Cô bé Malala Yousafzai 14 tuổi, một nhà hoạt động nhỏ tuổi ở Pakixtan bị lực lượng Taliban bắn vào đầu tuần trước, đã được đưa sang Anh để điều trị lâu dài đặc biệt.
Ảnh của Malala đặt cạnh nến do người ủng hộ thắp lên để cầu nguyện cho cô bình phục. Ảnh: Internet |
Trước đó, ngày 9/10, Malala và hai bạn học bị bắn khi đang đi xe buýt từ trường ở thung lũng Swat về nhà. Cô bé bị Taliban bắn vì đã kêu gọi thúc đẩy giáo dục cho các bé gái và chỉ trích lực lượng Taliban. Sự việc đã khiến người dân Pakixtan và cả thế giới bất bình. 10.000 người ngày 14/10 đã biểu tình ở Karachi, Pakixtan để ủng hộ Malala.
Malala bị Taliban bắn vào đầu vì ủng hộ giáo dục cho các bé gái. Ảnh: Internet |
Lực lượng Taliban ở Pakixtan cho biết họ bắn Malala vì cô bé đang khuyến khích “lối suy nghĩ phương Tây”. Cảnh sát đã bắt ít nhất ba kẻ tình nghi có liên quan đến vụ bắn Malala, nhưng hai tay súng bắn Malala vẫn còn tự do.
Malala được đưa ra khỏi bệnh viện ở Rawalpindi, Pakixtan. Ảnh: Internet |
Theo hãng tin AFP, sáng sớm ngày 15/10, Malala đã được đưa ra nước ngoài chữa trị, đúng thời điểm phù hợp nhất và vết thương chưa xuất hiện biến chứng nào. Quân đội Pakixtan cho biết Malala được chở đi bằng một trực thăng cứu thương trang bị đặc biệt do Các tiểu vương quốc Arập thống nhất cung cấp – nơi đang điều trị cho cô bé.
Các bác sĩ đã quyết định đưa Malala đến một trung tâm ở Anh – nơi có khả năng chăm sóc phối hợp cho các bệnh nhi bị thương nặng. Malala cần được chữa trị các xương sọ bị tổn thương và phục hồi thần kinh đặc biệt.
Trước đó, các bác sĩ quân y Pakixtan đã gắp viên đạn ra khỏi cơ thể Malala và ổn định tình hình sức khỏe cho cô bé. Sau khi được tham vấn, gia đình Malala đã đồng ý đưa cô bé sang Anh và chính phủ Pakixtan sẽ trả mọi chi phí điều trị.
Malala lúc khỏe mạnh. Ảnh: Internet |
Trong nhiều năm qua, Malala đã trở thành một biểu tượng mạnh mẽ chống lại những biện pháp của lực lượng Taliban như cấm các bé gái tới trường, bắt đàn ông để râu, cấm phụ nữ đến chợ, phá hủy nhiều trường học…
Từ khi mới 11 tuổi, với bút danh Gul Makai, cô bé đã lên án các hành động này bằng cách viết blog (nhật ký cá nhân) cho trang BBC bằng tiếng Urdu. Sau khi Taliban bị quân đội Pakixtan đẩy lùi ra khỏi thung lũng Swat năm 2009, Malala công khai hơn trong ủng hộ giáo dục cho các bé gái. Cô bé thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng và được chính phủ Pakixtan vinh danh vì lòng dũng cảm.
Thùy Dương