Những tưởng thú chơi đồ cổ chỉ dành cho các bậc đại gia và nó thường xuất hiện ở những nơi sang trọng, quý phái. Thế nhưng, ai đã đến thăm thành phố Huế, đi dọc theo đường Trần Hưng Đạo sẽ không khỏi ngạc nhiên khi bắt gặp những điểm bán “la liệt” đồ cổ vỉa hè, nó như một nét đặc trưng giới thiệu sản phẩm cổ xưa nhất của vùng đất Cố đô.
Nhiều khách du lịch, đặc biệt là khách du dịch nước ngoài mỗi khi đến đây rất tò mò, thích thú ngắm nhìn những loại đồ cổ được bày bán nơi đây bởi sự phong phú, đa dạng và giá trị của các mặt hàng, từ những đồ cổ thứ thiệt, đồ cũ hay đồ giả cổ như: Ly, thìa, lược, mũ, ba lô, huân chương… đến các vật có giá trị như đồ gốm, tiền đồng đời Chăm, Lý, Trần, Lê, Nguyễn… đều có cả, giá cả của các đồ cổ này cũng rất “vỉa hè”, khoảng từ vài ba chục ngàn đến vài trăm ngàn đồng.
Một góc nhỏ của tiệm đồ cổ vỉa hè. |
Các cửa hàng đồ cổ được sắp đặt một cách khiêm tốn, chiếm không gian rất nhỏ nhưng lại có sức thu hút đến kỳ lạ, có một nét gì đó rất Huế. Những người buôn bán đồ cổ ở đây cho biết, đa số các vật dụng này do họ mua lại của những người dân vạn đò trục vớt được trên sông Hương, ban đầu những người dân vạn đò không biết giá trị của những thứ đồ này nên những thứ họ vớt lên thấy đẹp hoặc còn dùng được thì đem về để trong nhà, còn không thì lại vứt xuống sông, về sau những người bán đồ cổ ở đây biết được, thế là tìm tới mua và đặt hàng mỗi khi ai vớt được các món đồ. Dần dà, một số người xem đây là cái nghề kiếm kế sinh nhai của mình và chuyên đi trục vớt đồ cổ. Từ đó, vô tình những báu vật của vùng đất Cố đô đã được những người lao động bình thường đánh thức làm sống dậy cả một nét văn hóa của bao thế hệ trước.
Đôi lọ bằng gốm được bày bán trong tiệm đồ cổ vỉa hè |
Chủ cửa hàng ở đây vốn là những người cũng có ít nhiều kiến thức về đồ cổ. Những đồ có giá trị thì họ bán lại cho các tay chơi chuyên nghiệp, còn phần lớn thì bày bán ở vỉa hè này. Nghề buôn bán đồ cổ dọc vỉa hè thu nhập thất thường, ngày khấm khá thì thu được khoảng 3 đến 4 triệu đồng, nhưng có khi cả ngày chẳng bán được đồng nào, khách qua đường chỉ dừng lại ngắm chơi. Anh Nguyễn Tuấn Sử (chủ một tiệm đồ cổ vỉa hè ở đây) cho biết: “Chúng tôi đến đây buôn bán, dù cho khách có mua hay không cũng không sao, chỉ cần họ quan tâm đến đồ cổ và muốn tìm hiểu về các loại đồ cổ thì chúng tôi cũng sẵn sàng nói chuyện, giải thích với họ. Thế cũng vui rồi”. Đó là tâm lý chung của những người bán đồ cổ nơi đây, với khách trong nước thì họ rất thích được trao đổi, bàn bạc về những giá trị văn hóa tưởng chừng đã bị ngủ quên, còn với khách quốc tế thì họ giới thiệu về bản sắc văn hóa của dân tộc qua từng thứ đồ, như vậy du khách sẽ biết nhiều hơn về Việt Nam, đặc biệt là về Huế.
Tuy nhiên, việc buôn bán tự phát của các tiệm đồ cổ vỉa hè vẫn đang còn tồn tại một thực trạng đáng xem xét. Đó là việc trục vớt đồ cổ thường do các ngư dân địa phương thực hiện nên đa số đều không hiểu hết giá trị của đồ cổ, công tác thực hiện chủ yếu là thủ công, nên nhiều vật khi được vớt lên đều bị hư hỏng nặng. Ngoài ra, việc những tiệm bán đồ cổ tự phát lại nằm ngay trên trục đường sầm uất, có nhiều người qua lại, ảnh hưởng đến giao thông của người dân.
Trước đây việc bán đồ cổ vỉa hè bị cấm, người bán dọc vỉa hè Trần Hưng Đạo luôn phải “chạy” khi đội quản lý trật tự đến kiểm tra. Nhưng kể từ năm 2009, Lễ hội Làng nghề truyền thống Huế được khôi phục và phát triển, phố đồ cổ vỉa hè được xem như một nơi để giới thiệu, quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Thiết nghĩ, chính quyền cần có những biện pháp tích cực hơn nữa trong việc buôn bán và bảo tồn đồ cổ nơi đây để vừa giữ được cảnh quan đô thị, lại vừa góp phần bảo tồn được nét văn hóa riêng của Cố đô Huế.
Nguyễn Tiến Nhất