Trung Đông - Bắc Phi, một năm đầy sóng gió-Bài 1: “Lì Mágià?” hay “Vì đâu nên nỗi?”

Mohammed Ali quý mến!

Nhanh thế đấy, chúng ta xa nhau đã già hai năm rồi, thư đi, tin nhắn về không ít, nhưng vẫn nhớ nhau quá, riêng với tôi, còn hơn thế nữa, đấy là nỗi nhớ cả một vùng đất, nhớ những con người đã gắn bó một phần không nhỏ đời làm báo của mình ở Trung Đông - Bắc Phi “của chúng ta”.

Vẫn biết anh rất mê thông tin, thích chuyện chính trường, nhưng tôi không ngờ rằng anh lại dành trọn cả bức thư vừa rồi để bàn về chuyện đó, nhất là khi anh bảo vùng này năm qua đã trải qua những cơn đại địa chấn, làm rung chuyển tất cả, từ chốn đô thành, những ngai vàng, đến đầu sông, mỏm núi, và những bữa ăn... toàn chất bột.

Mình không nghĩ nặng nề quá như thế đâu, chỉ coi những biến động chính trị, xã hội, bắt đầu từ cuối năm ngoái ở Tuynidi, sau đó lan sang Ai Cập, Libi, và nhiều nước ở vùng này là những sóng gió, tác động mạnh đến cộng đồng quốc tế, nhất là những người trong cuộc, chứ nếu là đại địa chấn thì kinh khủng lắm, nhất là về chính trị. Và nữa, để không còn những ngai vàng, sẽ có bình đẳng xã hội, ai cũng được học hành, được chữa bệnh như nhau... thì mình không cho rằng nó sẽ tới trong ngày một, ngày hai như Ali đoán đâu, cho dù bây giờ ai cũng bảo sẽ làm được như thế, nhưng “ngôn dị, hành nan” (nói dễ, làm khó) mà!

Thư vừa rồi, có dễ đến cả chục lần anh hỏi “Lì Mágià?” (Tại sao?), rồi tự trả lời, và tôi chia sẻ với phần lớn những lý giải ấy, nhất là chuyện trong vùng đất “của chúng ta” còn quá nhiều bất công, bất bình đẳng, tệ nỗi nó cứ chồng chất mãi, chỗ thì vài bốn chục năm, nơi ít cũng một thập kỷ có lẻ. Nhớ hôm về thăm quê anh, chỉ sau chưa đầy nửa tiếng đi xe hơi từ thành phố là những con kênh tù đen ngòm, nhưng những “ông bà chủ đất nước” vẫn xúm đông, xúm đỏ vừa tắm giặt, vừa xách mang về; hay như làng anh, cả nhà mù chữ là chuyện... thường thôi. Giá như lợi ích từ dầu mỏ, du lịch... được người ta chia đều đều ra một chút cho các vùng miền, các tầng lớp xã hội, thì có mà nước sạch... tắm cả ngày cũng không hết, và những căn buồng quê anh sẽ chất đầy sách hay các phương tiện nghe nhìn, chứ đâu đến nỗi chỉ toàn những thứ... cho cũng không ai nhặt, Ali nhỉ? Khổ nỗi, những “người ta” kia đâu có để mắt tới, chỉ biết có chục tỷ đôla rồi, lại muốn có tám chín chục và hơn thế, hay cầm bốn năm chục cân vàng ròng rồi, lại thích trăm hai, trăm ba. Rồi nữa, có vị tổng thống lại dám nói toẹt ra rằng không ai ở đất nước ấy ngoài các con ông đáng mặt kế nhiệm. Thế nên từ nhiều đời nay rồi, làm chính trị ở vùng này, kể từ chức tổ phó dân phố, cũng đều được coi là thứ... xa xỉ.

Thấy anh than rằng mấy đời nay ở đấy chưa biết bầu cử là gì, hoặc có đấy nhưng chỉ là... giả vờ, khiến tôi... chán thật! Ai đời quốc hội, cơ quan lập ra hiến pháp, sinh ra các đạo luật để điều hành mọi hoạt động của xã hội, và còn để giám sát chính phủ nữa... nhưng chỗ thì không có, hoặc chỉ do một người, hay một gia tộc nắm, chỗ thì có qua tổng tuyển cử thật, nhưng bầu ai, gạch ai đều có... điều khiển từ xa hết rồi, ai dám làm trái?

Cũng như anh, tôi không nghĩ rằng tác giả của những cuộc bạo động suốt một năm qua ở vùng Trung Đông - Bắc Phi là chính người Arập, càng không mảy may nghĩ rằng họ đơn thương độc mã. Chắc anh biết, từ lâu lắm rồi, người Tây đã dụ được không ít nhân vật tai to mặt lớn ở vùng này để đào tạo, bồi dưỡng kiến thức làm bạo loạn, lật đổ. Nghĩa là ở đâu đấy bên ngoài, người ta vừa có quan hệ, thậm chí rất nồng ấm với các chính quyền Arập, vừa ngầm chơi, ngầm rót tiền cho những người chống đối để chuẩn bị “phương án 2” khi mà lợi ích của họ không được bảo đảm, chứ chưa nói đến chuyện bị đe dọa như tại khá nhiều quốc gia trong vùng này. Thế nên, khi gặp bạo động, nhiều chính quyền ở đây mới ngã ngửa ra, âu cũng là điều dễ hiểu, vì ở đời ai học hết được chữ “ngờ” đâu anh?

Đúng, những tiến bộ của khoa học - kỹ thuật đã làm thay đổi rất nhiều nhận thức của các tín đồ Hồi giáo, nhưng thay đổi nhanh đến thế, mạnh đến thế thì quả là bất ngờ. Mình vẫn nhớ Kinh Koran dạy rằng mọi thứ trên đời này, từ cây cỏ, hoa lá, đến mọi số phận của con người, vật nuôi đều do Thánh Allah sắp đặt “chuẩn” hết rồi, không phải “chỉnh” nữa, nên không ai được chống lại, đều phải an phận, chấp nhận tất cả. Thế mà suốt một năm nay, người Arập rần rần xuống đường đòi “làm lại cuộc đời” cho dù những lời răn dạy trên ai cũng thuộc lòng. Thế mới biết miếng cơm, manh áo và các quyền cơ bản nhất của con người mới là cái cao hơn tất cả. Và nữa, đúng như Ali nói, nếu không có các phương tiện truyền thông hiện đại, chắc chắn không ai có thể tổ chức được những cuộc xuống đường với cả chục nghìn, trăm nghìn người chỉ sau một cái “nhấp chuột” như thế.

Và nữa, cám ơn Ali đã lý giải tại sao khởi mào chỉ từ một anh bán hàng rong bị ngăn cản ở Tuynidi, hà cớ gì làn sóng biểu tình lan nhanh, lan mạnh, lan rộng đến như thế trong thế giới Arập? Đúng là 22 nước Arập cùng một dân tộc, một ngôn ngữ, một nền văn hóa, một phong tục tập quán... nên ảnh hưởng, tác động qua lại lẫn nhau là điều đương nhiên. Đấy là chưa kể thể chế của các nước này cũng na ná nhau, các vấn đề nổi cộm ở nước này thì nước kia cũng có, và vì thế khi ở đây chống cái này, thì ở kia, người ta cũng phản đối chính cái đó. Ác thay, trong bầu không khí sôi sùng sục suốt một năm qua như thế, bên ngoài người ta không những vạch kế hoạch, rồi hà hơi tiếp sức cho người biểu tình, mà còn nghĩ ra đủ loại sức ép với chính quyền, thậm chí còn đưa cả tàu bay, đại bác tới, thì không khốn đốn, không điêu đứng và không đổ mới là lạ, phải không anh?

Thôi nhé, tình dài, giấy ít, hẹn anh thư sau vậy!

Phạm Phú Phúc

Bài 2: Xuân ơi, đừng lạnh nữa nhé...

Trung Đông - Bắc Phi, một năm đầy sóng gió-Bài cuối: Xuân ơi, đừng lạnh nữa nhé...

Tiếc quá nhỉ, nếu bây giờ ở gần anh, chắc chắn chúng ta sẽ có cả buổi ngồi hút Shisa (gần giống thuốc lào ở Việt Nam) để bàn về nhân tình thế thái ở khu vực “của chúng ta” trong năm vừa rồi, bởi đấy luôn là “sở trường” của chúng ta mà.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN