Dù muốn phát triển, nâng tầm chất lượng nhưng các trường phổ thông (từ tiểu học đến trung học phổ thông) ngoài công lập của Hà Nội lại đang đứng trước nhiều khó khăn, bất cập. Trong những năm gần đây, thành phố Hà Nội đang từng bước quan tâm đến hệ thống giáo dục này nhằm đảm bảo công bằng trong giáo dục, tạo môi trường giáo dục tốt cho học sinh Thủ đô.
Thu hút học sinh bằng uy tín và chất lượng
Vào mùa tuyển sinh hàng năm, không khí ở những trường ngoài công lập của Hà Nội như: Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Siêu, Marie Curie, Lômônôxốp, Lương Thế Vinh, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đào Duy Từ… đặc biệt “nóng”.
Một tiết ôn tập môn Toán của cô và trò Trường THPT dân lập Đào Duy Từ (Hà Nội). Ảnh: Quý Trung - TTXVN |
Tại trường THPT Lương Thế Vinh, phụ huynh học sinh phải xếp hàng ở cổng trường từ lúc nửa đêm với hy vọng mua được hồ sơ xét tuyển vào trường cho con. Còn đối với cấp tiểu học cũng không kém phần, khi cha mẹ học sinh không ngại chi, không ngại xa tìm trường cho con vào nhập học.
Thực tế cho thấy nếu không có hệ thống các trường ngoài công lập thì mỗi năm có đến 1/4 số học sinh lớp 9 không đỗ được vào lớp 10 trường công sẽ thất học (các trường công lập của Hà Nội chỉ có thể tiếp nhận 3/4 số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở).
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với các trường ngoài công lập là xu thế phát triển không ổn định, có biểu hiện chững lại và có sự phân hóa sâu sắc. Trong khi một số trường đã khẳng định được uy tín, chất lượng và đang tìm cách đầu tư chiều sâu để đạt mục tiêu trình độ chất lượng cao, thì những trường khác lại gặp nhiều khó khăn, thậm chí một vài trường ở khu vực nông thôn có nguy cơ tan rã, không có học sinh để tuyển.
Theo số liệu thống kê, trong ba năm học gần đây, số trường ngoài công lập đã tăng từ 76 trường lên 92 trường. Tuy nhiên, số lượng học sinh ngoài công lập chỉ tăng ở cấp tiểu học (từ 9.900 học sinh lên gần 13.000 học sinh), ở cấp trung học cơ sở (từ 7.800 học sinh lên 9.500 học sinh) còn ở cấp trung học phổ thông lại có sự giảm sút đáng kể: Năm học 2009 - 2010 số học sinh là 52.495 nhưng đến năm học 2011 - 2012 số học sinh chỉ còn 37.850 học sinh. Như vậy, số học sinh trung học phổ thông ở các trường ngoài công lập năm 2012 so với năm 2010 đã giảm 14.648 học sinh, tương đương gần 28%. Mục tiêu đạt 40% học sinh trung học phổ thông theo học tại các trường ngoài công lập vào năm 2015 như nghị quyết của HĐND thành phố Hà Nội đưa ra là rất khó khăn. Nếu theo quy luật khắc nghiệt của kinh tế thị trường thì một số trường trung học phổ thông ngoài công lập sẽ phải đóng cửa hoặc chuyển đổi mô hình.
Đầu tư cho trường ngoài công lập cũng là đảm bảo công bằng trong giáo dục
Những ưu điểm, lợi thế của hệ thống giáo dục ngoài công lập của Hà Nội là không thể phủ nhận, góp phần tạo thêm sức sống mới của giáo dục Thủ đô. Đó là giải quyết chỗ học cho hàng chục ngàn học sinh, đa dạng hóa các loại hình đào tạo, giảm chi phí của ngân sách nhà nước cho giáo dục: Nhà nước không phải xây trường, không phải lo kinh phí cho bộ máy hoạt động của trường… Sự ra đời của các trường ngoài công lập còn góp phần phổ cập giáo dục phổ thông trung học, nâng cao dân trí, giảm bớt các tệ nạn xã hội và cung cấp nguồn nhân lực cho xã hội.
Để khắc phục những thách thức và giải quyết khó khăn cho các trường ngoài công lập, UBND thành phố Hà Nội cũng như Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cần có những cơ chế, chính sách đầu tư cho hệ thống trường ngoài công lập nhằm đảm bảo công bằng cho người học nói riêng và hệ thống giáo dục nói chung hay nói cách khác là đầu tư cho hệ thống trường ngoài công lập cũng là đảm bảo công bằng trong giáo dục. Theo đó, UBND thành phố Hà Nội cũng như Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cần nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách giao đất hoặc xây dựng trường cho các trường ngoài công lập được thuê với giá ưu đãi; quan tâm đến trường ngoài công lập trong những quyết định và chủ trương về tuyển sinh; đổi mới quản lý các trường ngoài công lập theo quy luật phát triển kinh tế thị trường; đồng thời hỗ trợ học sinh khó khăn ở các trường này nhằm đảm bảo mục tiêu công bằng trong giáo dục.
Phương Anh