Phục dựng chùa Trăm Gian: Bát nước đã đổ xuống đất…

Trong không gian “nóng bỏng” của dư luận về việc phá hoại di tích chùa Trăm Gian, chiều 30/8 Sở Văn hoá, Thể thao & Du lịch Hà Nội đã tổ chức cuộc họp báo chính thức do Giám đốc Sở- ông Phạm Quang Long chủ trì. Rất nhiều vấn đề đã được các cơ quan thông tấn, báo chí đề cập tới, tựu trung là: Chùa Trăm Gian đã bị phá hủy đến mức độ nào? Ai, đơn vị nào sẽ phải chịu trách nhiệm về sai phạm này? Việc phục dựng lại những công trình đã bị phá hủy ở chùa Trăm Gian sẽ được tiến hành ra sao, liệu có thể phục dựng lại nguyên trạng?

Cuộc họp có sự góp mặt của TS Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện bảo tồn di tích, ông Vũ Văn Đông- Phó chủ tịch huyện Chương Mỹ (Hà Nội), ông Vũ Văn Doãn - Chủ tịch xã Tiên Phương (huyện Chương Mỹ).


Đúng như cam kết ban đầu của Giám đốc Sở Phạm Quang Long, mọi câu hỏi đều được trả lời. Tuy nhiên, những vấn đề cốt yếu mà báo chí và dư luận quan tâm thì vẫn chưa có câu trả lời chính xác; và xem ra, trách nhiệm thuộc về ai, đơn vị nào… thì cũng vẫn còn phải… chờ!


Dân có cần, nhưng quan chưa vội?


Theo thông tin từ Sở Văn hoá, Thể thao & Du lịch Hà Nội, cũng là điều được các cơ quan báo chí đề cập tới nhiều trong những ngày qua, ngày 13/4/2010, Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội đã có quyết định số 162/ QĐ- KHĐT về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử chùa Trăm Gian, huyện Chương Mỹ và giao cho Sở Văn hoá, Thể thao & Du lịch làm chủ đầu tư dự án. Các thủ tục chuẩn bị cho đầu tư đã được Sở hoàn thành, gồm cả hồ sơ thiết kế thi công, tổng dự toán đã được Cục Di sản văn hoá thoả thuận tại văn bản số 425/DSVH-DT ngày 12/7/2010 và được Sở Văn hoá, Thể thao & Du lịch phê duyệt tại quyết định số 1190/QĐ- VHTTDL ngày 27/10/2010.


Gần 1 năm sau đó, ngày 25/9/2011, Sở Văn hoá, Thể thao & Du lịch, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính Hà Nội, UBND huyện Chương Mỹ đã kiểm tra hiện trạng di tích và thống nhất đánh giá thực trạng nhiều hạng mục kiến trúc như ống Muống, Thượng điện, nhà Tổ, gác Khánh… và cho rằng các hạng mục này đang bị “xuống cấp nghiêm trọng có nguy cơ sập đổ, dù đã được nhà chùa và địa phương thực hiện việc chống đỡ tạm thời trong mùa mưa bão năm 2011 vẫn không đảm bảo an toàn cho hệ thống di vật và khách thập phương vào lễ Phật” (nguyên văn trong Thông cáo báo chí của Sở VHTTDL gửi phóng viên chiều qua, 30/8).


Trước thực trạng này, Sở Văn hoá, Thể thao & Du lịch, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, UBND huyện Chương Mỹ đã có văn bản liên sở số 1961 ngày 10/10/2011, đề xuất với UBND thành phố Hà Nội cho phép chủ đầu tư hạ giải ngay các hạng mục xuống cấp trong tình trạng nguy hiểm và triển khai thi công; đồng thời Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính cân đối, bố trí kinh phí để thực hiện dự án ngay trong năm 2011.


Quang cảnh cuộc họp ngày 30/8. Ảnh: Lộc Lan.


Thế nhưng, do “tình hình kinh tế khó khăn, thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ “Về những giải pháp tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội”, nên UBND thành phố Hà Nội chưa bố trí được nguồn kinh phí đầu tư cho dự án tu bổ, tôn tạo di tích chùa Trăm Gian vào năm 2011”.


Và tới tận ngày 29/6/2012, UBND thành phố Hà Nội mới ban hành quyết định số 2960/QĐ- UBND về việc giao mục tiêu, nhiệm vụ và kế hoạch vốn thực hiện các chương trình Mục tiêu Quốc gia và một số mục tiêu thành phố Hà Nội năm 2012, nhưng chưa giao vốn để thực hiện dự án. Khi đó, số phận của chùa Trăm Gian tất nhiên vẫn chưa được tính đến!


Phải kể tỉ mỉ như vậy để thấy rằng, sự xuống cấp của chùa Trăm Gian là đã được báo động từ cách đây tới… 2 năm. Và tình trạng xuống cấp, xập xệ, sẵn sàng “sụp đổ” của các công trình, trong đó có nhà Tổ, gác Khánh là đã được các cơ quan chức năng, mà cụ thể là Sở Văn hoá, Thể thao & Du lịch nắm khá rõ.

Theo phân cấp, Chùa Trăm Gian do huyện Chương Mỹ quản lý, và huyện Chương Mỹ đã phân cấp xuống cho xã Tiên Phương chịu trách nhiệm.


Ông Tống Bá Lương - Phó Chủ tịch phụ trách văn xã của xã Tiên Phương là Trưởng ban quản lý di tích chùa Trăm Gian, là người mà Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã đề nghị đình chỉ chức vụ trong cuộc họp 29/8.


Hiện tại, trách nhiệm chưa được “quy” cho ai, và phải chờ kết luận thanh tra. Được biết, UBND thành phố Hà Nội đã ra công văn yêu cầu xử lý nghiêm khắc các cá nhân và đơn vị liên quan tới hành vi xâm phạm di tích quốc gia chùa Trăm Gian, báo cáo thành phố trước ngày 20/9.

Trả lời câu hỏi riêng của phóng viên báo Tin tức, ông Phạm Quang Long cũng khẳng định, trong các hạng mục của Dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử chùa Trăm Gian, huyện Chương Mỹ được phê duyệt năm 2010, có cả nội dung tôn tạo, tu bổ Thượng điện, nhà Tổ, nhà để trống, nhà để khánh (gác Khánh- đã bị phá hoại- PV)… với tổng kinh phí 10,2 tỉ đồng; sau đó- năm 2012 được Sở Kế hoạch và Đầu tư tính toán lại, cộng trượt giá nên thành 10,4 tỉ đồng.


Thế nhưng, theo như trả lời của giám đốc Sở với phóng viên báo Tin tức, vì… thực hiện Nghị quyết 11, và sau đó là… rất nhiều lý do mà dự án đã không được cấp kinh phí, và Sở Văn hoá, Thể thao & Du lịch đã… chấp nhận chờ, chờ cho tới tận khi chùa Trăm Gian bị phá huỷ “một phần”- như lời của giám đốc Sở.


Trong cuộc họp báo, ông Vũ Văn Doãn- Chủ tịch xã Tiên Phương đã nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần về tính cấp bách của công trình, về việc chùa xuống cấp nghiêm trọng, phải chống, phải chằng; rằng “nhà chùa” có báo cáo lãnh đạo địa phương không hạ giải xuống sẽ ảnh hưởng tới tính mạng con người và những di sản bên dưới.


Cũng theo ông Doãn, “nhà chùa” đã đề nghị địa phương được hạ giải sớm, đồng đề nghị chính quyền địa phương thông báo để nhân dân tới công đức. Bản thân lãnh đạo địa phương thấy “tình trạng này” của chùa nên đã đồng ý để sư trụ trì hạ giải.


Việc bảo vệ một di sản văn hoá có giá trị lớn, đã được công nhận là trách nhiệm của đơn vị được phân cấp, mà cụ thể ở đây là huyện Chương Mỹ; thừa nhận là như vậy, nhưng liệu Sở Văn hoá, Thể thao & Du lịch có vô can trong vấn đề này? Tại sao dẫu đã biết chùa Trăm Gian bị xuống cấp nghiêm trọng, như khi Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo… không có vốn, thì Sở Văn hoá, Thể thao & Du lịch cũng… đồng tình chờ? Trong khi trên thực tế, việc bố trí vốn cho dự án này hoàn toàn có thể được.


Bằng chứng là trong cuộc họp ngày 29/8, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã chỉ đạo ngay lập tức cấp vốn cho dự án này, và còn… phê bình Sở Kế hoạch & Đầu tư quá cứng nhắc trong việc thực hiện Nghị quyết 11, dẫn tới việc dự án của Nhà nước không được triển khai, còn dân thì tự làm, và kèm theo đó là làm… sai!


“Giá như” là giả thiết không bao giờ có được, nhưng hãy thử đặt câu hỏi: Giá như Dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử chùa Trăm Gian được Sở Văn hoá, Thể thao & Du lịch triển khai từ năm 2011, thì liệu có việc tàn phá di tích này không? Và có tránh được tình trạng đau lòng hôm nay với di tích chùa Trăm Gian không? Và liệu có phải tốn thời gian, tiền của (vẫn chưa tính được là bao nhiêu) để… sửa sai như hôm nay không?


Phục dựng nguyên trạng: Bất khả!


Đó là khẳng định của TS Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện bảo tồn di tích. Là đơn vị được giao khảo sát để phục dựng lại nhà Tổ và gác Khánh, bệ đá của chùa Trăm Gian, theo ông Vinh “rõ ràng không thể phục hồi 100% như những gì đã phá”.


Bày tỏ sự xót xa và đau đớn trước những “mất mát” của chùa Trăm Gian do sự phá hoại vừa qua, ông Vinh cũng lấy dẫn chứng bằng hình ảnh nhà Tổ, gác Khánh trước khi bị phá dỡ; và hình ảnh nhà Tổ, gác Khánh hiện nay. Ông Vinh khẳng định chắc chắn ngay là công trình hiện nay hoàn toàn sai với công trình gốc bị phá dỡ, đặc biệt về kiến trúc.


Theo ông Vinh, gác Khánh vốn là kiến trúc dạng phương đình, dùng để treo trống và treo khánh, nằm sau hậu cung. Kiến trúc mới hoàn toàn không còn dạng phương đình, và cũng không có “nét” gì của công trình gác Khánh cũ.


Tuy nhiên, theo ông Lê Thành Vinh, ngay sau khi được giao nhiệm vụ, đơn vị của ông đã “vào cuộc” ngay. Một cuộc “đổ bộ” của các KTS xuống chùa Trăm Gian, để tỉ mỉ xem lại từng chi tiết của công trình cũ còn sót lại. “Dạng kiến trúc này muốn phục hồi phải xác định được cấu trúc, hình hài của nó. Ví dụ như đầu bẩy thẳng của công trình cũ chạm rất vừa phải, hiện nay đã làm khác hẳn đi. Rất may là chúng tôi vẫn còn giữ được được lại cấu kiện chính như kẻ góc, cái đấu, cột… Trong đó đặc biệt sự còn lại những “cái đấu” làm chúng tôi rất mừng, bởi đây là cái đấu đặc biệt của công trình này, là một dạng của kiến trúc cổ, không thể phục dựng lại nếu không có nguyên mẫu. Ngoài ra, vẫn còn một số ngói cũ bị dỡ xuống, chúng tôi sẽ tận dụng tối đa số ngói cũ này. Cũng phải nói ngay là ngói lợp hiện nay của công trình hoàn toàn không giống với ngói cũ”, ông Vinh cho biết.


Bên cạnh đó, do vẫn còn những tài liệu từ thời Pháp để lại, cùng với những bản khảo sát khá chi tiết trong lần lập dự án năm 2010, nên theo ông Vinh, sẽ có cơ hội để phục dựng lại nhà Tổ, gác Khánh.


“Tất nhiên sẽ không thể phục hồi hoàn toàn, nhưng những cấu kiện tiêu biểu còn lại nói trên sẽ giúp chúng tôi có thể đưa ra phương án phục hồi. Trong văn bản có nói tới phục hồi nguyên trạng nhưng rõ ràng không thể phục hồi 100% như những gì chúng ta đã phá, mà chỉ là phục hồi theo đúng nguyên trạng. Chúng tôi sẽ cố gắng cùng với các cơ quan quản lý đưa kiến trúc này về gần nhất với nguyên dạng của nó”- ông Vinh khẳng định.


Có nghĩa là có cơ hội cho chùa Trăm Gian trở lại nguyên trạng. Tuy nhiên, cơ hội này cũng kéo theo rất nhiều tiền của, công sức, cũng như đòi hỏi thời gian khá dài của các nhà chuyên môn. Hiện tại, phía Viện bảo tồn di tích vẫn đang nghiên cứu, lên phương án, đề xuất phê duyệt và sau đó là… chờ vốn. “Có đủ những yếu tố này, khi đó chúng tôi mới có thể triển khai được dự án phục dựng, nên không thể nói trước được là sẽ mất bao lâu”.


Có nghĩa là giống như bát nước đã đổ xuống, sao có thể lấy lại vẹn nguyên được. Chùa Trăm Gian sẽ không thể có lại được nhà Tổ và gác Khánh nguyên vẹn của mình. Nghĩ mà xót xa.


Và càng xót xa thì càng cảm thấy sự lý giải của lãnh đạo Sở Văn hoá, Thể thao & Du lịch hôm nay là không thể chấp nhận. Theo lý giải của lãnh đạo Sở, thì việc phá hoại ở chùa Trăm Gian chỉ là “một phần” chứ không phải là toàn bộ chùa, chỉ là phá hoại cảnh quan xung quanh chứ chưa phải là chùa. Vì vậy không phải đã… mất chùa. Vị lãnh đạo này có dùng hình ảnh ví von “Nửa cái bánh mì là cái bánh mì, nhưng nửa sự thật không thể là sự thật”- chính vì vậy theo vị lãnh đạo này, phải nói cho đúng là chùa Trăm Gian chưa bị phá hoại hoàn toàn.


Cứ cho là chỉ mới có khoảng 3 hạng mục trong tổng số 10 hạng mục của chùa bị phá hoại, nhưng một công trình trọn vẹn phải tính tới sự trọn vẹn của tổng thể, trong đó là sự trọn vẹn của từng hạng mục. “Chặt tay, chặt chân” của chùa như thế, bảo trên thực tế cảnh quan vẫn còn nguyên, liệu có thuyết phục?


Bên cạnh đó, cũng chính những người chủ trì buổi họp báo 30/8 cho rằng, thực ra các công trình này của chùa Trăm Gian cũng không phải nguyên gốc, “gỗ dù là gỗ lim cũng chỉ tồn tại được vài trăm năm”, rằng trong quá trình tồn tại của mình, chùa Trăm Gian đã rất nhiều lần được trùng tu, tôn tạo, đã mang đủ cả dấu ấn của kiến trúc thời Lê, thời Trần…


Tuy nhiên, rõ ràng giữa việc trùng tu có kế hoạch, có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, các chuyên gia; với việc tự ý sư trụ trì của chùa kêu gọi và những người dân địa phương “theo loa thông báo của lãnh đạo xã” đã tới công đức xây dựng chùa - là một trời và một vực, không thể so sánh.


Và nói như thế thì chả lẽ những di tích đã qua trùng tu, không còn là nguyên gốc nữa thì người ta thoải mái đập đi làm mới hay sao. Thế nên, làm sao có thể nói rằng vì chùa đã từng được trùng tu, cho nên việc chùa bị “làm bậy” như thời gian qua là có thể “xem nhẹ” được! Tất nhiên, không vị lãnh đạo nào trong cuộc họp báo nói cụ thể ra như vậy, nhưng cái ẩn ý phía sau những câu nói, lại làm cho những người dự họp báo thực sự thấy… lo lo!

Chùa Trăm Gian được lập từ đời Lý Cao Tông nhà Lý, niên hiệu Trinh Phù thứ 10, 1185. Đến thời nhà Trần, có hòa thượng Bình An, quê ở Bối Khê tu ở đây, tương truyền là người có nhiều phép lạ. Sau khi ông mất, dân làng xây tháp để giữ gìn hài cốt và tôn gọi là Đức Thánh Bối. Ngôi chùa lớn với quy mô như hiện nay là đã được trùng tu và xây dựng thêm qua nhiều thời đại. Ở sân chùa có gác chuông hai tầng tám mái được dựng vào năm Quý Dậu 1693, niên hiệu Chính Hòa, đời Lê Hy Tông, là một công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật cao. Chùa còn giữ được nhiều di vật và tượng quý. Trăm gian, cái tên rất bình dân, dường như muốn nói lên vẻ bề thế của ngôi chùa. Chùa được công nhận là di tích đặc biệt cấp quốc gia gần nửa thế kỷ qua.


NHÓM PHÓNG VIÊN VĂN HOÁ

Chùa Trăm Gian 'chui lọt lỗ kim' của sự vô trách nhiệm?
Chùa Trăm Gian 'chui lọt lỗ kim' của sự vô trách nhiệm?

Chỉ sau khi báo chí lên tiếng đồng loạt và đầy bức xúc về tình trạng “đập cổ kính xưa dựng chùa mới" tại di tích nổi tiếng chùa Trăm Gian (thuộc xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội), thì các cơ quan chức năng mới thực sự vào cuộc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN