12:15 18/12/2014

13,6 triệu người hưởng lợi trực tiếp từ chương trình của Unilever

Sau 3 năm thực hiện các chương trình phát triển bền vững, vì sự phát triển của cộng đồng, Unilever đã giúp 13,6 triệu người hưởng lợi trực tiếp và 26,7 triệu người hưởng lợi gián tiếp, thông qua các chiến dịch giáo dục thay đổi nhận thức, hành vi và cải thiện điều kiện vệ sinh, sức khỏe.

Ngày 17/12, tại Hà Nội, Công ty Unilever Việt Nam đã công bố báo cáo kết quả ba năm thực hiện Kế hoạch Phát triển bền vững tại Việt Nam. Theo đó, sau 3 năm thực hiện các chương trình phát triển bền vững, vì sự phát triển của cộng đồng, Unilever đã giúp 13,6 triệu người hưởng lợi trực tiếp và 26,7 triệu người hưởng lợi gián tiếp, thông qua các chiến dịch giáo dục thay đổi nhận thức, hành vi và cải thiện điều kiện vệ sinh, sức khỏe.

Cùng với đó, chương trình còn giúp tiết kiệm 348 triệu m3 nước sạch từ việc sử dụng Comfort một lần xả; thu mua 17.000 tấn chè đạt chất lượng; hơn 30.000 hộ gia đình được tiếp cận nguồn vốn tài chính vi mô với tổng số tiền vay lên tới 150 tỷ đồng; góp phần xây dựng 150 xã đạt chuẩn nông thôn mới...

Ông JV.Raman, Chủ tịch Unilever Việt Nam phát biểu tại buổi lễ.


Là trọng tâm và kim chỉ nam của chiến lược phát triển kinh doanh của công ty Unilever Việt Nam, Kế hoạch Phát triển bền vững được thực hiện với sự liên kết chặt chẽ giữa các nhãn hàng của Unilever, coi đó là nhiệm vụ xã hội của từng nhãn hàng, giúp công ty thực hiện các cam kết phát triển bền vững thông qua các hoạt động cải tiến sản phẩm mới (Comfort một lần xả) và phát triển thị trường (Lifebuoy rửa tay với xà phòng, P/S bảo vệ nụ cười Việt Nam, nhà vệ sinh sạch khuẩn của VIM, giáo dục dinh dưỡng cho người dân của Knorr, phát triển thể chất trẻ em của OMO…).

Ngoài ra, mô hình Làng hoàn hảo của Chương trình hợp tác công tư “Xây dựng nông thôn mới” thể hiện một cách toàn diện các Chương trình hợp tác công tư giữa Unilever và các Bộ ngành Việt Nam.

Sau ba năm thực hiện, công ty đã đạt được những thành tựu to lớn ban đầu trên cả 3 lĩnh vực trọng tâm của kế hoạch phát triển bền vững. Những thành công này đã giúp cho công ty không ngừng phát triển kinh doanh cũng như hoàn thành sứ mệnh xã hội của mình.

Phát biểu tại buổi lễ, ông JV.Raman, Chủ tịch Unilever Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi cảm thấy rất hào hứng với hành trình Kế hoạch Phát triển bền vững của mình. Sau ba năm triển khai Kế hoạch 10 năm này, chúng tôi đã có những bước tiến vững chắc và đạt được kết quả đáng kể trên cả ba mục tiêu lớn. Chúng tôi đã nhận được sự hợp tác, hỗ trợ của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức phi chính phủ, cũng như của các đối tác và khách hàng của mình. Chúng tôi rất hân hạnh và vui mừng khi trở thành doanh nghiệp tiên phong tại Việt nam trong việc thực hiện các chương trình hợp tác công tư, cũng như các chương trình hợp tác chiến lược dài hạn với các cơ quan chính phủ và các NGOs tại Việt Nam".

Lễ trao tài trợ thường niên của Quỹ Unilever Việt Nam.


Tại buổi lễ báo cáo kết quả 3 năm thực hiện Kế hoạch Phát triển bền vững tại Việt Nam, Công ty Unilever Việt Nam đã đón nhận bằng khen của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vì những đóng góp cho sự nghiệp phát triển nông thôn tại Việt Nam.

Có mặt tại Việt Nam từ năm 1995, Unilever Việt Nam đã gặt hái được những thành quả đáng ghi nhận trong hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như những đóng góp to lớn trong công tác xã hội. Thông qua hoạt động kinh doanh của mình, Unilever Việt Nam đã tạo ra công ăn việc làm cho hơn 1.600 người và gián tiếp tạo việc làm cho hơn 10.000 người.

Năm 2010, tập đoàn Unilever công bố Kế hoạch Phát triển bền vững của Unilever, coi đây là trọng tâm và là kim chỉ nam của Chiến lược kinh doanh mới của tập đoàn, nhằm mục tiêu: tăng trưởng gấp đôi, đồng thời giảm thiểu tác động tới môi trường và gia tăng những giá trị xã hội tích cực trong 10 năm. Triển khai Kế hoạch Phát triển bền vững của Unilever tại Việt Nam, vào tháng 9/2011, Unilever Việt Nam đã chính thức công bố các mục tiêu bền vững của mình trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2020 nhằm thực hiện cam kết góp phần nâng cao cuộc sống của người dân Việt Nam.

Hoàng Dương