quân sự. Thủ tướng Ixraen Benjamin Netanyahu không muốn số phận của Ixraen phụ thuộc vào hành động của Mỹ. Tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Ixraen Ehud Barak đã báo hiệu về khả năng Ixraen tấn công Iran khi đề nghị hoãn cuộc diễn tập quân sự chung Mỹ - Ixraen theo kế hoạch. Ông Barak xin lỗi rằng Ixraen không thể dành nguồn lực cho cuộc tập trận hàng năm này.

Các nguồn tin cho biết Tổng thống Mỹ Barack Obama và Bộ trưởng Panetta đã cảnh báo Ixraen rằng Mỹ phản đối một cuộc tấn công Iran. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Nhà Trắng vẫn chưa quyết định chính xác Mỹ sẽ phản ứng ra sao nếu Ixraen tấn công Iran.

Hà Ngọc – Đỗ Thúy

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN