NATO "lấy làm tiếc" về vụ không kích làm binh sĩ Pakixtan thiệt mạng

Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) Anders Fogh Rasmussen ngày 27/11 đã gửi thư tới Thủ tướng Pakixtan Yousuf Raza Gilani, bày tỏ "lấy làm tiếc" về vụ không kích của NATO ở khu vực biên giới với Ápganixtan làm 24 binh sĩ Pakixtan thiệt mạng.

Trong một tuyên bố, ông Rasmussen cho biết trong thư gửi Thủ tướng Gilani, ông đã nêu rõ cái chết của các binh sĩ Pakixtan là "không thể chấp nhận được và đáng bị lên án như đối với bất cứ thương vong nào của binh sĩ Ápganixtan và binh sĩ nước ngoài". TTK Rátmuxen cho rằng đây là "một sự cố bi thảm ngoài dự tính".

 Xe tải tiếp tế của NATO chờ tại khu vực biên giới Pakixtan sau khi nước này đóng cửa biên giới đối với các xe tiếp tế của NATO do xảy ra vụ không kích của NATO làm 24 binh sĩ Pakixtan thiệt mạng. Ảnh AFP-TTXVN

Dư luận Pakixtan xem vụ không kích của máy bay NATO nhằm vào hai chốt kiểm soát quân sự ở biên giới sáng 26/11 là một vụ tấn công "có chủ ý" . Bộ Ngoại giao Pakixtan ngày 27/11 đã lên tiếng phản đối Cabun liên quan tới các vụ không kích bằng trực thăng của NATO và Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế (ISAF) từ Ápganixtan xâm phạm không phận Pakixtan. Tuyên bố nhấn mạnh việc NATO sử dụng lãnh thổ của Ápganixtan tấn công Pakixtan là "vi phạm quyền hạn của ISAF trong các chiến dịch tại Ápganixtan". Tuyên bố yêu cầu Chính phủ Ápganixtan có những biện pháp cần thiết để ngăn chặn những hành động như vậy.

Trước đó, Chính phủ Pakixtan ngày 26/11 đã lên án mạnh mẽ vụ tấn công của NATO, coi đây là hành động vi phạm chủ quyền Pakixtan, vi phạm luật pháp quốc tế, làm tổn hại nghiêm trọng nền tảng hợp tác giữa Pakixtan với NATO và ISAF. Ixlamabát cũng tuyên bố sẽ xem xét lại tất cả các thỏa thuận với Mỹ và NATO liên quan tới các hoạt động ngoại giao, chính trị, quân sự và tình báo; tiếp tục đóng cửa biên giới đối với các xe tải tiếp tế của NATO, đồng thời nhấn mạnh sẽ bảo vệ chủ quyền, độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ bằng mọi giá và sẽ giáng trả đích đáng các cuộc tấn công.

Vụ không kích của NATO đã gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ của người dân Pakixtan. Trong ngày 27/11, rất nhiều người trên cả nước đổ ra các đường phố, đốt ảnh Tổng thống Mỹ Barack Obama và cờ Mỹ. Hàng nghìn người đã tụ tập bên ngoài Lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Carachi, hô khẩu hiệu đòi người Mỹ rời khỏi Pakixtan.

Trong một động thái nhằm cứu vãn tình hình, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta đã ra tuyên bố chung bày tỏ "chia buồn sâu sắc" về những mất mát của người Pakixtan, đồng thời khẳng định hoàn toàn ủng hộ tiến hành điều tra vụ việc ngay lập tức. Theo tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo ngoại giao và quân sự Mỹ đều nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đối tác Mỹ - Pakixtan, đồng thời khẳng định sẽ duy trì liên lạc chặt chẽ với những người đồng cấp Pakixtan để giải quyết những thách thức đang diễn ra.

Trong chính giới Mỹ có những phản ứng trái chiều về những diễn biến nói trên. Thượng nghị sỹ Jon Kyl của Đảng Cộng hòa kêu gọi áp dụng chính sách cứng rắn hơn đối với Ixlamabát, có thể cắt viện trợ cho rằng chính quyền Pakixtan nếu sự hợp tác giữa hai nước bị phương hại. Trong khi đó, Thượng nghị sỹ Dick Durbin của Đảng Dân chủ cho rằng những động thái cứng rắn của Pakixtan đối với liên quân là bằng chứng cho thấy Mỹ phải chấm dứt can sự quân sự ở khu vực này.


TTXVN/Tin Tức

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN