Sau hơn một năm, tôi có dịp trở lại bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Sau sự kiện hàng nghìn người di cư kéo về đây tập trung, gây mất an ninh trật tự hồi tháng 4/2011, Huổi Khon giờ đã bình yên, đồng bào đang tập trung lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo, xây dựng bản làng.
Sau buổi lên nương, anh Vàng A Cháng lại cùng bà con quây quần bên bể nước công cộng của bản. |
Đoạn đường từ tuyến đường liên xã lên bản đã khác trước, trước đây con đường đất nhỏ, nay đường vào Huổi Khon đã mở rộng với hàng cột điện mới dựng ven đường, đánh dấu sự đổi thay đáng kể ở bản làng này.
Lội qua con suối dưới chân bản, thật thú vị khi ngắm nhìn những chiếc cối giã gạo bằng sức nước, đang “thì thụp” suốt ngày đêm, nghe bình yên đến lạ. Đang là mùa gặt, nên trong bản khá vắng vẻ, chỉ có đám trẻ nô đùa vì là ngày nghỉ, không phải đến trường. Thấy có khách lạ, mấy cô bé, cậu bé không hề sợ sệt như những nơi khác, mà còn cười nói vui vẻ.
Theo hướng tay chúng chỉ, trên các triền núi xung quanh bản, chen giữa những khoảnh rừng xanh tốt là những đám nương vàng óng dưới ánh mặt trời, nhấp nhô bóng người đang gặt lúa trên đó.
Bản Huổi Khon yên bình bên dòng suối mang tên bản. |
Từ 10 gia đình đầu tiên ở đầu bản theo con đường mòn dài khoảng 2 km men theo suối khi ngược đứng lên... trời, lúc cắm xuống lòng suối, là vào đến trung tâm bản. Huổi Khon theo tiếng địa phương có nghĩa là “Khe hồn”, không biết có phải vì sự hoang vu khi con người mới đặt chân tới mà có cái tên này không.
Bản Huổi Khon 1 có 49 hộ, nằm cheo leo ven sườn núi, dưới chân là con suối trong vắt chảy qua. Hầu hết các gia đình ở đây nhà đều lợp bằng gỗ, tôn đỏ hay ngói xi măng chắc chắn, vây xung quanh ngôi trường gỗ khá đẹp, có đủ từ lớp mầm non đến lớp 5.
Anh Vàng A Cháng vừa đi gặt về, đang cùng mấy cháu nhỏ tắm rửa bên chiếc bể nước công cộng, vui vẻ dẫn tôi về thăm nhà mình. Anh Cháng cho biết: “Nhà mình vụ này gặt được khoảng 40 bao thóc, cũng đủ ăn thoải mái một mùa. Thóc năm ngoái được 70 bao, giờ vẫn còn một nửa đang chuẩn bị bán đi để mua mấy thứ đồ dùng trong nhà. Nói chung mọi người trong bản vẫn đủ ăn, mỗi nhà có một chiếc xe máy để đi lại, nhiều nhà có ti vi”.
Trẻ em Huổi Khon bên nhữn thành quả sau mùa gặt của gia đình. |
Quay trở lại những gia đình đầu bản khi mặt trời đã xuống núi, lúc này bà con từ trên nương trở về, gùi theo những bao thóc nặng trĩu. Anh Giàng A Sử, 44 tuổi, vồn vã mời khách ngồi uống nước và kể chuyện: “Nhà mình thuộc loại khó khăn nhất bản vì đông con quá. Cả nhà có 10 người vì vợ mình có 4 con riêng trước khi lấy mình.
Trước đây cả 10 hộ ở đây di cư từ Sa Pa (tỉnh Lào Cai), vì thiếu đất canh tác nên vào đây từ năm 2001. Được ngân hàng cho vay vốn, nhà mình mua được một con trâu làm sức kéo, mua thêm một con bò nay sắp đẻ. Mỗi mùa trồng lúa thu được 70-80 bao nên cũng đủ ăn. Con mình có 4 đứa bé, đều cho đi học trong điểm trường trung tâm. Năm ngoái vất vả quá, vì bị bọn người xấu ở đâu kéo về, làm lán trại chiếm hết đất làm nương nên trồng lúa muộn quá, không thu hoạch được nhiều. Nuôi được đàn lợn 30 con thì bị dịch bệnh nên chết hết, giờ mới đang gây lại. Nhà mình phải đi sơ tán vào bản trung tâm để không bị ảnh hưởng. Mấy đối tượng cầm đầu cứ bảo mình không tốt vì không đi theo chúng. Mình bảo đi theo cũng chẳng được tích sự gì, chỉ khổ cho gia đình thôi. Cả bản chỉ có vài người theo chúng, giờ cũng hối hận lắm. Còn lại ai cũng lo làm ăn để khỏi đói, khỏi nghèo”.
Là một bản nghèo của xã Nậm Kè, Huổi Khon 1 và 2 có 96 hộ người dân tộc Mông di cư từ nơi khác đến từ năm 1996, hiện có tới gần 95% số hộ nghèo. Trong năm nay, ngôi bản này đã nhận được nhiều chương trình đầu tư hỗ trợ của Nhà nước. Dự án xây dựng hai cây cầu qua suối và tuyến đường vào bản đang triển khai thi công với tiến độ khá nhanh.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Phúc thì thiết kế mặt đường chỉ rộng 3 m. Nhưng do đơn vị đang sử dụng các loại máy lớn, nên mở luôn mặt đường rộng tới 5-6 m cho bà con đi lại thoải mái, doanh nghiệp có chịu thiệt thòi một chút cũng không sao. Chương trình đưa điện lưới quốc gia đến nông thôn cũng đang được triển khai vào bản. Trước đó, công đoàn ngành giáo dục đã tặng 5 gian nhà công vụ cho những giáo viên dạy học tại điểm trường của bản trung tâm.
Chương trình 30a cũng hỗ trợ bà con 20 con trâu giống, hiện phát triển rất tốt... Đáng phấn khởi nhất là tinh thần vượt khó, ý chí vươn lên của đồng bào trong bản trong lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Trong khi nhiều địa phương khác, bà con vẫn còn tính trông chờ, ỷ lại thì dân bản Huổi Khon chỉ mong muốn được Nhà nước hỗ trợ giống cây cao su, cây keo, cam, quýt... và hướng dẫn kỹ thuật để bà con tự trồng, đề phòng khi đất canh tác bạc màu, không thể trồng cây lương thực.
Qua những ngày biến động, "đất dữ" Huổi Khon đã bình yên trở lại. Được sự đầu tư của Nhà nước, cùng với ý chí tự lực vươn lên thoát nghèo, hy vọng rằng tương lai không xa, mảnh đất này sẽ trở thành điểm sáng trong xây dựng cuộc sống mới no ấm, bình yên.
Bài và ảnh: Chu Quốc Hùng