Cần quyết liệt bảo vệ hồ Hà Nội - Bài 1: Hồ Hà Nội ngày càng bị thu hẹp

Theo thống kê sơ bộ của Sở Xây dựng Hà Nội, đến nay toàn địa bàn TP Hà Nội chỉ còn 111 ao, hồ với tổng diện tích là 1.165 ha, trong đó 18 hồ có khả năng điều tiết và thoát nước. Trong quá trình phát triển, đặc biệt là quá trình đô thị hóa, diện tích mặt hồ, ao đã giảm rất nhiều, nhiều hồ, ao đã hoàn toàn biến mất. Những hồ còn lại thì 80% bờ hồ bị ô nhiễm, 71% hồ bị ô nhiễm, 26% số ao hồ chưa được kè bờ, số hồ ao được kè một phần chiếm 8%. Vậy làm thế nào để giữ lại những ao hồ còn lại hiện nay ở Hà Nội và làm cho những ao hồ này xanh, sạch, đẹp?

Hồ Ba Mẫu bị thu hẹp do các hộ dân xung quanh lấn chiếm. Ảnh: Lê Phú


Chỉ cây cột điện cách bờ hồ Quang Trung hơn 100 m, bà Phương, chủ quán nước bên bờ hồ, nói:“Ngày trước bờ hồ phải đến đó cơ, cả nhà bên kia hồ trước cũng là hồ cả, nhưng người ta lấp đi để xây nhà nên giờ còn từng ấy”. Nói rồi bà chỉ ngay xuống chỗ mình ngồi: “Chỗ này trước kia là mặt hồ, hồi bé tôi chẳng dám mon men ra đến đây vì nước sâu quá”.

Hồ Quang Trung (hay còn gọi là hồ Thanh Nhàn B), gần đối diện công viên Tuổi Trẻ, nằm giữa ngõ 40 và 42 trên đường Võ Thị Sáu là một trong 7 hồ còn sót lại của quận Hai Bà Trưng. Theo lời kể của những người dân nơi đây thì diện tích hơn 10.000 m2 của hồ hiện nay là đã bị “ngót” đi nhiều. Người ta san lấp, xây dựng nhà ở, cửa hàng xung quanh bờ hồ. Chỉ đến khi hồ được kè bờ, xây hành lang thì diện tích hồ mới còn được như hiện nay. Đó chỉ là câu chuyện về một chiếc hồ nhỏ trong thành phố Hà Nội, nhiều hồ khác cũng ở trong tình trạng tương tự.

Theo thống kê sơ bộ của Sở Xây dựng Hà Nội, đến nay toàn địa bàn TP Hà Nội chỉ còn 111 ao, hồ với tổng diện tích là 1.165 ha, trong đó 18 hồ có khả năng điều tiết và thoát nước. Trong quá trình phát triển, đặc biệt là quá trình đô thị hóa, diện tích mặt hồ, ao đã giảm rất nhiều, nhiều hồ, ao đã hoàn toàn biến mất. Nơi trước kia là hồ giờ đã được thay thế bằng những khu đô thị hay những nhà chung cư. Giai đoạn 1986 - 1994 diện tích hồ bị giảm hơn 16 ha. Một năm sau, năm 1995 đã có thêm 23 ha mặt hồ bị biến mất. Trong đó, Hồ Tây với diện tích khoảng hơn 500 ha, chiếm gần 50% diện tích ao, hồ toàn thành phố nay chỉ còn 446 ha. Cũng rơi vào tình trạng như vậy, hồ Linh Quang (Đống Đa) cũng từ diện tích 6 ha giờ đã “ngót” còn 5,2 ha. Phần lớn các hồ bị lấn chiếm để xây dựng nhà ở và các công trình dân dụng khác.

Trong đề án cải tạo hồ Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội đã nhận định, Thủ đô Hà Nội là thành phố nhiều ao hồ nhất trong các thành phố trên cả nước. Đây vừa là nét đẹp đặc trưng của vùng đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến, mang giá trị lịch sử - văn hóa, ngoài ra các ao, hồ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa nước, chống úng ngập cho thủ đô. Theo ông Trương Quang Học, Trưởng ban Biến đổi khí hậu của Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam thì những năm đầu thế kỷ XX, Hà Nội có 600 -750 ao, hồ. Thế nhưng đến nay tổng các quận nội thành Hà Nội chỉ còn hơn 100 ao, hồ.

Theo lời kể của những người già sinh ra tại Hà Nội thì nhiều khu vực trước kia là ao, hồ, đầm lầy nay đã hoàn toàn biến mất. Khu chùa Bộc cho đến Thái Hà, kể cả một số khu nhà Kim Liên trước đây là những ao, hồ, đầm lớn nhỏ, nhưng nay đều đã trở thành khu chung cư, nhà tập thể. Khu Giảng Võ xưa kia cũng rất nhiều ao, đầm lớn nhỏ rải rác đến khu Hào Nam và đê La Thành nhưng bây giờ cũng chỉ còn lại duy nhất hồ Giảng Võ.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng các ao, hồ đang ngày càng bị thu hẹp là do một số người dân vì quyền lợi của riêng mình đã lấn chiếm, xây cất; cộng thêm việc xử lý không nghiêm minh của các cơ quan chức năng và tốc độ đô thị hóa ngày càng cao nên một số địa phương ở các huyện ngoại thành còn có chủ trương san lấp ao hồ làm quĩ đất. Theo khảo sát của Trung tâm nghiên cứu và cộng đồng môi trường (CECR), trong số hồ, ao còn lại trong 6 quận ở Hà Nội thì có 26% số ao hồ chưa được kè bờ, số hồ ao được kè một phần chiếm 8%. Có một thực trạng chưa được giải quyết là các hồ chưa được xây kè nằm trong khu vực dân cư vẫn đang bị lấn chiếm, đổ đất, phế thải xây dựng; đồng thời rác thải vẫn xả trực tiếp làm hồ bị bồi lắng, lượng bùn tích lũy ở đáy hồ lớn gây ô nhiễm và giảm diện tích và dung lượng nước hồ. Tại những hồ này, 80% bờ hồ bị ô nhiễm, không những thế còn xuất hiện nhiều bãi đỗ xe, bãi tập kết phế liệu, rác thải sinh hoạt. Gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường ngày càng nặng, ảnh hưởng xấu tới chất lượng cuộc sống và sinh hoạt cộng đồng.

Để khắc phục tình trạng lấn chiếm và ô nhiễm hồ, UBND TP Hà Nội đã có đề án "Cải tạo môi trường các hồ nội thành Hà Nội", tiến hành nạo vét, kè bờ, xây hành lang xung quanh hồ. Các kết quả thử nghiệm ban đầu cho thấy về cơ bản công nghệ áp dụng thử nghiệm tại các hồ là tương đối phù hợp với điều kiện của từng hồ. Quá trình làm sạch các hồ đã có kết quả khả quan, nước hồ trong hơn và giảm mùi hôi, chất lượng nước được cải thiện với các mức độ khác nhau và đang tiếp tục được duy trì. Một số hồ được tiến hành cải tạo đã có những kết quả khá tốt như hồ Ngọc Khánh, hồ Quỳnh, hồ Kim Liên, Thanh Nhàn…

Đồng thời với việc xử lý ô nhiễm nước hồ, công tác cải tạo kè hồ và nạo vét, cải tạo cảnh quan xung quanh hồ cũng được UBND thành phố chỉ đạo thực hiện, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia công tác cải tạo các hồ trên địa bàn thành phố theo đề án trên. Ngay sau khi phát động đã có hàng chục doanh nghiệp đăng ký tham gia với kinh phí lên đến gần 400 tỉ đồng. Việc cải tạo hồ đem lại cảnh quan đẹp, cải thiện vệ sinh môi trường, được đông đảo nhân dân cũng như các doanh nghiệp đồng tình ủng hộ.

Thu Trang

Bài 2: Hơn 70% hồ bị ô nhiễm

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN