Các nước thuộc nhóm BRIC (Braxin, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) sẽ họp ngày 22/9 để thảo luận việc hỗ trợ tài chính cho châu Âu đang gặp khó khăn về nợ công. Do đâu mà BRIC quan tâm đến khu vực đồng euro?
Trả lời phỏng vấn tạp chí Affaires Stratégiques, bà Sylvie Matelly, Giám đốc Nghiên cứu thuộc Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược Pháp (IRIS), nhận xét thực tế là các nước BRIC lo ngại trước tình hình ở châu Âu vì ba lý do. Thứ nhất, nguy cơ các ngân hàng vỡ nợ có thể xảy ra, trong đó ngân hàng lớn nhất châu Âu có thể bị phá sản, gây ra nhiều hậu quả khác về phương diện tài chính và kinh tế. Thứ hai là nguy cơ châu Âu không trả được nợ và một số tiền lớn của châu Á đã được đầu tư vào món nợ công của châu Âu có thể sẽ bị mất, đây là điều mà các nước BRIC không muốn xảy ra. Thứ ba, các nước BRIC cũng lường trước nguy cơ suy thoái, dù là khủng hoảng ngân hàng hay khủng hoảng nợ công của châu Âu đều có thể tác động đến tăng trưởng kinh tế ở khu vực này.
Theo bà Sylvie Matelly, đối với các nước BRIC, châu Âu là một trong hai đối tác thương mại hàng đầu (cùng với Mỹ), đồng thời là thị trường xuất khẩu hàng đầu. Trong khi đó, các nước BRIC xây dựng nền kinh tế trong nước chủ yếu dựa vào xuất khẩu, vì sức tiêu thụ của các tầng lớp trung lưu của họ chưa đủ lớn để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Điều đó giải thích tại sao các nước BRIC lo sợ. Nhưng không phải các nước đều lo sợ như nhau. Trung Quốc có thể hoàn toàn không lo ngại việc đồng euro bị mất giá do khủng hoảng, nhưng đó lại là mối đe dọa thực sự đối với các nước khác, chẳng hạn như Braxin, vì đồng euro mất giá có nghĩa là hàng nhập khẩu vào châu Âu sẽ đắt hơn nhiều. Như vậy, có cả yếu tố chung lẫn yếu tố riêng khiến các nước BRIC lo ngại.
Về những gì mà các nước BRIC có thể hỗ trợ cho châu Âu, bà Sylvie Matelly cho rằng, cái châu Âu cần hiện nay là lấy lại lòng tin để hạn chế rủi ro ngân hàng hay nguy cơ không thanh toán được nợ. Châu Âu cần tiền, nói chung là cần tiền và vốn. Các nước BRIC có thể đầu tư hoặc vào ngân hàng, hoặc vào viện trợ công để tránh xảy ra khủng hoảng. Làm như vậy, các nước BRIC có thể gặp rủi ro lớn, nhưng họ đã tính toán và thấy rằng lợi ích có thể sẽ cao hơn rủi ro.
Khi được hỏi các nước BRIC quan tâm đến món nợ công của châu Âu chỉ vì lợi ích kinh tế hay còn do tham vọng chính trị, bà Sylvie Matelly khẳng định trong thời gian đầu, lợi ích trước hết rõ ràng là kinh tế. Châu Âu là một thị trường rộng lớn đối với BRIC và cũng là một đối tác kinh tế chủ chốt của các nước này. Những yếu tố đó thúc đẩy mạnh mẽ các nước BRIC nghĩ đến chuyện hỗ trợ châu Âu để tránh khủng hoảng. Tuy nhiên, rất có thể yếu tố chính trị cũng đóng một vai trò quan trọng. Đầu tiên là vai trò của châu Âu tại các thể chế quốc tế lớn. Rõ ràng là sẽ không có lợi cho nhóm BRIC nếu châu Âu trở thành một đối tác bị suy yếu về kinh tế.
Bà Sylvie Matelly nhận xét, việc nhóm BRIC có ý định hỗ trợ châu Âu giải quyết món nợ công dẫu sao cũng là một dấu hiệu tốt bởi các nước mới nổi ý thức được nguy cơ khủng hoảng và có một chút quyết tâm can thiệp và hỗ trợ nền kinh tế thế giới. Các nước mới nổi trước đó không ý thức được sức nặng và quyền lực mà ngày nay họ có được, cũng không hiểu rằng sự việc nay đã thay đổi. Điều đáng mừng là nhóm BRIC ý thức được rằng thế giới ngày nay phụ thuộc lẫn nhau và nếu nền kinh tế của các nước phương Bắc sớm hay muộn lâm vào khủng hoảng sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Hơn nữa, một số nước không muốn tăng trưởng bị chậm lại và ý thức được rằng về lâu dài không thể chấp nhận việc các nền kinh tế phát triển rơi vào khủng hoảng.
Trần Mạch (P/v TTXVN tại Angiêri)