Trận huyết chiến ở eo biển Đan Mạch

Ngày 18/5/1941, Đại Đô đốc Erich Raeder của phát xít Đức yêu cầu tăng cường thêm tàu mặt nước để tấn công tàu thuyền của Anh ở Đại Tây Dương. Tàu chiến Bismarck và tàu tuần dương hạng nặng Prinz Eugen được điều từ biển Baltic đến thực hiện nhiệm vụ. Kế hoạch này mang tên “Chiến dịch Rheinubung” do Đô đốc Gunther Lutjens chỉ huy. Lutjens chọn đường đi qua eo biển Đan Mạch, một vùng nước nằm giữa Aixơlen và Greenland, để ra Đại Tây Dương. Tuy nhiên, trên hải trình đến Đại Tây Dương, hai con tàu này đã chạm trán với các tàu chiến của Anh. Một cuộc chiến nảy lửa đã diễn ra tại eo biển Đan Mạch. Cả hai bên đã phải gánh chịu thiệt hại vô cùng lớn.

Bismarck nổ súng tấn công các tàu của Anha.


Hành tung hai con tàu của phát xít Đức đã bị một tàu tuần dương và một máy bay Spitfire thuộc lực lượng Không quân Hoàng gia Anh phát hiện. Lực lượng hải quân Anh do Đô đốc Lancelot Holland chỉ huy với nòng cốt là tàu tuần dương HMS Hood và tàu chiến Prince of Wales lúc đó đang có mặt trong khu vực eo biển này, ngay lập tức được lệnh nghênh chiến. Đô đốc John Tovey cũng được lệnh lên con tàu chiến King George V nhằm khu vực đó thẳng tiến cùng tàu sân bây Victorious.

Đến tối 23/5/1941, các tàu của Đức cũng sớm phát hiện ra các tàu Anh. Ngay lập tức, tàu Bismarck hướng nòng pháo vào tàu Norfolk của Anh nhả đạn nhưng không trúng mục tiêu. Sáng sớm 24/5/1941, đội tàu do Holland chỉ huy chạm trán với các tàu Đức ở eo biển Đan Mạch. Lúc 5 giờ 52, tàu Hood nổ súng ở khoảng cách 24 km, sau đó đến lượt tàu Prince of Wales. Tuy nổ súng sau nhưng tàu Prince of Wales lại gây ra những thiệt hại nặng nề đối với tàu Bismarck. Loạt đạn đầu tiên bắn trúng khoang chỉ huy và bệ phóng thủy phi cơ, loạt đạn thứ hai xuyên qua mũi tàu và loạt đoạt thứ ba trúng vào thân tàu ở dưới mặt nước.

Bismarck rút lui sau khi đánh chìm tàu HMS Hood.


5 giờ 55, các tàu của Đức bắt đầu nổ súng bắn trả tàu Hood. Một quả đạn pháo rơi trúng vào khoang để đạn trên con tàu nhưng chỉ gây ra thiệt hại không đáng kể. 6 giờ, trong lúc các tàu của Anh quay đầu trở về cảng, tàu Bismarck đã bắn ít nhất một quả đạn pháo trúng vào tàu Hood ở khoảng cách hơn 16 km. Một cột lửa bùng lên thiêu rụi khu vực cột buồm chính, tiếp theo là một tiếng nổ lớn phá hủy phần lớn con tàu từ vị trí giữa tàu đến phía sau của bệ pháo chữ Y. Con tàu sau đó vỡ ra làm hai. Phần đuôi nhanh chóng chìm xuống đáy biển, trong khi phần đầu cũng chỉ nổi được khoảng 3 phút rồi cũng bị chìm xuống làn nước biển trong xanh mang theo 1.415 người, trong đó có cả Đô đốc Holland. Chỉ có 3 người may mắn được tàu khu trục Electra tìm thấy.

Các thủy thủ tàu Bismarck được vớt lên tàu HMS Dorsetshire.


Nhận thấy con tàu đang tiến về phía những mảnh vỡ của tàu Hood, thuyền trưởng John C. Leach của tàu Prince of Wales ra lệnh đánh bánh lái khẩn cấp để tránh một vụ va chạm. Cú chuyển hướng đột ngột này khiến Prince of Wales rơi vào tình thế dễ bị tấn công nhất. Ngay lập tức, nó lĩnh trọn bốn loạt đạn từ tàu Bismarck và ba loạt đạn từ tàu Prinz Eugen. Một trong số những loạt đạn đó bắn trúng đài chỉ huy, khiến vài thủy thủ ở buồng điều khiển thiệt mạng. Không lâu sau, Prince of Wales lại hứng trọn một quả đạn 203 mm bắn từ tàu Prinz Eugen và một quả đạn 380 mm của tàu Bismarck. Cả hai quả đạn đều xuyên qua lớp vỏ thép bên ngoài của tàu. Nhưng may mắn cho tàu Prince of Wales là không một quả đạn pháo nào phát nổ. Tuy nhiên, do bị tấn công dữ dội nên Prince of Wales buộc phải tháo chạy vào lúc 6 giờ.

Trong khoảng thời gian từ 6 giờ 19 đến 6 giờ 25, tàu Suffolk của Anh bắn sáu loạt đạn về hướng tàu Bismarck. Những loạt đạn này đi không trúng đích do tầm bắn bị tính toán sai. Sau khi đã tập hợp được lực lượng, các tàu Anh tiếp tục truy đuổi các tàu của phát xít Đức nhưng cuối cùng những tàu này đều chạy thoát.

Lúc này, việc truy lùng tàu Bismarck để trả thù cho tàu Hood đã trở thành một nỗi ám ảnh đối với người Anh. Bộ Hải quân Anh cử những tàu chiến hùng hậu nhất mà họ có để săn lùng Bismarck. Vào đêm 24/5/1941, các máy bay của Anh phát hiện ra tàu Bismarck khi con tàu này đang lênh đênh trên đại dương. Lệnh tấn công ngay lập tức được phát ra. Tuy vậy, đợt không kích dữ dội vẫn không thể đánh đắm được con tàu, mà chỉ khiến nó chạy chậm lại. Nhờ sự di chuyển khôn ngoan, một lần nữa, Bismarck trốn được sự truy đuổi của các tàu chiến Anh. Hai ngày sau, ngày 26/5/1941, một thủy phi cơ Catalina phát hiện ra Bismarck ở vị trí cách Brest 1.260 km về phía tây. Một phi đội máy bay phóng ngư lôi Swordfish do Đại úy Goode chỉ huy cất cánh từ tàu sân bay Ark Royal nhằm hướng tàu Bismarck. Đợt tấn công này khiến con tàu bị hỏng bộ phận điều khiển do trúng phải một trong hai quả ngư lôi.

Sáng 27/5/1941, tàu King George V phối hợp với tàu chiến Rodney, các tàu tuần dương Dorsetchire và Norfolk tấn công Bismarck từ hướng tây. Bismarck nổ súng đáp trả nhưng với “cơ thể” đầy thương tích, vận tốc di chuyển lại chỉ còn 7 hải lý/giờ, con tàu đã trở thành miếng mồi ngon cho các tàu của Anh. Một loạt đạn đã phá hủy đài điều khiển của tàu Bismarck, khiến gần như toàn bộ sĩ quan có mặt ở đó thiệt mạng. Trong vòng 30 phút sau, nước biển bắt đầu tràn vào tàu, các khẩu pháo lần lượt im hơi lặng tiếng.

Tàu Bismarck lật nhào lúc 10 giờ 39. Các tàu Dorsetshire và Maori của Anh cứu được 110 thủy thủ Đức làm tù binh chiến tranh và buộc phải bỏ lại những thủy thủ khác do nhận được tín hiệu tàu ngầm Đức đang xuất hiện. Sáng hôm sau, tàu ngầm U-74 và tàu nghiên cứu thời tiết Sachsenwald của Đức vớt được thêm 5 người còn sống sót. Tổng số thương vong sau vụ chìm tàu Bismarck lên đến gần 2.100 người.

Đình Vũ
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN