“Muốn phát triển nhà trường thì phải đổi mới công tác quản lý giáo dục, bởi nếu không quản lý chặt thì bước đi chuệch choạc” – PGS. TS Trần Đắc Sử – Hiệu trưởng trường ĐH Giao thông Vận tải nhớ lại quãng thời gian cách đây 2 năm, khoảng năm 2009, khi trường ĐH Giao thông Vận tải cũng như rất nhiều cơ sở giáo dục, đào tạo khác trên toàn quốc thực hiện hội nhập quốc tế về giáo dục. “Hội nhập quốc tế là cơ hội nhưng cũng là thách thức. Tình hình mới đòi hỏi các trường phải đáp ứng được chuẩn quốc tế và nhu cầu xã hội cũng như nhu cầu phát triển tự thân của nhà trường” – PGS. TS Trần Đắc Sử chiêm nghiệm.
Đang trăn trở về hướng đổi mới sao cho phù hợp với điều kiện của nhà trường, thì “gặp” được Chỉ thị 296/2010/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết 05 của Ban Cán sự Đảng và Chương trình hành động của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010- 2012. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, nhà trường tập trung cho việc đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác trong các lĩnh vực quan trọng của nhà trường theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Trường lần thứ 28, với nhiệm vụ trọng tâm là “Đổi mới tổ chức, tăng cường quản lý, chấn chỉnh kỷ cương; tập trung đẩy mạnh nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu”.
Để có bước đột phá trong hoạt động của Nhà trường, việc hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy chế, quy định nội bộ là yếu tố quan trọng. Nhà trường đã chỉ đạo các đơn vị chức năng chỉnh sửa, xây dựng mới và ban hành 7 văn bản cơ bản như: Quy trình công tác, Quy chế làm việc, Nội quy lao động, Quy trình giải quyết công việc, Quy định về quyền, nghĩa vụ của Cán bộ-Giảng viên và cán bộ quản lý, Quy chế quản lý KHCN, LĐSX, Quy chế chi tiêu nội bộ… Quy trình xây dựng các văn bản cũng có nhiều nét đổi mới, bài bản. Các Tổ công tác chuyên trách được thành lập, xây dựng dự thảo văn bản và lấy ý kiến rộng rãi của Cán bộ-Giảng viên trước khi hoàn chỉnh và ban hành. Quy trình làm việc của các phòng, ban trong nhà trường dày tới 300 trang, thực hiện ròng rã tới 8 tháng mới hoàn thành. Công phu như vậy, nên rất chi tiết và sát thực, khi áp dụng vào thực tế đã giúp công việc của từng đơn vị cũng như sự phối hợp giữa các phòng, ban trong nhà trường trôi chảy, khoa học hơn”.
Đối với một trường đại học thì công tác đào tạo là quan trọng nhất. Muốn đổi mới hoạt động đào tạo, phải chuyển được từ đào tạo niên chế (theo năm học) sang đào tạo tín chỉ, và trước hết là phải đổi mới, cơ cấu lại các chương trình đào tạo, theo các tiêu chí: Hội nhập quốc tế, phù hợp điều kiện hiện tại của nhà trường và đáp ứng nhu cầu xã hội. Việc xác định đổi mới chương trình trước khi chuyển chính thức sang đào tạo theo tín chỉ là một quyết định mang tính khoa học, đổi mới một cách bài bản, từ gốc, nên khi chuyển đổi học chế đã có hiệu quả ngay. Mỗi chương trình học cần đổi mới được nhà trường coi là một công trình khoa học, với các Hội đồng khoa học từ cấp cơ sở tới cấp ngành có sự tham dự của các nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục kinh nghiệm... để nghiên cứu đổi mới cho thành công. Hội đồng khoa học cấp trường tổ chức bảo vệ tới 9 ngày và bỏ phiếu cho mỗi trương trình được đổi mới, cơ cấu lại. Nhà trường cũng phân cấp mạnh hơn, giao cho Bộ môn trực tiếp quản lý hệ thống Cố vấn học tập và thực hiện việc cập nhật kết quả thi của sinh viên vào hệ thống quản lý điểm của Nhà trường. Hiện nay, Nhà trường đang kết cấu lại các học phần trong đào tạo tín chỉ cho phù hợp và đúng với bản chất của đào tạo tín chỉ. Thành công trong cơ cấu, đổi mới chương trình đã tạo đà để đào tạo tín chỉ bắt nhịp được ngay với công cuộc đổi mới hoạt động đào tạo của nhà trường.
Hoạt động khoa học - công nghệ cũng dành được những kết quả rất đáng phấn khởi từ công tác đổi mới. Trên cơ sở những kết luận từ hội thảo hè 2010 và 2011 về đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học - công nghệ, lao động sản xuất, Nhà trường đã ban hành thêm những văn bản quy định trong công tác này. Số lượng đề tài tồn đọng giảm đi rõ rệt; quy trình quản lý, theo dõi thực hiện đề tài nghiên cứu chặt chẽ hơn. Việc thực hiện nhiệm vụ NCKH theo Quyết định 64 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã dần đi vào nề nếp. Lần đầu tiên, Nhà trường tổ chức thẩm định khối lượng công tác NCKH của các Bộ môn, từ đó phát hiện và chấn chỉnh những thiếu sót trong công tác này. Nhà trường cũng xem xét, cụ thể hóa quy định về việc thực hiện nhiệm vụ NCKH của Giảng viên, tạo điều kiện để GV hoàn thành nhiệm vụ NCKH. Nhiệm vụ nghiên cứu khoa học gắn liền với định mức giảng dạy và quyền lợi tài chính là cơ sở để thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học trong đội ngũ giảng viên, và có tác dụng tích cực ngay trong hiệu quả của công tác giảng dạy. Số đề tài NCKH nhiều hơn, số buổi tham gia dự các HTKH nhiều hơn giúp các giảng viên nâng cao trình độ, giảng dạy tốt hơn.
Tình hình tài chính của Trường đã đảm bảo cân đối thu chi và có tích lũy, chuẩn bị những điều kiện cần thiết để tạo bước đột phá trong nâng cao đời sống của CB-GV-CNV. Đó chính là kết quả của nhiều biện pháp đổi mới trong việc quy đổi khối lượng giảng dạy, tổ chức đào tạo,…
Cơ sở vật chất của Trường năm 2011 gặp nhiều khó khăn trong việc đầu tư, sửa chữa, nâng cấp. Tuy vậy, bằng nhiều giải pháp, những điều kiện thiết yếu phục vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học và công tác quản lý vẫn được đáp ứng đầy đủ. Nhà trường đã trang bị thêm nhiều máy chiếu, thiết bị âm thanh ở các phòng học. Hội trường lớn của trường đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, đảm bảo các yếu tố về kỹ thuật, mỹ thuật và công năng. Bên cạnh đó, công tác quản lý, khai thác cơ sở vật chất tiếp tục được tăng cường. Nhà trường đã rà soát việc quản lý, khai thác mặt bằng trong trường; ban hành quy định mới về sử dụng mặt bằng, xem xét, bố trí lại văn phòng làm việc cho các đơn vị hoạt động CGCN-LĐSX trong trường, đảm bảo tính hợp lý và tạo điều kiện để các đơn vị này hoạt động.
T.H
Bài 2: Nền móng cho những chuyển mình