Khác với thời điểm cách đây gần một năm, cảnh tượng tan hoang như bãi chiến trường đã dần thay đổi. Dòng sông, lòng suối đã được khơi thông, những hố sâu, gò cao do vàng tặc gây ra đã được người dân chủ động san gạt bằng phẳng hơn.
Từ rất nhiều năm nay, vấn đề ô nhiễm môi trường do nạn khai thác khoáng sản trái phép đã trở thành vấn đề nóng ở tỉnh Cao Bằng. Sự việc càng nghiêm trọng hơn khi dòng sông Bằng và sông Hiến đứng trước nguy cơ trở thành những dòng sông "chết". Đến nay, mọi việc đã được cải thiện nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền và người dân. Dòng sông Bằng, sông Hiến đang trong xanh trở lại, báo hiệu công tác phòng chống “quặng tặc” ở Cao Bằng đang phát huy hiệu quả.
Những ngày đầu tháng 11, nhóm phóng viên chúng tôi có dịp ngược dòng sông Hiến đến 3 xã Canh Tân, Minh Khai và Quang Trọng của huyện Thạch An (Cao Bằng). Nơi đây từng là đại bản doanh của “vàng tặc” và cũng là nơi truy quét đối tượng khai thác vàng trái phép lớn nhất của các lực lượng chức năng tỉnh.
Một đoạn sông Hiến chảy qua thị xã Cao Bằng. Ảnh: Thiennhien.net |
Khác với thời điểm cách đây gần một năm, cảnh tượng tan hoang như bãi chiến trường đã dần thay đổi. Dòng sông, lòng suối đã được khơi thông, những hố sâu, gò cao do vàng tặc gây ra đã được người dân chủ động san gạt bằng phẳng hơn, tuy không thể trở thành những thửa ruộng mầu mỡ như xưa nhưng cũng đã báo hiệu một chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân. Anh Triệu Văn Hòa, một người dân ở xã Canh Tân cho biết: “Ở đây chẳng nhà nào còn dám đi đào vàng nữa rồi, vì lợi từ vàng chẳng là bao mà đến nay mất hết ruộng đất. Thửa ruộng nhà tôi bị đào sâu quá, bao nhiêu đất màu đều bị trôi hết nên không thể cải tạo thành ruộng như trước kia, tôi đang tính xây bờ và biến nó thành ao nuôi cá".
Theo ông Nông Ích Sùng, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Thạch An: Từ tháng 3/2012, UBND huyện đã thành lập các đoàn kiểm tra và duy trì các tổ công tác tại địa bàn 3 xã Canh Tân, Minh Khai, Quang Trọng. Các tổ công tác đã làm tốt nhiệm vụ vận động nhân dân không khai thác vàng trên ruộng, lòng suối, vừa bảo vệ các cửa hang vàng đã giải tỏa. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng đang tích cực tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc quản lý khoáng sản, bảo vệ môi trường; tiếp tục duy trì các đội công tác tại địa bàn để ngăn ngừa tái diễn, bùng phát tình trạng khai thác vàng trái phép.
Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Cao Bằng kiêm Trưởng Ban chỉ đạo ngăn chặn, xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép gây ô nhiễm nguồn nước sông Bằng, sông Hiến, Hoàng Trung Phong cho biết: Sau nhiều biện pháp quyết liệt giải tỏa nạn khai thác vàng trái phép, tỉnh Cao Bằng đang tích cực triển khai các hoạt động hoàn thổ, trả lại môi trường cho các khu vực bị "vàng tặc" tàn phá ở thượng nguồn sông Hiến. Đến nay, các phương tiện, máy xúc, giàn tuyển rửa khai thác vàng đã được giải tỏa, hoạt động khai thác vàng có sử dụng phương tiện cơ giới trên địa bàn 3 xã Canh Tân, Minh Khai, Quang trọng và một số vùng lân cận đã cơ bản chấm dứt. Những chiếc máy xúc trước đây dùng để khai thác vàng nay được huy động để hoàn thổ những bãi sông, lòng suối và đất nông nghiệp. Công tác hoàn thổ đã hoàn thành 80 - 90% diện tích.
Tuy chưa thực sự triệt để vì vẫn còn một số cá nhân lợi dụng địa hình phức tạp, lực lượng chức năng mỏng để lén lút tổ chức khai thác khoáng sản trái phép, nhưng nhìn sự trong xanh trở lại của dòng sông Bằng và Sông Hiến, chúng tôi thấy rằng những gì mà tỉnh Cao Bằng làm được trong việc chống lại nạn khai thác khoáng sản trái phép thời gian qua là rất đáng ghi nhận.
Mạnh Hà