Những ngày cuối năm, tin vui đến với ngành xuất khẩu khi lần đầu tiên Việt Nam vượt mặt “đối thủ” Thái Lan để trở thành nhà xuất khẩu (XK) gạo lớn nhất thế giới.
Đặt mốc hơn 7,5 triệu tấn
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), sau 10 tháng năm 2012, các doanh nghiệp đã XK hơn 6,5 triệu tấn gạo, tăng gần 6,5% so với cùng kỳ năm 2011. Những tháng qua, nhờ giá XK gạo có xu hướng tăng đã góp phần nâng giá trị các đơn hàng XK lên cao. Chẳng hạn, giá gạo XK giao trong tháng 10/2012 là 445 USD/tấn, tăng khoảng 13% so với cách đó 3 tháng. Nhờ tình hình XK gạo cải thiện, giá lúa khô tại kho loại thường đang tăng lên, dao động ở mức từ 5.900 - 6.100 đồng/kg, giá lúa dài khoảng 6.100 - 6.300 đồng/kg; tương tự, các loại gạo thành phẩm 5% tấm, 15% tấm... cũng tăng thêm từ 50 - 80 đồng/kg.
Việt Nam lần đầu tiên chiếm ngôi đầu bảng về xuất khẩu gạo. |
“Tính tới thời điểm hiện nay, XK gạo đã đạt giá trị hơn 2,9 tỷ USD. Kế hoạch của chúng tôi, nếu tình hình thuận lợi kéo dài trong các tháng cuối năm, kết thúc năm 2012, các doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh lượng gạo XK, phấn đấu đạt kế hoạch từ 7,5 - 7,7 triệu tấn gạo, đạt mức cao nhất từ trước đến nay, góp phần củng cố ngôi vị đầu bảng. Căn cứ vào lượng hợp đồng đã ký và khả năng giao hàng từ nay đến cuối năm, chúng tôi tin sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra” - ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA lạc quan.
Bắt đầu từ tháng 10, Việt Nam lần đầu tiên vươn lên vị trí số một thế giới về XK gạo, tiếp theo là Ấn Độ và Thái Lan... Thị trường chủ lực của Việt Nam vẫn là các nước châu Á với tỷ lệ chiếm hơn 67%, tiếp đến là châu Phi khoảng 25%... Theo các chuyên gia kinh tế, Trung Quốc vẫn là nhà nhập khẩu quan trọng và sự ảnh hưởng của quốc gia này đối với tình hình XK gạo của Việt Nam ngày càng lớn. Riêng những thị trường chủ lực khác như: Inđônêxia, Philíppin, Malaixia... vẫn duy trì mức nhập khẩu gạo ổn định và lượng hợp đồng đăng ký mua tiếp tục tăng so với các tháng trước. Hiện không ít doanh nghiệp đang “vắt chân lên cổ” chạy nước rút cho khoảng hơn 1 triệu tấn gạo XK mà các đối tác đang cần trong hơn 1 tháng cuối năm.
Cạnh tranh vẫn khó khăn
Theo thống kê của ngành nông nghiệp, hiện khoảng 70% lượng gạo XK của Việt Nam là gạo phẩm cấp thấp và gạo 5% tấm vẫn chưa được XK nhiều. Trong phân khúc gạo phẩm cấp thấp vốn là thế mạnh của doanh nghiệp trong nước, từ 1 - 2 năm nay đã có sự cạnh tranh gay gắt của Ấn Độ, Mianma và không ít thị trường truyền thống đã rơi vào tay doanh nghiệp hai quốc gia này. “Thực tế năm nay chúng ta XK đạt con số cao kỷ lục, nhưng xét về mặt giá trị có thể không bằng so với năm vừa qua. Nguyên nhân chính vì giá XK giảm và gạo phẩm cấp thấp của ta đang rất khó khăn cạnh tranh về giá với các đối thủ” - ông Lê Minh Trượng, TGĐ Công ty Sông Hậu cho hay.
Tại cuộc họp sơ kết XK gạo tháng 10, tình hình thị trường và kế hoạch XK gạo tháng 11 do VFA tổ chức mới đây ở TP Hồ Chí Minh, nhiều đại biểu cho rằng, trong thời gian tới dự báo nhu cầu XK sẽ bão hòa hoặc sụt giảm do nhiều nước sản xuất lớn như: Thái Lan, Ấn Độ... bước vào vụ thu hoạch mới. Song song đó, do kinh tế thế giới vẫn còn khó khăn, các nhà nhập khẩu sẽ gia tăng những giao dịch thương mại thận trọng, gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp XK. Đặc biệt, Thái Lan đang tìm thời điểm thích hợp để giải phóng hàng tồn kho sau thời gian dài duy trì chế độ thu mua dự trữ, dự báo sẽ là cơn “sóng thần” đối với thị trường XK gạo. Ngoài ra, Ấn Độ cũng sẽ là mối bận tâm không nhỏ khi quốc gia này đang hứa hẹn sẽ có một vụ mùa bội thu “nhờ” trải qua giai đoạn mưa lũ.
“Điều quan trọng nhất lúc này là các doanh nghiệp cần nhanh tay tận dụng thời cơ đẩy mạnh công tác XK khi thời gian tới sẽ xuất hiện nhiều yếu tố bất lợi. Chủ trương của chúng tôi là XK càng nhiều càng tốt và điều các doanh nghiệp cần lưu tâm là cần thương lượng được hợp đồng giá tốt để giải quyết lượng gạo cũ, tránh hiện tượng tồn kho cao dẫn tới giá giảm mạnh trong vụ đông xuân 2013 sắp tới” - ông Phong lưu ý.
Bài và ảnh: Lê Nghĩa