Mặc dù Sở Giáo dục và Đào tạo (GD – ĐT) Hà Nội đã có nhiều biện pháp can thiệp nhưng tâm lý đua nhau cho con vào trường “điểm”, “lớp chọn” của phụ huynh vẫn khiến một số trường tiểu học tại Hà Nội lâm vào tình trạng thiếu học sinh.
Nơi thừa, nơi thiếu
Tại diễn đàn của các bậc cha mẹ trên trang web webtretho.com, một số phụ huynh không ngần ngại nêu quan điểm nên tìm cách cho con học ở những trường tiểu học “điểm”. Theo những phụ huynh này, trường “điểm” là trường có nhiều học sinh giỏi, chăm sóc các em tốt. Vì vậy, dù trường có chật một chút, cha mẹ có phải vất vả một chút nhưng lại yên tâm về chất lượng dạy và dỗ các cháu.
Thầy Đỗ Quang Hợp, Hiệu trưởng trường Tiểu học Cát Linh cho biết, phường Văn Miếu có hai trường tiểu học công lập: Tiểu học Lý Thường Kiệt và Tiểu học Cát Linh. Nhiều năm nay, phụ huynh vẫn “chuộng” gửi con vào trường Cát Linh. “Tôi có nói rằng cách trường không xa là trường Tiểu học Lý Thường Kiệt, một trường cũng đạt danh hiệu tiên tiến của ngành, phụ huynh nên nộp đơn cho con vào học nhưng nhiều bậc phụ huynh vẫn không nghe. Việc học trái tuyến sẽ làm ảnh hưởng đến những em học đúng tuyến và cả các em trái tuyến, bởi lớp đạt sĩ số theo chuẩn của ngành (35 học sinh/lớp) thì giáo viên mới quan tâm sát sao tới học sinh được nhiều hơn là lớp có sĩ số luôn đông”.
Do tâm lý đua nhau cho con vào trường “điểm”, “lớp chọn” của phụ huynh, khiến một số trường tiểu học tại Hà Nội lâm vào tình trạng trường thừa, trường thiếu học sinh. Ảnh: Lê Phú |
Một lãnh đạo trường Tiểu học Việt Nam – Cuba nhận xét, chính tâm lý của phụ huynh học sinh gây nên “nguy cơ” khó tuyển sinh cho một số trường. Việc cho con học trái tuyến không những gây mệt mỏi cho phụ huynh mà còn gây khó khăn cho những người làm giáo dục, bởi nó dẫn đến nhiều hệ lụy về việc phân bổ kinh phí, quy hoạch trường lớp. Trường thì chật chội không đủ lớp học, phải sử dụng phòng sinh hoạt chung làm lớp thì “chật ních” học sinh. Trường gần ngay đó, đường thông, hè thoáng, khuôn viên rộng, đạt chuẩn của ngành lại thưa vắng.
Ông Nguyễn Duy Long, Trưởng phòng GD – ĐT quận Đống Đa cho biết, tình trạng nơi thừa, nơi thiếu học sinh là thực tế. Năm vừa rồi, trường Tiểu học Phương Liên thiếu học sinh tới mức, trong đợt tuyển sinh đầu cấp đã phải đề nghị Phòng GD – ĐT quận can thiệp, yêu cầu các trường khác không nhận học sinh có hộ khẩu thường trú tại phường Phương Liên. Tuy nhiên, sau mùa tuyển sinh này, tình hình tuyển sinh của trường vẫn chưa được cải thiện là mấy. Trong khi cách đó không xa trường Tiểu học Phương Liên là trường Tiểu học Kim Liên thì luôn “chật” đơn xin học mỗi mùa tuyển sinh về.
Các trường tiểu học đảm bảo chất lượng giáo viên
Một lãnh đạo của Sở GD – ĐT Hà Nội cho biết, hiện nay ở Hà Nội các giáo viên tiểu học đều đảm bảo về chất lượng giảng dạy. Trong một trường, mỗi khối có sự phân loại trình độ giáo viên khác nhau: Có người dạy tốt, có người dạy khá. Vị lãnh đạo này cho rằng các phụ huynh học sinh nên chọn trường gần nhà nhất để gửi con vào lớp 1 hơn là hàng giờ mỗi sáng, các em phải theo bố mẹ vượt qua những đoạn đường tắc để đến được trường học, tới buổi chiều, các cháu lại tiếp hành trình giao thông ùn, tắc để về nhà. Điều này là không nên đối với trẻ nhỏ.
Trao đổi về giải pháp để rút ngắn khoảng cách chất lượng giữa các trường, ông Nguyễn Hiệp Thống, Chánh Văn phòng Sở GD – ĐT Hà Nội cho hay, Hà Nội đã triển khai những giải pháp đồng bộ nhằm tạo môi trường giáo dục công bằng, rút ngắn khoảng cách chất lượng giữa các trường như xây dựng đội ngũ giảng viên, xây dựng cơ sở vật chất…
Thời gian qua, ngành đã mạnh dạn luân chuyển cán bộ, đề bạt và điều động các giáo viên trẻ có năng lực, có phẩm chất về công tác tại các trường khó khăn để xây dựng phong trào, nâng cao chất lượng dạy và học. Những trường có khó khăn đã cải thiện nhiều, rất nhiều giáo viên và học sinh đoạt giải cấp thành phố trong các kỳ thi giáo viên giỏi, học sinh giỏi của ngành tổ chức. Ý thức của học sinh và sự quan tâm của giáo viên tới mỗi học sinh mới là yếu tố quyết định tới chất lượng công tác dạy và học ở nhà trường.
Trong kế hoạch triển khai công tác đổi mới tuyển sinh năm nay, Hà Nội đã có những biện pháp như UBND các quận, huyện, thị xã, các phòng GD – ĐT được phân cấp triệt để về xây dựng kế hoạch, lên phương án tuyển sinh sao cho phù hợp với điều kiện đội ngũ giáo viên, khả năng cơ sở vật chất của mỗi trường trên từng địa bàn. Mỗi trường phối hợp với UBND phường, xã, thị trấn để rà soát chính xác số học sinh trong độ tuổi cư trú trên địa bàn phục vụ công tác tổ chức tuyển sinh. Đây là căn cứ để sắp xếp chỉ tiêu phù hợp với từng trường, từng địa bàn.
Hồng Lê