Thượng viện Mỹ điều trần về Công ước Luật biển 1982

Ngày 23/5, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã tổ chức buổi điều trần về Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) với sự tham gia của Ngoại trưởng Hillary Clinton, Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta và Chủ tich Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Martin Dempsey.

 

Tướng Martin E. Dempsey (trái); Ngoại Trưởng Hillary Clinton (giữa) và Bộ Trưởng Quốc Phòng Leon Panetta (phải) tại buổi điều trần về UNCLOS ngày 23/5. Ảnh: Internet

 

Mặc dù Mỹ đã tích cực tham gia vào quá trình đàm phán, soạn thảo UNCLOS, nhưng cho đến nay Thượng viện Mỹ vẫn chưa phê chuẩn để Mỹ trở thành thành viên chính thức của công ước này. Từ năm 1994 đến nay, chính quyền Mỹ qua các đời Tổng thống Bill Clinton và George W. Bush đã nhiều lần đề nghị Thượng viện phê chuẩn, nhưng đều thất bại do sự chống đối của một số thượng nghị sĩ bảo thủ của đảng Cộng hòa.

 

Phát biểu tại cuộc điều trần kéo dài 3 giờ, ba quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ đã trình bày những lợi ích về kinh tế và an ninh của việc phê chuẩn UNCLOS, cũng như những thiệt hại mà việc chậm phê chuẩn gây ra cho nước Mỹ.

 

Ngoại trưởng Clinton nêu rõ Mỹ "cần chấm dứt việc đứng ngoài lề và bắt đầu tận dụng những lợi ích to lớn mà công ước mang lại cho Mỹ và cộng đồng doanh nghiệp". Bà cho rằng trước đây, các công ty dầu khí của Mỹ chưa có đủ công nghệ để tận dụng những quy định của công ước về thềm lục địa, nhưng nay các công ty đó đã có khả năng và sẵn sàng khai thác các vùng này. Bà cũng cho rằng nếu tham gia công ước, Mỹ sẽ "được quốc tế công nhận về quyền chủ quyền, trong đó có việc sử dụng các thủ tục nêu trong công ước, cho phép các công ty dầu lửa cơ sở pháp lý để thực hiện việc khai thác".

 

Ngoại trưởng Clinton đã bác bỏ lập luận của những người chống UNCLOS, cho rằng sự chống đối này dựa trên "hệ tư tưởng và sự hoang đường". Bà khẳng định công ước được sự ủng hộ của tất cả các tổng thống của cả hai đảng, trong đó có tổng thống của đảng Cộng hòa G.Bush, các doanh nghiệp Mỹ, ngành công nghiệp năng lượng và vận tải biển, cũng như các tổ chức về môi trường.

 

Bộ trưởng Quốc phòng Panetta là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ việc phê chuẩn UNCLOS. Ông cho rằng, là một trong những quốc gia có đường bờ biển dài nhất thế giới và có thềm lục địa mở rộng rộng nhất thế giới, Mỹ sẽ được lợi nhiều nhất từ việc tham gia UNCLOS. Ông cũng cho rằng việc này sẽ tạo cơ sở pháp lý cho Mỹ có các quyền tự do hàng hải và tiếp cận toàn cầu cho các tàu thuyền thương mại và quân sự, máy bay và các đường cáp quang dưới đáy biển của Mỹ, thay vì như hiện nay phải thực hiện quyền tự do hàng hải thông qua tập quán quốc tế.

 

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Dempsey, cho rằng UNCLOS sẽ là công cụ quan trọng giúp Mỹ giải quyết các xung đột một cách hòa bình với rủi ro leo thang xung đột thấp hơn. Ông cho biết hiện Mỹ là ủy viên thường trực duy nhất của Hội đồng Bảo an LHQ và là quốc gia Bắc Cực duy nhất không phải là thành viên của UNCLOS, vì thế bị hạn chế khả năng xây dựng các liên minh cho những nỗ lực an ninh quốc tế quan trọng.

 

Tại buổi điều trần, một số nghị sĩ đảng Cộng hòa vẫn cứng rắn phản đối tham gia UNCLOS và lo ngại về một số hệ quả, như việc Mỹ phải tham gia vào một ủy ban có hơn 160 thành viên mà Mỹ sẽ không có quyền phủ quyết nào.

 

Thượng nghị sĩ John Kerry, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và là người chủ trì buổi điều trần, cho biết ông sẽ không đưa việc phê chuẩn UNCLOS ra bỏ phiếu tại Thượng viện trước khi cuộc bầu cử năm 2012 diễn ra, do nhiều nghị sĩ e ngại phải bỏ phiếu cho một vấn đề nhạy cảm trong lúc đang vận động tranh cử.

 

 

Đỗ Thúy (P/v TTXVN tại Oasinhtơn)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN