Cuộc khủng hoảng nợ châu Âu hiện đang gây chấn động tới nền kinh tế toàn cầu và các thị trường thế giới. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng này còn mang ý nghĩa lớn hơn chứ không chỉ nói đến một đồng tiền chung được 17 trong 27 nước thành viên châu Âu sử dụng.
Cảnh sát chống bạo động ngăn chặn những người biểu tình quá khích tại Thessaloniki. AFP-TTXVN |
Tại hội nghị của các bộ trưởng tài chính các quốc gia châu Âu diễn ra ở Wroclaw, Ba Lan ngày 16/9, Bộ trưởng Tài chính Ba Lan Jacek Rostowski nói: “Chúng ta nên nhận thức về nguy cơ của cuộc chiến này bởi nó không chỉ liên quan tới “thể trạng” của thế hệ hiện nay hay kế tiếp, mà còn về việc chúng ta chiến đấu cho sự an toàn của thế hệ hiện nay và thế hệ mai sau. Nếu khu vực đồng euro bị chia rẽ, Liên minh châu Âu (EU) cũng khó thoát khỏi cảnh bị chia rẽ. Khó có thể tưởng tượng rằng châu Âu được an toàn như hiện nay mà lại không có EU”.
Bộ trưởng Rostowski đưa ra tuyên bố trên sau khi hội nghị trên không thuyết phục được các nhà đầu tư trên các thị trường quốc tế tin rằng, Hy Lạp sẽ không bị vỡ nợ và các nền kinh tế lớn như Italia và Tây Ban Nha có thể tránh được sự hỗn loạn tài chính.
Ba Lan vẫn đang dùng đồng zloty và sau nhiều năm nỗ lực để gia nhập EU, Vácsava vừa tuyên bố rằng Ba Lan không muốn liều mạng bỏ đồng zloty để quay sang dùng đồng đồng euro. Tuyên bố này của Ba Lan cho thấy châu Âu đang ở thời điểm gay go, phải lựa chọn: Ngừng mở rộng EU và thậm chí một số nước thành viên đang vật lộn với cuộc khủng hoảng như Hy Lạp, sẽ rút khỏi khu vực đồng euro; hoặc các nước trong khu vực đồng euro phải liên minh chặt chẽ hơn - nghĩa là phải có một cơ quan trung ương ra quy định về thuế, mức chi tiêu, và khi một quốc gia phát hành trái phiếu thì sẽ được toàn bộ các nước thành viên trong khối hậu thuẫn.
Bộ trưởng Tài chính Lúcxămbua, Luc Frieden, nói: “Chúng ta vẫn chưa tiến tới mức một liên minh tiền tệ đầy đủ như vậy. Cuộc khủng hoảng cho thấy các quy định chung hiện nay là chưa đủ và cần được tăng cường thực thi”. Phần lớn các nước, các nhà kinh tế và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đồng ý rằng các quy định mới vẫn chưa đủ đối với 17 nước đồng euro. Lúcxămbua, Italia và Bỉ muốn có trái phiếu chung bằng đồng euro và các món nợ được toàn bộ khu vực đồng euro chứ không phải cá nhân từng nước, bảo đảm. Hà Lan đề nghị một “ông trùm” ngân sách hùng mạnh với trách nhiệm theo dõi những nước chi tiêu “vung tay quá trán” và cuối cùng có thể loại nước này ra khỏi liên minh tiền tệ.
Tổng giám đốc ECB Jean-Claude Trichet muốn một bộ trưởng tài chính duy nhất phụ trách toàn bộ khu vực đồng euro. Trong khi đó, Đức bác bỏ phát hành trái phiếu bằng đồng euro và Pháp thận trọng trong việc đưa ra các lệnh trừng phạt tài chính....
Cũng tại cuộc họp trên, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner, tham dự hội nghị với tư cách khách mời, kêu gọi khu vực sử dụng đồng euro tăng cường Quỹ cứu trợ FESF để giúp đỡ các thành viên gặp khó khăn và để cứu nguy các ngân hàng gặp nạn. Tuy nhiên, tuyên bố và những sáng kiến của Bộ trưởng Tài chính Mỹ đã không được các đồng sự châu Âu hoan nghênh. Bộ trưởng Đức đã bác bỏ ngay tức khắc đề nghị của ông Geithner và nói Béclin không thể tiếp tục bắt người dân đóng thuế để thực hiện mục tiêu này. Béclin đề nghị đánh thuế vào các khoản giao dịch chứng khoán, kể cả trên thị trường Mỹ, để tăng cường khả năng can thiệp của Quỹ FESP. Đây là điều mà đại diện của Oasinhtơn tại cuộc họp Wroclaw không thể chấp nhận được.
Một bằng chứng khác cho thấy căng thẳng giữa Mỹ và EU đang gia tăng là Bộ trưởng Tài chính Lúcxămbua tuyên bố rằng, khối euro không thảo luận về khả năng mở rộng tầm hoạt động hay tăng quỹ của FESF với bất kỳ một quốc gia nào đứng ngoài khu vực đồng euro. Về phần mình, ông Trichet khẳng định: “Nhìn chung, tình hình kinh tế trong khối euro khả quan hơn nhiều so với một số các nước phát triển khác”, bội chi ngân sách của toàn khối chỉ ở vào khoảng 4,5% GDP trong năm nay, trong lúc thâm hụt ngân sách của chính quyền liên bang Mỹ là 8,8%, tăng thêm 1,7 điểm phần trăm so với tài khóa 2010.
Trong khi đó, hai tờ báo Pháp là Libération và Le Figaro đã tỏ vẻ bất bình về thái độ chần chừ của châu Âu, trong bối cảnh nước sôi lửa bỏng đối với khu vực đồng euro do vấn đề nợ công. Libération ghi nhận là Mỹ rất bực mình khi thấy châu Âu đang đùa với lửa. Trong khi khu vực sử dụng đồng euro chưa bao giờ bị đe dọa dữ dội như hiện nay, 17 quốc gia thành viên không những không đưa ra được giải pháp trấn an thị trường, mà còn lại công khai cãi vã với nhau về những biện pháp đã được thông qua.
TTK