Những người giữ chủ quyền Tổ quốc trên biển - Kỳ 4: Nhà giàn đầu tiên

Sau hơn 6 tháng khảo sát, canh gác, bảo vệ, xây dựng, ngày 10/6/1989, nhà giàn DK1 mang tên Phúc Tần được hoàn thành, nổi lên giữa Biển Đông. Đây là nhà giàn thế hệ đầu tiên do Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Tư lệnh Công binh xây dựng. Kiểu nhà này có kết cấu thô sơ dạng boong tong đánh chìm, được định vị bởi các dây xích kết nối với cọc bích cắm sâu vào đáy san hô.


Đại dương khó lường

Cựu binh, Đại tá Phạm Xuân Hoa, nguyên Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 171 Hải quân, người bám sát thi công nhà giàn Phúc Tần năm 1989. ảnh do ông Hoa cung cấp

Trung tá Nguyễn Tiến Cường nguyên là thuyền trưởng tàu HQ - 668 chứng kiến việc xây dựng nhà giàn thế hệ đầu tiên kể lại: Sau khi có quyết định của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ Giao thông Vận tải, phối hợp với Bộ Tư lệnh Công binh cùng Quân chủng Hải quân, đã có kế hoạch khẩn trương việc xây dựng nhà giàn.

Biên đội tàu HQ - 668 của Lữ đoàn 171, HQ - 711 của Hải đoàn 129 phối hợp với tàu kéo chuyên dụng của Bộ Giao thông Vận tải, đầu tháng 5/1989 chở khung nhà giàn cùng vật liệu sắt thép vượt sóng ra bãi cạn Phúc Tần. Giữa biển khơi bao la, giữa cái nắng cháy da cháy thịt, những người thợ đóng giàn ngành dầu khí cùng các chiến sĩ công binh chạy đua với thời gian, chia ca làm việc 24/24 giờ, không kể đêm ngày. Ngày ấy phương tiện thông tin thời tiết chủ yếu là nghe đài tiếng nói Việt Nam qua chiếc đài bán dẫn nhỏ xíu. Nhiều khi đài báo sóng yên biển lặng, nhưng buổi chiều dông gió bất ngờ ập tới. Công việc đành dừng lại chờ sóng lặng hơn. Cũng có khi, hàng chục công nhân đang lặn dưới độ sâu hơn 20 m, gặp dòng chảy mạnh, anh em phải bám chặt vào xích neo của tàu để không bị sóng cuốn đi.

Ông Trần Xuân Vọng, nguyên là Đoàn trưởng Đoàn 129 hải quân nhớ lại: “Có bữa, trời đang trong xanh ngăn ngắt, chỉ vài phút sau là sấm chớp ầm ầm, sóng đang lặng lẽ bỗng lừng lững như quả núi. Mặc cho sóng gió, anh em chúng tôi vẫn quyết tâm làm. Có lần, một thợ lặn đang định vị dây xích dưới đáy biển, thì dây dẫn khí bị đứt. Tình huống cực kỳ nguy cấp, nếu chỉ chậm vài phút sẽ ảnh hưởng đến tính mạng. Trong tình huống ấy, chúng tôi đã khẩn cấp đưa thợ lặn khác xuống cấp cứu, cho vào buồng giảm áp lực, người thợ lặn bị đứt dây dẫn khí được cứu sống. Nói chung, công việc đóng nhà giàn vô cùng gian khổ, sóng gió đại dương khó lường, chỉ cần sơ sẩy là nguy hiểm đến tính mạng”.

Hồn Tổ quốc giữa trùng khơi

Công việc đầu tiên là dọn bãi đặt chân đế boong tong. Những người thợ lặn đeo bình ô xi, mặc áo nhái lặn sâu xuống đáy biển, dùng vật dụng chuyên dùng san phẳng bãi san hô, rồi khoét sâu một lỗ rộng chừng 60 m để đặt khối boong tong vào đó. Khối boong tong kết cấu bằng thép bán kính chừng 16 m, bơm đầy xi măng vào trong, đánh chìm xuống đáy. Những người thợ lặn vừa phải chống chọi với dòng chảy, vừa “lái” khối boong tong vào đúng lỗ đã được đào sẵn. Kết nối giữa khối boong tong và 4 cọc bích cắm sâu vào san hô là 4 sợi dây xích siêu bền chịu được sóng to, dòng chảy mạnh.

Nhà giàn DK1 thế hệ mới, thế hệ đầu tiên được xây dựng. Ảnh: Tư liệu


Công đoạn thứ 2 là kết nối boong tong và khối thượng tầng. Những người lính công binh lại ngụp lặn trong lòng biển để làm những công việc “độc nhất vô nhị” này. Biết bao hiểm nguy rình rập và họ có thể hi sinh bất cứ lúc nào khi sự cố xảy ra. Sau hơn một tháng chạy đua với sóng gió, ngày 10/6/1989, nhà giàn đầu tiên với tên gọi Phúc Tần hiển hiện giữa Thềm lục địa phía Nam Tổ quốc. Toàn bộ cán bộ chiến sĩ công binh và những người thợ lặn nhìn nhà giàn mà trào nước mắt, những giọt nước mắt sung sướng và tự hào khôn xiết.

Thế hệ nhà giàn DK1 đầu tiên tuy còn hạn chế nhiều mặt, chưa tính kỹ đến mức độ dâng trào của triều cường, bão dông, nên khi có sóng gió cấp 7, cấp 8 là một phần khối thượng tầng của nhà giàn đã ngập chìm trong nước, khối boong tong cố định với dây xích dưới đáy biển cũng xê dịch, di chuyển theo chiều sóng; nhưng đã mở đầu cho những công trình mang tên nhà giàn DK1 tiếp nối được nghiên cứu xây dựng thế hệ mới sau này. Đại tá Phạm Xuân Hoa, nguyên là Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 171 - người vượt biển trên con tàu HQ - 668 cùng các chiến sĩ công binh xây dựng nhà giàn Phúc Tần cho biết: “Nhà giàn Phúc Tần xây dựng ngày ấy như một cuộc thử nghiệm. Tuy so với thế hệ nhà giàn sau này có phần hạn chế về tính năng, tác dụng và kỹ chiến thuật, nhưng đó là cơ sở để thiết kế xây dựng các nhà giàn sau này hiện đại hơn. Nhà giàn ấy là Tổ quốc của lính DK1 từ lòng biển”.

Nhà giàn DK1 thế hệ thứ hai. ảnh: MT


Tiếp theo nhà giàn Phúc Tần, ngày 3/7/1989 nhà giàn Tư Chính (1A) được xây dựng, sau đó là nhà giàn Ba Kè (6A). Từ tháng 6/1989 đến đầu năm 1995, ta đã xây dựng được những nhà giàn ở các Cụm Phúc Tần, Ba Kè, Huyền Trân, Quế Đường, Tư chính, Phúc Nguyên trên thềm lục địa Bà Rịa - Vũng Tàu và Nhà giàn DK1/10 ở bãi cạn Cà Mau tỉnh Minh Hải (nay là tỉnh Cà Mau).

Nhớ lại ký ức những ngày đầu gian khó ấy, Trung tá Nguyễn Tiến Cường chia sẻ: “Ngày ấy đi biển háo hức lắm. Cứ nghĩ đi ra tuyến đầu Tổ quốc là tim rạo rực. Cuộc đời lính biển vinh quang nhất là được vẫy vùng trên biển, được canh giữ chủ quyền Tổ quốc mình. Mỗi sáng bình minh, đứng trên mạn tàu nhìn về Nhà giàn DK1 tôi lại thấy nơi ấy có linh hồn Tổ quốc mình giữa ngàn khơi”.

Mai Thắng

Kỳ 5: Cuộc chiến dưới lòng đại dương

Những người giữ chủ quyền Tổ quốc trên biển-Kỳ 3: Khảo sát đại dương
Những người giữ chủ quyền Tổ quốc trên biển-Kỳ 3: Khảo sát đại dương

Chấp hành mệnh lệnh của Đảng ủy Lữ đoàn 171 Hải quân, con tàu mang phiên hiệu HQ-668 của Hải đội 811 Lữ đoàn 171 chở 15 cán bộ chiến sĩ vượt sóng trùng khơi, đánh dấu tọa độ, đo độ sâu, khảo sát các bãi san hô ngầm xúc tiến cho việc đóng Nhà giàn DK1 đầu tiên ở bãi cạn Phúc Tần.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN