NATO sẽ ra sao sau cuộc chiến ở Libi?

Trung tâm Cải cách châu Âu mới đây cho rằng, nhìn chung cuộc chiến ở Libi cho thấy Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang trong thời kỳ khó khăn. Cuộc chiến ở Libi đã làm cho NATO bị chia rẽ, khi mà chỉ có 8/28 thành viên gửi quân tham chiến. Một số nước cạn nguồn lực và Italia đã buộc phải rút tàu sân bay về nước giữa lúc cao trào của cuộc chiến do chính phủ nước này phải cắt giảm ngân sách.

Khói bốc lên sau các đợt không kích của NATO xuống khu vực Tajoura, ngoại ô thủ đô ngày Tripoli, ngày 19/8.THX/TTXVN


Tuy nhiên, có một điểm ít người để ý, đó là trong cuộc chiến này lần đầu tiên châu Âu đã đáp lại lời kêu gọi của Mỹ và ngay lập tức đưa không quân tới Libi, khác hẳn với cuộc chiến ở bán đảo Balkan những năm 90 thế kỷ trước. Kết quả là Mỹ có thể lùi lại phía sau, để cho các đồng minh châu Âu gánh vác phần lớn chi phí và rủi ro trong cuộc chiến. Sự tham gia nhanh chóng của Liên minh châu Âu (EU) đã giúp quân nổi dậy ở Libi giành thắng lợi.

Cuộc chiến ở Libi cũng là một thắng lợi không ngờ đối với chính sách ngoại giao của Mỹ, bởi một trong những chủ trương lớn nhất của Oasinhtơn từ trước đến nay là thuyết phục đồng minh san sẻ gánh nặng quân sự. Mỹ đã làm được điều này ở Libi. Chính sách của Mỹ đối với EU đã đạt được kết quả mong muốn, đó là kích thích tinh thần của các đồng minh chủ chốt. Lực lượng không quân của Pháp và Anh cùng với các nước châu Âu khác đều tham gia các cuộc không kích trong 6 tuần đầu tiên kể từ khi NATO phát động tấn công vào Libi.

Tuy nhiên, vẫn chưa thể khẳng định mọi thứ đều tốt đẹp với NATO. Sự từ chối tham gia của Đức vào chiến dịch tấn công Libi là một dấu hiệu đáng lo ngại. Thiếu vắng quốc gia lớn nhất khu vực, các hoạt động ngoại giao và quân sự của châu Âu ở Libi thiếu đi sức mạnh đáng có. Tài chính cũng là một vấn đề quan ngại. Chi nhánh mới thành lập của NATO ở châu Âu chỉ có thể hoạt động nếu các chính phủ EU tiếp tục đầu tư cho quân sự. Nhưng trong những năm qua các nước EU đều cắt giảm mạnh mẽ ngân sách quốc phòng. Cuộc chiến ở Libi không giúp đảo ngược xu thế này, do cuộc khủng hoảng tài chính đang làm các chính phủ châu Âu mỗi ngày thêm suy kiệt. Với diễn biến như hiện nay, các nước EU sẽ không còn khả năng tham gia thêm một chiến dịch như ở Libi nữa.

Để thay đổi viễn cảnh bi quan cho NATO, có một giải pháp cho các chính phủ châu Âu. Đó là dùng ngân sách đầu tư cho các thiết bị quốc phòng thời Chiến tranh Lạnh để cùng với nhau mua sắm vũ khí mới, tiến hành tập trận chung, duy tu bảo dưỡng khí tài và duy trì hoạt động của các học viện quân sự. Có dấu hiệu cho thấy EU đang đi theo hướng này. Mới đây, Pháp và Anh thỏa thuận chia sẻ chi phí sản xuất và duy tu vũ khí hạt nhân, đồng thời lên kế hoạch mua chung tên lửa và máy bay không người lái trong tương lai. Các biện pháp này không bù đắp hoàn toàn phần ngân sách dành cho quân sự bị cắt bỏ, nhưng có thể kéo dài thời gian cho đến khi điều kiện kinh tế trở nên khá hơn.

Về phần mình, các tướng lĩnh quân sự của Mỹ cần thuyết phục dân chúng trong nước, những người đang có cái nhìn tiêu cực thái quá đối với hình ảnh của NATO. Thành công của Mỹ trong việc thuyết phục EU tham gia chiến dịch ở Libi hầu như không được các chính trị gia của Mỹ nhìn nhận. Việc này khiến hình ảnh của NATO bị hủy hoại ở Mỹ và có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Quan hệ quốc phòng Mỹ - EU chỉ có thể mang lại hiệu quả nếu người Mỹ tiếp tục coi liên minh này có lợi cho an ninh của Mỹ.

Điều đáng khích lệ là thông điệp từ Oasinhtơn đã biến chuyển tích cực trong thời gian qua, sau khi tân Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta ca ngợi chiến dịch của NATO ở Libi như một ví dụ về thành công của hợp tác quốc tế. Thành công của NATO ở Libi, cũng như thiện chí hợp tác trong lĩnh vực quân sự của Anh, Pháp và các nước châu Âu khác cần được coi là những dấu hiệu lạc quan về tương lai của NATO.

Vũ Hội (P/v TTXVN tại Anh)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN