Làn sóng biểu tình dâng cao tại nhiều nước

Ngày 23/1 (giờ Việt Nam), tình hình Tuynidi vẫn tiếp tục căng thẳng khi hàng nghìn người dân và cả cảnh sát tiếp tục biểu tình phản đối chính phủ lâm thời. Những người biểu tình đòi loại bỏ tất cả các quan chức chính phủ lâm thời có quan hệ với Tổng thống bị phế truất Zinee El Abidine Ben Ali.

Trước sức ép từ làn sóng biểu tình của người dân, chính phủ lâm thời Tuynidi đã thông báo kế hoạch thả tù nhân chính trị, dỡ bỏ kiểm duyệt báo chí và hợp pháp hoá mọi đảng phái. Tuy nhiên, ông Mohamed Ghannouchi vẫn ở vị trí thủ tướng và một số nhân vật trong chính quyền cũ vẫn nắm giữ những vị trí chủ chốt trong chính phủ lâm thời. Thủ tướng Mohammed Ghannouchi đã cam kết sẽ rời khỏi chính trường sau khi các cuộc bầu cử diễn ra trong vòng 6 tháng tới.

Hàng nghìn người tham gia cuộc biểu tình ở thủ đô Tuynít (Tuynidi) ngày 23/1. Ảnh: AFP - TTXVN


Tham gia biểu tình, lực lượng cảnh sát, ước tính khoảng 2.000 người, còn đưa ra yêu cầu tăng lương và thành lập tổ chức công đoàn. Theo đánh giá của hãng tin AP (Mỹ), đây là một diễn biến quan trọng trên chính trường Tuynidi, bởi cảnh sát từng là một công cụ đắc lực của chính quyền Ben Ali.

Tại một quốc gia Bắc Phi khác là Angiêri, xung đột đã xảy ra giữa cảnh sát và những người tham gia biểu tình tại thủ đô Angiê ngày 23/1 (giờ VN).

Theo các nguồn tin nước ngoài, bạo lực đã xảy ra khi cảnh sát chống bạo động phong tỏa, dùng dùi cui và hơi cay để ngăn chặn khoảng 300 người biểu tình từ khu vực gần trụ sở của đảng đối lập Liên minh Văn hóa và Dân chủ (RCD) tiến tới tòa nhà Quốc hội tại khu vực trung tâm thủ đô Angiê.


Theo RCD, ít nhất 5 người biểu tình bị thương, 6 người biểu tình khác bị bắt giữ, trong đó có người đứng đầu nhóm nghị sỹ của RCD tại Quốc hội. Nguồn tin từ cơ quan cảnh sát cho biết, 7 cảnh sát đã bị thương, trong đó có 2 người trong tình trạng nghiêm trọng.

RCD đã kêu gọi người dân biểu tình nhằm phản đối tình trạng giá lương thực tăng cao thời gian gần đây. Chính quyền Angiêri trước đó đã ra lệnh cấm các cuộc tuần hành, biểu tình tại khu vực thủ đô, đồng thời kêu gọi người dân không ủng hộ lời kêu gọi của RCD.

Hồi đầu tháng này, các cuộc xung đột giữa những người biểu tình với cảnh sát chống bạo động tại nhiều địa phương trên cả nước khiến 5 người thiệt mạng và hơn 800 người bị thương. Chính phủ Angiêri sau đó đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm làm giảm nguy cơ xảy ra các cuộc biểu tình mới, bao gồm giảm giá lương thực và các nhu yếu phẩm.

Xung đột giữa những người biểu tình và cảnh sát ở Angiêri. Ảnh: THX - TTXVN


Tại Yêmen, làn sóng biểu tình vẫn tiếp diễn ra tại các thành phố lớn nhằm phản đối việc sửa đổi hiến pháp cho phép Tổng thống Ali Abdullah Saleh nắm quyền suốt đời cũng như phản đối tình trạng giá hàng hóa và nhiên liệu tăng cao trong thời gian qua. Người biểu tình đã tập trung trong khuôn viên và bên ngoài trường Đại học Sanaa ở thủ đô Xana, hô vang các khẩu hiệu kêu gọi lật đổ Tổng thống Saleh và so sánh ông này với cựu Tổng thống Ben Ali của Tuynidi.

Biểu tình kêu gọi tổng thống Saleh từ chức cũng diễn ra tại thành phố Aden (miền nam Yêmen). Đã xảy ra đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát làm 4 người bị thương. 22 người biểu tình cũng đã bị cảnh sát bắt giữ.

Ngày 23/1, tại Thái Lan, khoảng 27.000 người đã tham gia một cuộc biểu tình hòa bình do phe "áo đỏ" chống chính phủ phát động ở thủ đô Băngcốc.

Hãng tin AFP (Pháp) và Reuters (Anh) cho biết, đoàn người biểu tình bắt đầu tụ tập tại khu mua sắm Ratchaprasong ở trung tâm Băngcốc, sau đó tuần hành về hướng tượng đài Dân chủ ở đại lộ Ratchadamnoen. Chín đại đội cảnh sát đã được điều động để bảo vệ an ninh trên các tuyến đường đoàn biểu tình đi qua.

Một nhân vật cốt cán của phe "áo đỏ", ông Jatuporn Promphan, tuyên bố biểu tình sẽ được tổ chức mỗi tháng hai lần nhằm gây sức ép, buộc chính quyền của Thủ tướng Abhisit Vejjajiva trả tự do cho các thủ lĩnh của Mặt trận thống nhất dân chủ chống độc tài (UDD) đang bị giam giữ với các tội danh khủng bố sau những vụ biểu tình chống chính phủ năm 2010 làm hơn 90 người thiệt mạng.

Ông Jatuporn còn khẳng định sẽ có một số thay đổi trong cách thức biểu tình của phe "áo đỏ" nhằm không gây ảnh hưởng tới những người sinh sống và làm việc xung quanh khu vực biểu tình.


Đây là cam kết của UDD với các doanh nghiệp ở quanh giao lộ Ratchaprasong. Trong bức thư gửi Thủ tướng Abhisit Vejjajiva hồi đầu tháng qua, Hiệp hội Thương mại Ratchaprasong cho biết các cuộc biểu tình do phe "áo đỏ" tổ chức hồi năm ngoái đã gây thiệt hại khoảng 11 tỷ bạt (tương đương 362 triệu USD) cho gần 2.100 doanh nghiệp kinh doanh tại Ratchaprasong.

Minh Dương (tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN