Những người giữ chủ quyền Tổ quốc trên biển - Kỳ 5: Cuộc chiến dưới lòng đại dương

Sau khi các nhà giàn thế hệ đầu tiên được xây dựng trên thềm lục địa, nhất là sau sự cố nhà giàn Phúc Tần đổ tháng 12 năm 1990 trong bão tố, việc thiết kế và xây dựng nhà giàn được xem xét lại về góc độ kỹ thuật, sức chịu đựng khi bão to, gió lớn, độ an toàn cho lực lượng chốt giữ mùa mưa bão. Để tìm hiểu qui luật dòng chảy trong lòng đại dương, làm cơ sở cho đóng các nhà giàn thế hệ mới, những người lính Đoàn 5 Bộ Tư lệnh Đặc công bước vào cuộc chiến đấu mới - cuộc chiến dưới lòng đại dương.

Nguy hiểm từ cá mập

Ông Nguyễn Đăng Khải nguyên là trung tá Đoàn Đặc công 5 bồi hồi kể cho chúng tôi nghe câu chuyện thoát khỏi hàm răng cá mập cách đây 19 năm về trước. Chấp hành mệnh lệnh của đơn vị, tháng 4 năm 1992, ông chỉ huy 53 cán bộ chiến sĩ hải trình trên tàu chuyên dụng vượt sóng đến bãi cạn Tư Chính để đo độ sâu, khảo sát qui luật dòng chảy tầng sâu của đại dương, lấy số liệu chính xác cho việc nghiên cứu, thiết kế xây dựng nhà giàn DK1 thế hệ mới và phục vụ các công trình nghiên cứu biển.

Trong khi các thợ lặn khảo sát dưới đáy biển, tàu trực luôn theo dõi và sẵn sàng cứu hộ khẩn cấp. Ảnh: Mai Thắng


Sau hơn 3 ngày đêm hải trình, tàu đến khu vực nhà giàn Tư Chính. Công cụ đo dòng chảy và độ sâu của cán bộ chiến sĩ lúc ấy là chiếc máy Thomson đời cũ. Họ bắt đầu khám phá đại dương bằng những lần lặn sâu xuống đáy biển. Sau khi làm công tác chuẩn bị cẩn thận, khởi động, mặc áo lặn, đeo bình ô xy, ông Khải cùng 3 chiến sĩ nhảy xuống biển bắt đầu cuộc khảo sát. Trong lúc ông và đồng đội đang mải mê với công việc, bỗng từ phía sau, một con cá mập mình hoa rêu xanh lừ lừ tiến tới. Ông ra hiệu cho các chiến sĩ chuẩn bị túi mực và nép sâu vào khe đá. Con cá mập tiến đến một gần, nguy hiểm quá, ông Khải ra hiệu mở túi mực, tung về phía trước. Khoảng nước biển rộng trong vắt bỗng tối đen như mực. Sau 3 phút định thần, ông Khải và 3 chiến sĩ nhanh chóng ngoi lên mặt biển, thoát khỏi cá mập, lên tàu an toàn. Ông Khải nhớ lại: “Việc gặp cá mập trong lúc khảo sát là thường. Theo kinh nghiệm, nếu bị cá mập tấn công, thì nhanh chóng tung túi mực và ngoi lên mặt nước ngay. Tác dụng của túi mực lan tỏa rất nhanh trong nước. Màu đen của mực, sẽ làm mắt chúng mù tạm thời và tê liệt thần kinh khứu giác, mất khả năng nhận biết xung quanh, thời gian chừng 20 phút, đủ để mình bơi lên mặt nước an toàn. Gặp cá mập riết cũng quen, nhưng phải có kinh nghiệm linh hoạt mới thoát được. Dưới lòng biển không chỉ có những sinh vật rất kỳ lạ, mà còn có những dãy vách đá dựng đứng, những khe đá sâu thẳm đan xếp nhau như những mái nhà nhọn hoắt. Để luồn sâu vào được những khe đá, đo những số liệu chính xác về dòng chảy, lấy được những mẩu san hô ở độ sâu 40 đến 60 m, chúng tôi đối diện với những khó khăn, nguy hiểm. Ở dưới đáy biển, chỉ cần sơ suất nhỏ như đứt dây dẫn khí, chuột rút, hoặc tăng áp lực đột ngột là nguy hiểm đến tính mạng. Tuy công việc này cực kỳ khó khăn gian khổ, chúng tôi luôn lấy đó là niềm tự hào, vì không phải ai cũng làm được công việc này. Công tác chuẩn bị cho một lần thám hiểm là rất quan trọng. Trước khi lặn sâu phải nằm úp mặt xuống nước để điều chỉnh áp lực”.

Vui buồn với biển

Những chiến sĩ làm công việc nguy hiểm và đặc biệt này chủ yếu là lính trẻ, có sức khỏe đặc biệt và rèn luyện kỹ càng về phẩm chất đạo đức. Điều dễ dàng nhận thấy là chiến sĩ nào cũng chắc nịch như ngư dân. Do thường xuyên ngâm trong nước biển mặn, nên tóc ai cũng đỏ quạch và xơ cứng như rễ tre. Chiến sĩ Đồng Văn Hạnh, quê ở Phan Rang (Ninh Thuận) cho biết: “Tóc đỏ là do nhiều lần luyện tập và lặn sâu xuống lòng biển. Việc gội đầu cũng rất hạn chế dùng mỹ phẩm. Vì tàu đi làm nhiệm vụ khảo sát thời gian hơn hai tháng lênh đênh trên biển, nên nước ngọt phải tiết kiệm thật chi li mới có thể đủ cho đánh răng rửa mặt, nhiều khi rửa mặt thì thôi đánh răng”.

Máy đo độ sâu và dòng chảy. Ảnh: Tư liệu


Khi hỏi về cường độ làm việc, ông Bùi Đình Ninh, nguyên là đoàn phó quân sự Đoàn 5 cho biết: “Việc nghiên cứu qui luật dòng chảy và các loại sinh vật biển, địa lý quân sự dưới đáy biển rất phức tạp. Các chiến sĩ phải liên tục bơi dưới sức ép của nước. Để có những thước phim quay được từ lòng biển, số liệu chính xác lên xuống của thủy triều, đòi hỏi mỗi cán bộ chiến sĩ phải có kỹ năng nghiệp vụ, sức khỏe tốt cùng với tâm huyết nghề nghiệp. Tất cả các số liệu đều ảnh hưởng rất lớn đến công tác nghiên cứu xây dựng những công trình trên biển. Hằng năm, chúng tôi đều nghiên cứu hầu hết các bãi cạn thềm lục địa”. Liệu có những điều bất thường xảy ra khi lặn sâu? “Nhiều là đằng khác. Nếu trước khi lặn không chuẩn bị kỹ càng như tăng áp, sau khi lặn không giảm áp sẽ bị ngất ngay, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng nếu bị đứt dây dẫn khí. Dưới lòng biển là cả một hệ thống vách núi nhọn, chỉ sơ ý dây dẫn khí quấn hoặc bị đá cứa đứt là thợ lặn có thể ngưng thở ngay. Bởi thế, dây dẫn khí được quấn một lớp vải bền bên ngoài. Thợ lặn đến đâu, chúng tôi theo dõi bằng camera đến đó. Trước kia chưa có camera gặp rất nhiều khó khăn trong ghi lại hình ảnh, dòng chảy từ lòng biển”.

Do tính chất công việc, nên cán bộ chiến sĩ ở đoàn đặc công 5 lấy vợ muộn. Có người năm nay đã 40 tuổi mà vẫn “phòng không”. Vậy mà khi nhắc đến chuyện vợ con, Dương Văn Tiến (bí thư chi đoàn của tàu) gãi tai: “Mình vẫn chưa tìm được. Chẳng biết có ai thông cảm với người lính đặc công chúng tôi nay đây mai đó không. Chúng tôi là những người sống với biển, vui buồn với biển”.

Mai Thắng

Kỳ 6: Người 20 năm ở nhà giàn

Những người giữ chủ quyền Tổ quốc trên biển - Kỳ 4: Nhà giàn đầu tiên
Những người giữ chủ quyền Tổ quốc trên biển - Kỳ 4: Nhà giàn đầu tiên

Sau hơn 6 tháng khảo sát, canh gác, bảo vệ, xây dựng, ngày 10/6/1989, nhà giàn DK1 mang tên Phúc Tần được hoàn thành, nổi lên giữa Biển Đông. Đây là nhà giàn thế hệ đầu tiên do Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Tư lệnh Công binh xây dựng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN