Những căng thẳng trong quan hệ giữa Iran và phương Tây khiến dư luận đồn đoán về sự cận kề của một cuộc chiến nhằm ngăn chặn chương trình hạt nhân của Iran.
Theo nhận định của ông Nader Mousavizadeh, Giám đốc Điều hành Hãng tư vấn và phân tích chiến lược Oxford Analytica, sẽ khó có khả năng Mỹ tấn công Iran trong năm 2012, và một cuộc chiến chống Iran nếu xảy ra thì Ixraen sẽ là kẻ châm ngòi.
Trong bài trả lời phỏng vấn tạp chí Barron's (Mỹ) đánh giá về các nguy cơ toàn cầu năm 2012, ông Nader Mousavizadeh cho biết, từ lâu, Mỹ, Ixraen và một số nước khác được cho là có can dự vào một chiến dịch phối hợp nhằm phá hoại, làm trì hoãn hoặc gián đoạn chương trình hạt nhân của Iran, và những nỗ lực này đến nay cũng đã đạt được những thành công nhất định, cụ thể là Iran chưa thể vượt qua được ngưỡng cửa hạt nhân.
Mối đe dọa chủ chốt hiện nay là những nhân vật quan trọng trong giới lãnh đạo Ixraen không tin rằng phương Tây có đủ ý chí và thực lực để ngăn chặn Iran trở thành quốc gia hạt nhân. Nếu kết hợp giữa nhận định cho rằng những thay đổi lan rộng ở thế giới Arập là nguồn gốc của những bất ổn và thù địch nhằm vào Ixraen với thực tế là một Iran có thực lực hạt nhân sẽ làm thay đổi đáng kể cán cân quyền lực tại khu vực, đe dọa vị thế chiến lược của Ixraen thì rõ ràng, nguy cơ về một cuộc chiến sẽ gia tăng trong năm 2012.
Các mối quan hệ hiện nay giữa Ixraen và Mỹ chứa đựng sự ngờ vực mạnh mẽ trong giới lãnh đạo cao cấp hai nước, giữa Thủ tướng Ixraen Benjamin Netanyahu và Tổng thống Mỹ Barack Obama. Điều này có thể góp phần thêm vào quyết định tiến hành hành động quân sự chống Iran.
Đánh giá về khả năng xảy ra cuộc chiến chống Iran, ông Nader Mousavizadeh nhận định, hiện nay chính phủ và giới quân sự Mỹ và Anh - đồng minh chiến lược của Mỹ - không "hứng thú" về một cuộc chiến chống Iran. Nếu chiến tranh xảy ra thì sẽ vào mùa Xuân 2012 bởi các nhân tố về tính thời điểm. Một cuộc chiến sẽ khó có thể xảy ra vào giai đoạn đầu ngay sau khi tổng thống cũ tái đắc cử hoặc một tổng thống mới vừa nhậm chức.
Nếu một cuộc chiến xảy ra thì là bởi Ixraen châm ngòi và sau đó sẽ kéo theo sự tham dự của Mỹ, ngay lập tức hoặc ở giai đoạn giữa của cuộc chiến. Cuộc chiến này có nguy cơ cao trở thành một cuộc chiến lớn tại khu vực. Theo cách nhìn nhận của Iran, việc đóng cửa eo biển Hormuz rõ ràng là một trong những vũ khí khiến phương Tây phải trả giá cao nếu tấn công nước này. Do đó, rất có khả năng xảy ra gián đoạn lớn đối với nguồn cung năng lượng và nguy cơ giá cả năng lượng leo thang
Ngoài Iran, cuộc khủng hoảng sẽ còn ảnh hưởng tới một loạt các đồng minh chủ chốt tại Arập. Giới lãnh đạo có thể ủng hộ cuộc chiến nhưng người dân thì sẽ không. Tại các nước vùng Vịnh Pécxích, người dân phản đối mạnh mẽ việc tấn công Iran và coi cuộc chiến này là một nhân tố gây bất ổn lớn trong khu vực. Một khi cuộc chiến lớn xảy ra đối với một quốc gia Hồi giáo khác tại Trung Đông, người dân các nước nơi đây chắc chắn sẽ không còn "đồng cảm" với giới lãnh đạo và hệ quả là nguy cơ bất ổn lan rộng ra khắp khu vực.
Lê Dương (P/v TTXVN tại Anh)