Ngày 19/3, sau cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Chủ tịch Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế (ICRC) Jakob Kellenberger đang thăm Mátxcơva, Bộ Ngoại giao Nga đã kêu gọi chính quyền Xyri cũng như các nhóm đối lập ở nước này chấp thuận đề xuất ngừng bắn hai giờ mỗi ngày để tạo điều kiện cho các hoạt động nhân đạo.
Bộ Ngoại giao Nga cho rằng các bên "cần nhất trí không chậm trễ" với đề xuất trên, để ICRC được tiếp cận những dân thường và những người bị thương cần được sơ tán. Mátxcơva cũng nhấn mạnh cần để ICRC được tiếp cận những người bị giam giữ tại Xyri sau các hoạt động biểu tình.
Ngoại trưởng Nga (phải) và Chủ tịch ICRC (trái) hội đàm về tình trạng nhân đạo tại các trung tâm biểu tình ở Xyri. Ảnh: AFP-TTXVN |
Ngày 21/2, ICRC (tổ chức quốc tế duy nhất triển khai nhân viên cứu trợ ở Xyri) đưa ra đề xuất ngừng bắn hai giờ mỗi ngày vì mục đích nhân đạo. Một phát ngôn viên ICRC nói rằng cuộc gặp ở Mátxcơva ngày 19/3 vừa qua là một phần trong nỗ lực của Chủ tịch Kellenberger nhằm thúc đẩy các cường quốc thế giới tìm kiếm cam kết từ Chính phủ Xyri lẫn các nhóm đối lập cho đề xuất này. Người phát ngôn ICRC bày tỏ hy vọng sớm được thấy những kết quả thực tế trong thời gian tới.
Giới phân tích nhận xét Nga là một trong những đồng minh quốc tế chính của Xyri, nhưng không rõ Mátxcơva có ảnh hưởng lớn tới đâu với chính quyền ở Đamát trong bối cảnh cuộc khủng hoảng này đã kéo dài hơn một năm và bạo lực ngày càng gia tăng. Sau khi Nga tuyên bố ủng hộ đề xuất ngừng bắn hai giờ mỗi ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland nói rằng Mỹ nhận thấy "có tiến triển" trong quan điểm công khai của Nga với vấn đề Xyri và những tuyên bố gần đây của Mátxcơva là "các bước đi tốt đẹp". Nga và Trung Quốc từng hai lần phủ quyết dự thảo nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc lên án chính quyền Xyri mà theo Mátxcơva những dự thảo này "phiến diện", không cân bằng khi chỉ tập trung chỉ trích chế độ của Tổng thống Xyri Bashar al-Assad.
Trong khi đó, ngày 19/3 Pháp đã hối thúc HĐBA ra tuyên bố bày tỏ ủng hộ sứ mệnh của đặc phái viên LHQ-Liên đoàn Arập (AL) Kofi Annan. Trong bối cảnh nỗ lực của ông Annan cũng như của LHQ nhằm chấm dứt tình trạng bạo lực đẫm máu ở Xyri chưa nhận được sự thỏa hiệp từ chính quyền nước này, các phái viên Pháp tại LHQ cho rằng "cần nhanh chóng gửi đi một thông điệp mạnh mẽ" tới Đamát. Đại sứ Pháp ở LHQ, Gerard Araud hy vọng dự thảo tuyên bố sẽ được thảo luận và thông qua vào cuối ngày 20/3. Tuyên bố của Chủ tịch HĐBA không "nặng ký" bằng một nghị quyết toàn diện nhưng thường được thảo luận nhanh hơn và thông qua bằng hình thức đồng thuận.
Trong một dấu hiệu nữa thể hiện sức ép ngoại giao dồn dập, HĐBA đang thảo luận một thông cáo báo chí do Nga đề xuất, trong đó lên án những vụ đánh bom liều chết cuối tuần qua ở Xyri. Bộ Ngoại giao Xyri cáo buộc thủ phạm đứng sau những vụ trên là "những phần tử khủng bố được các bên ở nước ngoài hậu thuẫn rõ ràng", nhằm tiến hành âm mưu ngầm chống chính quyền, người dân và các thể chế ở Xyri.
Tại Xyri, bạo lực vẫn tiếp diễn. Theo Tân Hoa xã, trong hai ngày qua bạo lực đã leo thang mạnh với những giao tranh giữa quân chính phủ và các nhóm nổi dậy ở cả thủ đô Đamát lẫn tỉnh miền Bắc Aleppo, những nơi vốn tương đối yên ổn so với các thành phố khác.
Ngày 19/3, đọ súng đã nổ ra ở al-Mazzeh, vùng lân cận ở phía Tây Đamát. Đây là lần đầu tiên xuất hiện đụng độ giữa hai bên ở một quận tại thủ đô. Theo hãng thông tấn nhà nước SANA, ít nhất hai đối tượng khủng bố và một nhân viên an ninh Xyri thiệt mạng trong giao tranh. Trước đó, ngày 18/3, một vụ nổ ở khu vực phụ cận al-Sulaymanyia ở tỉnh Aléppô làm hai người thiệt mạng.
Các nhân chứng cho biết ngày 19/3, hàng chục xe tăng đã tiến vào thành phố Deir al-Zor của người Hồi giáo dòng Sunni ở Xyri nhằm chiếm lại các huyện quan trọng từ tay lực lượng Quân đội Giải phóng Xyri, nhóm nổi dậy đang gia tăng các hoạt động tấn công nhằm vào lực lượng chính phủ.
TTXVN/Tin tức