Các nhà lãnh đạo khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã nhất trí dành cho Hy Lạp các khoản vay mới nhằm giúp nước này giải quyết gánh nặng nợ công.
Theo hãng tin AFP (Pháp), quyết định này được đưa ra tại cuộc họp khẩn cấp của lãnh đạo 17 quốc gia thành viên Eurozone, diễn ra tại Brúcxen (Bỉ) ngày 21/7, nhằm tìm giải pháp ngăn chặn nguy cơ xảy ra hiệu ứng đôminô vỡ nợ công ở khu vực này.
Châu Âu đang đau đầu vì khủng hoảng nợ công. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Các khoản vay mới sẽ giúp Hy Lạp giảm bớt núi nợ công, hiện đã lên tới 350 tỉ euro (499 tỉ USD, tương đương 150% GDP), khiến nước này có khả năng trở thành nước đầu tiên của EU vỡ nợ. Đồng thời, Eurozone cũng mở ra khả năng khu vực tư nhân tham gia vào gói cứu trợ thứ hai này. Các chuyên gia châu Âu cho rằng, việc mua lại trái phiếu chính phủ Hy Lạp, vốn đã được giảm giá, là biện pháp khả quan nhất để các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào quá trình cứu trợ tài chính.
Các nhà đầu tư tư nhân đang sở hữu trái phiếu chính phủ Hy Lạp sẽ có ba lựa chọn: Mua lại một phần nợ công của Hy Lạp; đổi trái phiếu đang sở hữu lấy loại trái phiếu mới có kỳ hạn dài hơn; quay vòng trái phiếu khi đến kỳ hạn thanh toán.
Hy Lạp, cùng với hai quốc gia khác cũng đang oằn lưng gánh nợ công là Bồ Đào Nha và Ailen sẽ nhận được thêm các khoản vay với lãi suất thấp hơn, điều kiện cho vay nới lỏng hơn và kỳ hạn thanh toán dài hơn. Theo đó, kỳ hạn thanh toán các khoản vay được tăng từ 7,5 năm lên 15 năm, trong khi lãi suất giảm từ 4,5% xuống còn 3,5%.
Hãng AFP cho biết, Eurozone và Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang cân nhắc về khả năng cung cấp một khoản cứu trợ trị giá 71 tỉ euro (101 tỉ USD), chưa tính đến phần đóng góp (có thể có) của khu vực tài chính tư nhân.
Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo Eurozone cũng đã bác bỏ đề xuất đánh thuế đặc biệt đối với ngành ngân hàng để có nguồn tài chính cho gói cứu trợ thứ hai dành cho Hy Lạp.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso đã cảnh báo tình hình nợ công hiện rất nghiêm trọng và có nguy cơ lan ra phạm vi toàn cầu. IMF cũng cho rằng, nếu không nhất trí được một giải pháp hiệu quả, thì cái giá phải trả sẽ rất đắt, không chỉ đối với Eurozone mà với cả nền kinh tế toàn cầu. Giới phân tích cho rằng, căn bệnh nợ công ở châu Âu đã chuyển sang giai đoạn rất trầm trọng, khi có tới gần 1/3 số nước thành viên Eurozone bị nghi ngờ về khả năng trả nợ, và có thể làm lung lay vị thế của đồng tiền chung châu Âu.
* Cùng ngày 21/7, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố các quy định mới siết chặt quản lý lĩnh vực ngân hàng nhằm tránh nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng mới. Các quy định này buộc các ngân hàng phải tăng thêm vốn điều lệ và cho phép EC áp đặt trừng phạt đối với các ngân hàng tiềm ẩn rủi ro nhằm ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng tài chính mới.
Ủy viên phụ trách các thị trường nội khối của EU, ông Michel Barnier tuyên bố châu Âu sẽ đi tiên phong trong việc thực thi thỏa thuận toàn cầu Basel III, được ký tại Basel (Thụy Sĩ) tháng 9/2010 về quản lý tiền vốn và khả năng thanh khoản của các ngân hàng. Ông Michel Barnier cho biết các ngân hàng châu Âu, chiếm 53% tài sản ngân hàng toàn cầu, sẽ phải tăng gấp ba mức vốn điều lệ hiện nay của họ, lên mức 460 tỉ euro vào năm 2019.
Quang Minh