Mường Nhé ký sự: Rừng và người

Mường Nhé là một huyện biên giới có tổng diện tích tự nhiên gần 250 ngàn ha, là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc Thái, Mông, Hà Nhì, Khơ mú, Cống, Kháng, Dao, Kinh… cư trú trong 16 xã. Mường Nhé cũng là nơi có khu bảo tồn thiên nhiên lên đến 45,5 ngàn ha, trong đó gần 28 ngàn ha đất có rừng trải dọc biên giới Việt – Lào trên địa phận của 5 xã Sin Thầu, Chung Chải, Leng Su Sin, Mường Nhé, Nậm Kè. Đây được xem là khu bảo tồn thiên nhiên có nhiều loại động thực vật quí hiếm có tên trong sách đỏ, đồng thời cũng là khu vực rừng đầu nguồn sông Đà phía Việt Nam.

Những cánh rừng bị đốt tại huyện Mường Nhé (ảnh chụp ngày 10/5/2011). Ảnh: Trọng Đức-TTXVN


Bằng trực quan của mình, chúng tôi thấy suốt từ Mường Chà lên đến biên giới A Pa Chải thuộc xã Sán Thầu, dài hơn 100 km là đường rừng theo đúng nghĩa. Đường vắt qua đèo cao, cheo leo bên vực sâu, trong tiếng vi vu của đại ngàn. Hai bên đường hiện ra những cánh rừng hùng vĩ. Mường Nhé vượt trội hơn các huyện miền núi khác của Tây Bắc về tài nguyên rừng. Những loại gỗ quí như pơmu, thông tre, giổi thơm, lát hoa… là xuất xứ từ những cánh rừng này; trong rừng còn có đến 55 loài động vật, trong đó còn cả bò tót, hổ, gấu, báo, vượn đen…

Nhưng vì sự giàu có này mà rừng bảo tồn Mường Nhé đang đứng trước nguy cơ từ rừng giàu biến thành rừng nghèo, thậm chí bị mất trắng vì dân di cư tự do (DCTD). Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé Trần Anh Tuấn trong cuộc trao đổi với chúng tôi đã bày tỏ rõ những mối lo ngại về vấn đề này; rằng trong tổng số hơn 55 ngàn dân của huyện thì số dân DCTD đến Mường Nhé chiếm hơn 50%, chủ yếu là người Mông từ các tỉnh bạn đến.

Để có một cái nhìn khái quát về vấn đề DCTD chúng tôi đã trao đổi với nhiều cơ quan có trách nhiệm của tỉnh Điện Biên và huyện Mường Nhé, gặp gỡ những cán bộ trực tiếp xử lý vấn đề hàng ngày, tham khảo ý kiến của các nhà quản lý và cả người dân.

Có thể lấy mốc thời gian là năm 1998, năm mà dân DCTD bắt đầu tập trung vào huyện Mường Nhé. Từ 1998 đến nay có thể chia làm 3 giai đoạn với những diễn biến khác nhau. Giai đoạn 1998-2002 có gần 25 ngàn người di cư đến Mường Nhé tìm những địa điểm đất đai màu mỡ, có nguồn nước để khai hoang sản xuất. Thời kỳ này những hộ dân DCTD đến là tìm nơi sinh sống tốt hơn nơi ở cũ, chưa có ảnh hưởng nhiều đến rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Đa số dân di cư giai đoạn này đã ổn định cuộc sống, có hộ khẩu thường trú, được thụ hưởng đầy đủ các chính sách của Nhà nước theo các chương trình, dự án cụ thể.

 

Những cánh rừng đang bị đốt tại huyện Mường Nhé.(ảnh chụp ngày 10/5/2011). Ảnh: Trọng Đức-TTXVN

Giai đoạn 2003-2007 dân DCTD vào Mường Nhé với gần 7.200 người, họ chọn nơi xa dân cư nhưng thuận lợi về nguồn nước để phá rừng làm nương. Như vậy có thể nói, từ những năm này rừng không còn là cái nôi che chở cho đất, cho người nữa mà đã trở thành “đối tượng” để những người DCTD khai thác, tàn phá. Giai đoạn từ 2007 đến nay có 8.674 người DCTD với thành phần rất phức tạp. Đa số các hộ gia đình này di cư vào vùng sâu vùng xa, vùng biên giới thuộc 14/16 xã của huyên Mường Nhé. Những hộ dân này di cư trái phép vào khu rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, phá rừng làm nương gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, dẫn đến nguy cơ phá vỡ qui hoạch rừng phòng hộ, đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên. Đáng lưu ý là tại các điểm DCTD thường bị các đối tượng lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng truyền đạo trái pháp luật và dụ dỗ đồng bào gây rối trật tự, lôi kéo người vượt biên trái phép.

Có thể nói diễn trình dân DCTD đến Mường Nhé là một diễn trình từ bình thường tới không bình thường. Bình thường khi rừng còn đất thì người dân đến khai hoang lập nghiệp mưu sinh. Nhưng sẽ là bất bình thường khi rừng đã qui hoạch, không còn đất hoang, dân DCTD đến chiếm đất, phá rừng trái pháp luật, gây mâu thuẫn nghiêm trọng với dân địa phương.

Chúng ta có thể đặt câu hỏi: Dân DCTD vẫn tiếp tục vào Mường Nhé có phải do sức hút từ sự giàu có của rừng không?.

Gần đây nhất là hai ngày 9 và 10/4 năm nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện hai xe khách chở 5 hộ dân tộc Mông với 29 nhân khẩu từ Đắk Lắk ra định cư tại xã Na Cô Sa. Theo các cán bộ địa phương, xã Na Cô Sa không còn quĩ đất nên nếu để những hộ dân này vào ở có thể họ sẽ phá rừng và tranh chấp đất đai với dân sở tại, nên chính quyền địa phương kiên trì thuyết phục họ quay về. Xã Leng Su Sìn cũng là một điểm nóng của vấn đề DCTD.

Có một câu chuyện nữa liên quan đến vấn đề DCTD cũng rất đáng suy nghĩ. Trong buổi làm việc với ông Nguyễn Huy Lý, Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Điện Biên, ông cho biết dự án trồng cao su tại Điện Biên phát triển rất tốt. Tuy nhiên, tại xã Mường Nhé có 88 ha cao su giao cho công nhân người Mông, thực tế là các hộ dân DCTD để chăm sóc. Nhưng khi cán bộ kỹ thuật đến thì những công nhân này không cho vào. Kết quả là cao su chăm sóc không đúng qui trình sẽ bị chết, người dân lấy đất làm nương. Liên quan đến dự án trồng cao su, một sĩ quan biên phòng cho biết: Nhiều người là dân DCTD được nhận vào làm cao su tranh thủ đưa cả gia đình, anh em, con cháu ở nơi khác đến phá rừng, mang súng vào rừng bảo tồn, thậm chí còn vượt biên, khi bị phát hiện thì họ nói là công nhân cao su?!.

Rõ ràng là dân DCTD không thể sống nhờ rừng một khi rừng đang nghèo đi và đang co lại, đất rừng cũng không còn; và rừng cũng không thể yên khi dân chỉ còn biết dựa vào rừng. Nghịch lý giữa rừng và người là xuất phát từ cuộc sống. Nhưng cuộc sống của đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đã được thụ hưởng nhiều chính sách thông qua các dự án của Chính phủ. Qua các dự án đó, dù chưa thể hết nghèo ngày một ngày hai, nhưng người dân sẽ có cuộc sống ổn định, có nhà ở, có đường đi, con cái được đến trường, ốm đau được chữa bệnh. Cuộc sống đó tốt hơn cuộc sống DCTD đến nơi chưa được đầu tư về cơ sơ hạ tầng, chưa có cả đơn vị hành chính. Dù khó khăn là vậy nhưng dân DCTD vẫn tiếp tục nhắm về Mường Nhé, khi cán bộ địa phương đến vận động họ quay về quê cũ thì họ đưa ra cái lý rằng: “Tên bắn đi không quay lại” để tiếp tục ở lại phá rừng và tranh giành đất đai với dân địa phương, tạo ra các mâu thuẫn; và không ít trường hợp bị kẻ xấu lợi dụng mâu thuẫn này để tạo thành “điểm nóng” về tranh chấp đất đai, gây mất trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Rừng Mường Nhé vẫn đang bị tàn phá theo nhiều hình thức khác nhau; hoặc là phá trắng, hoặc là biến rừng giàu thành rừng nghèo. Trên nhiều chặng đường của Mường Nhé chúng tôi vẫn bắt gặp những khoảnh rừng thưa bị đốt làm nương rẫy. Điều đặc biệt quan ngại là Quyết định 337/QĐ – UBND ngày 17/3/2009 của tỉnh Điện Biên về việc trưng dụng đất làm đường vận chuyển mốc lên biên giới Việt - Lào theo đó sẽ mở đường bằng cơ giới qua vùng lõi của khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé khoảng 100 km. Nhiều ý kiến cho rằng, con đường này nếu được triển khai sẽ không chỉ ảnh hưởng đến sự tồn tại các loài động thực vật đang sinh sống, mà còn tạo điều kiện cho lâm tặc và dân DCTD phá trắng rừng.

Có một hình ảnh gây ấn tượng sâu sắc với chúng tôi khi đến Mường Nhé đó là hàng rào chắn hổ ở đồn biên phòng Leng Su Sìn và suối voi ngay gần đó. Các chiến sĩ biên phòng cho biết cách nay vài năm, khi chưa có con đường vành đai biên giới từ trung tâm huyện Mường Nhé lên A Pa Chải thì đêm hổ thường về bản bắt lợn của dân, thi thoảng chúng cũng “ghé thăm” đồn. Vì vậy, đồn phải làm hàng rào chắn hổ. Còn suối voi là nơi voi hay về đây tắm. Nhưng từ khi dân DCTD đến, rừng bị phá thì voi và hổ chỉ còn lại trong câu chuyện kể; và hàng rào chắn hổ ở đồn biên phòng Leng Su Sìn còn lại như chứng tích của một thời giàu có của rừng….

Quang Vinh - Quang Vũ

Bài cuối: Nguồn lực của tương lai

 

Mường Nhé ký sự: Tôi bị lừa
Mường Nhé ký sự: Tôi bị lừa

Không chỉ có những người Mông từ nhiều nơi đến tụ tập tại bản Huổi Khon sau khi được chính quyền, đoàn thể vận động, giải thích đã nhận ra cái sai của mình do bị kẻ xấu lôi kéo, kích động mà ngay đến cả những đối tượng trực tiếp tham gia cũng chợt bừng tỉnh, thảng thốt nhận ra, mình đã bị lừa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN