Kỳ 2: Cuộc điều tra bế tắc
Mặc dù cơ quan điều tra trọng án thành phố New York đã áp dụng mọi biện pháp điều tra truyền thống để tìm ra F.P.- kẻ âm mưu đánh bom thành phố New York trong 16 năm qua, song kết quả thu được vẫn chỉ là con số 0. Họ đã phải cầu viện một nhà tâm lý tội phạm với hi vọng mong manh có thể khắc họa chân dung thủ phạm.
Hàng năm trời, cảnh sát chỉ phát hiện được vài manh mối, và bất kỳ ai, từ giới chức thành phố đến giới truyền thông sở tại lẫn dân thường, đều tự hỏi vì đâu lực lượng cảnh sát hiện đại nhất thế giới lại vô dụng đến vậy.
Các thám tử gần như thúc thủ và sẵn sàng thử mọi biện pháp để bắt được thủ phạm. Rốt cuộc, những quả bom của F.P. ngày càng có sức công phá mạnh hơn sau mỗi vụ nổ và những bức thư liên tục được gửi đến cảnh sát và truyền thông địa phương càng lúc càng ngạo mạn hơn. Theo yêu cầu của cảnh sát, báo chí đã không đăng tải thư của kẻ đánh bom, song vẫn tiếp tục theo dõi sát sao vụ việc.
Và giới truyền thông có kết luận rằng: Thành phố New York đã bị tê liệt. Phát triển mạnh mẽ nhờ sự bùng nổ kinh tế thời hậu chiến, song cảng biển lớn nhất ở một siêu cường mạnh nhất thế giới lại bị "Kẻ đánh bom điên rồ" bắt làm con tin trong sợ hãi.
Thử nghiệm phương pháp điều tra mới
Cuộc điều tra bế tắc. Thanh tra Howard Finney ở cơ quan điều tra trọng án thành phố New York quyết định phải thử phương pháp điều tra mới. Ý tưởng nhờ cậy một nhà tâm lí học dựng chân dung kẻ đánh bom đã nảy ra. Ý tưởng này không phải hoàn toàn mới mẻ, song nó chỉ mang tính thử nghiệm và chưa từng được áp dụng hiệu quả để phá một vụ trọng án nào. Cuối cùng, nhà nghiên cứu tâm lí tội phạm ở Manhattan, Tiến sĩ James Brussel đã lọt vào “mắt xanh” của thanh tra Finney.
Tiến sĩ James Brussel, con người thông minh, sắc sảo và nghiện hút thuốc bằng tẩu, không quan tâm nhiều lắm đến F.P. Giống như đa phần người dân New York khác, ông có đọc về hắn trên báo và tự hỏi hắn là loại người gì mà lại có thể hành động như vậy. Và với tư cách một chuyên gia phân tích tâm lí tội phạm, ông cũng có một chút nhận định riêng về kẻ đánh bom bí ẩn. Hắn là ai? Động cơ nào thúc đẩy hắn hành động?
Do không được tiếp cận hồ sơ vụ án cũng như không có lí do gì phải đưa ra một kết luận cụ thể, những suy nghĩ như thế của Brussel về vụ việc chỉ như gió thoảng qua. Tuy nhiên, mọi sự đã thay đổi khi Thanh tra Finney ghé thăm văn phòng của ông. Công việc chính là điều hành một văn phòng tư nhân, song Brussel cũng là Trợ lí Ủy viên về sức khỏe tinh thần của bang New York - một vị trí phải tham vấn rất nhiều với cảnh sát và thường xuyên xuất hiện trong các cuộc họp báo của lực lượng này.
Trong cuốn hồi ký của mình, “The Casebook of a Criminal Psychiatrist”, Brussel thừa nhận, ông nghi ngờ khả năng có thể giúp ích trong vụ việc này. Dù luôn tin vào khả năng chuyên môn của mình, song trong vụ này Brussel cho rằng khó có thể bổ sung thêm điều gì vào những phát hiện của các thám tử.
Chân dung kẻ đánh bom
Sự nghi ngờ của Tiến sĩ Brussel đã sai. Nếu ai đó có thể phác họa chân dung chính xác của một tên phạm tội, thì người đó là ông. Bởi trước khi chuyển sang làm việc trong lĩnh vực tư nhân, Brussel từng phục vụ quân ngũ trên cương vị trưởng khoa nghiên cứu tâm thần và rối loạn tâm lí tại Fort Dix trong Thế Chiến II và sau đó trở thành người đứng đầu lĩnh vực này của quân đội Mỹ trong Chiến tranh Triều Tiên.
Cuốn sách “The Casebook of a Criminal Psychiatrist của James Brussel. |
Liếc qua ánh mắt của các thám tử, Brussel biết những người này không đặt niềm tin vào ông. Dưới áp lực mạnh mẽ đó, Brussel đã đọc rất kĩ hồ sơ vụ việc và phác thảo chân dung của hung thủ. Kết luận lớn nhất của ông: F.P gần như chắc chắn bị điên.
Những thứ cảnh sát chỉ coi là những bằng chứng không mấy quan trọng lại là “suối nguồn” với Tiến sĩ Brussel. Sau khi nghiên cứu hồ sơ của F.P, ông đưa ra các kết luận sau: Kẻ đánh bom là đàn ông, có mối thù với Con Edison và có khả năng từng là nhân viên công ty này. Hắn tin mình bị công ty làm thương tổn vĩnh viễn và đang tìm cách trả thù. Kết luận này đã được làm rõ từ các bức thư. Kẻ đánh bom ở độ tuổi trung niên, khoảng 50 tuổi. Bệnh hoang tưởng thường bộc phát đầy đủ ở tuổi 35 và F.P. đã hoạt động từ 16 năm qua.
Theo ông, kẻ đánh bom gọn gàng, tỉ mỉ và khéo léo trong công việc của mình. Kẻ đánh bom ít nhất được giáo dục ở mức phổ thông trung học. Ngôn ngữ cứng nhắc trong các bức thư và cấu tạo khéo léo của các quả bom cho thấy hắn đã tự học. Kẻ đánh bom sống ở Connecticut, chứ không phải New York. Một vài bức thư được gửi từ Hạt Westchester (một địa danh nằm giữa Connecticut và New York) và Connecticut.
Kẻ đánh bom mắc chứng Phức cảm Oedipal. Giống như hầu hết những bệnh nhân khác, nhiều khả năng hắn chưa từng kết hôn và sống chung với một hoặc nhiều thân nhân là nữ giới, cũng sống một mình, song không phải mẹ hắn. Hắn có thể đã mất mẹ từ nhỏ. Những kết luận trên được Tiến sĩ Brussel đưa ra dựa trên cấu trúc hình trụ (tượng trưng cho dương cụ) của quả bom, và sự kỳ lạ (hình bầu vú) của chữ W trong những từ viết tay cũng như cách rạch và cài bom kì cục ở ghế ngồi của các rạp chiếu phim.
Về phía Finney và các thám tử của ông, đây là những kết luận không rõ ràng và đáng ngờ, song Tiến sĩ Brussel lại tỏ ra rất tự tin.
Việt Hải - Lan Phương (Theo LC)
>> Đón đọc kỳ 3: Những manh mối sai