'Ngày Thứ Hai đen tối' lại ám ảnh nước Mỹ

Cuối tuần trước, thị trường chứng khoán Mỹ đã có một phiên rơi tự do sau khi nhiều nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu bluechip do lo ngại về triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp này và sự hồi phục không chắc chắn của nền kinh tế lớn nhất thế giới.


Phiên giảm điểm đầy bất thường đó xảy ra đúng 25 năm sau “Ngày Thứ Hai đen tối” – một sự kiện vẫn chưa hề phai nhạt trong ký ức của nhiều nhà đầu tư Phố Wall.


Mặc dù sự sụt giảm của thị trường chứng khoán Mỹ trong phiên giao dịch ngày 19/10 chưa đến mức tồi tệ như năm 1987 nhưng nó cho thấy bóng ma “Ngày Thứ Hai đen tối” vẫn còn ám ảnh nước Mỹ.

Phiên giảm điểm đầy bất thường


Ngày 19/10/1987, vẫn thường được nhiều người quen gọi là “Ngày Thứ Hai đen tối”, là một ngày không thể quên đối với nhiều nhà đầu tư Mỹ. Đóng cửa phiên giao dịch hôm đó, chỉ số công nghiệp Dow Jones đã giảm tới 22,6% (tương đương 508 điểm) so với phiên trước đó xuống còn 1.738,74. Đây là mức sụt giảm lớn nhất trong một phiên giao dịch của chỉ số chứng khoán này.


Sau đó, hiện tượng bán tháo đã lan rộng ra khắp Phố Wall và sang cả châu Âu, gây ra tình trạng hoảng loạn ở nhiều nơi.


Đúng 25 năm sau, chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones đã đóng cửa ở mức 13.343,51 điểm, giảm 205,43 điểm (khoảng 1,52%) so với phiên giao dịch trước đó. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 cũng mất đi 24,15 điểm (tương đương 1,66%) chỉ còn 1.433,19 và chỉ số Nasdaq Composite mất 67,25 điểm (2,19%) còn 3.005,62.
Theo các chuyên gia phân tích, nguyên nhân chủ yếu khiến chỉ số Dow Jones sụt giảm mạnh hôm 19/10/2012 là do các báo cáo được công bố một ngày trước đó cho thấy kết quả kinh doanh của nhiều tập đoàn đa quốc gia của Mỹ thất vọng hơn so với dự báo của các nhà phân tích do tác động tiêu cực của tình trạng suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Chẳng hạn, trong quý 3/2012, Bank of America Corporation chỉ đạt lợi nhuận thuần 340 triệu USD, giảm tới 5,86 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư mạnh tay bán ra các cổ phiếu bluechip và đẩy thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc.


Đúng 25 năm sau, chỉ số Dow Jones đã giảm 205,43 điểm (khoảng 1,52%) so với phiên trước đó. Ảnh Internet.


Trong phiên giao dịch ngày 19/10/2012, Apple - công ty niêm yết có giá trị vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán Mỹ - giảm 3,6% so với phiên giao dịch trước đó. Cổ phiếu của McDonald's Corp, vốn có ảnh hưởng lớn nhất đối với chỉ số công nghiệp Dow Jones, cũng giảm 4,5%, trong khi cổ phiếu của người khổng lồ trong lĩnh vực tìm kiếm trên Internet Google Inc. cũng giảm 1,9%.


Đáng chú ý, cổ phiếu của Chipotle Mexican Grill giảm tới 15% chỉ vì tập đoàn này không hoàn thành mục tiêu lợi nhuận cho dù lợi nhuận của tập đoàn này tăng 20%.
Một nhân tố khác có thể đã dẫn tới phiên sụt giảm mạnh trên thị trường chứng khoán Mỹ vừa qua là tâm lý bi quan của các nhà đầu tư kể từ khi hàng loạt tổ chức tài chính quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) hạ thấp dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Chẳng hạn, trong báo cáo công bố ngày 9/10, IMF đã hạ thấp dự đoán tăng trưởng toàn cầu trong năm 2013 xuống còn 3,6% từ mức 3,9% trong báo cáo hồi tháng 7.


Riêng đối với nền kinh tế Mỹ, IMF cho rằng tăng trưởng của nền kinh tế này tùy thuộc vào một thỏa thuận ngăn chặn cái gọi là "vực thẳm tài chính". Theo phân tích của IMF, nếu các nhà hoạch định chính sách kinh tế Mỹ nhất trí đẩy lui các biện pháp này và nới mức trần nợ công của họ, nền kinh tế lớn nhất thế giới "sẽ quay trở lại con đường suy thoái", với những tác động trực tiếp nghiêm trọng đến phần còn lại của thế giới. Nếu không, kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 2,1% trong năm 2013, giảm từ mức dự đoán trước đó là 2,3%.



Bóng ma sẽ trở lại?


Phiên rơi tự do hôm 19/10 vừa qua khiến nhiều người lo ngại về nguy cơ một “Ngày Thứ Hai đen tối” khác sẽ lại xảy ra trên thị trường chứng khoán Mỹ.


Bình luận về vấn đề này, ông David Blitzer, Giám đốc Quản lý kiêm Chủ tịch Ủy ban S&P 500 của công ty xếp hạng tín nhiệm Standard and Poor’s, cho rằng hiện tượng sụt giảm bất thường như vậy vẫn “có thể sẽ tái diễn” cho dù các nhà quản lý thị trường đã có các công cụ để ngăn chặn hiện tượng này và về mặt lý thuyết, các công cụ này đang hoạt động hiệu quả.


Chẳng hạn, hôm 18/10, cổ phiếu của Google Inc. đã trải qua một phiên mất điểm mạnh nhất trong lịch sử sau khi một thông tin bị rò rỉ trên mạng chỉ vài giờ trước thời điểm công bố dự kiến cho thấy lợi nhuận quý 3/2012 của hãng tìm kiếm thông tin trên Internet này đã giảm tới 20% so với cùng kỳ năm trước xuống còn 2,18 tỷ USD, thấp hơn rất nhiều so với dự báo của cac nhà phân tích.


Thông tin đó đã thực sự gây sốc cho nhiều nhà đầu tư và châm ngòi cho làn sóng bán tháo cổ phiếu bluechip này. Làn sóng bán tháo đã thổi bay 9% giá trị của cổ phiếu Google chỉ trong vòng 8 phút và 24 tỷ USD giá trị thị trường của hãng này.


Theo yêu cầu của Google Inc., Sở Giao dịch Chứng khoán New York (NYMEX) đã tạm ngừng giao dịch cổ phiếu này trên NASDAQ để giúp các cổ đông của hãng trấn tĩnh trở lại. Các giao dịch đối với cổ phiếu của Google đã được nối lại hai giờ rưỡi sau đó. Tuy nhiên, vào thời điểm đóng cửa thị trường, bluechip này cũng chỉ lấy lại được 1% giá trị đã mất và tăng lên mức 695 USD/cổ phiếu.


Sự cố vừa qua của Google cho thấy các nhà đầu tư vẫn luôn bị tác động mạnh do các thông tin tiêu cực và điều này có thể dẫn tới những “Ngày Thứ Hai đen tối” khác. Bên cạnh đó, nó cũng cho thấy các công cụ để ngăn chặn hiện tượng giá chứng khoán tăng giảm bất thường của các nhà quản lý thị trường đã phát huy tác dụng trong những trường hợp đơn lẻ như Google.


Tuy nhiên, cho đến nay, không ai biết chắc chắn liệu các công cụ này có phát huy tác dụng trong trường hợp làn sóng bán tháo xảy ra trên diện rộng hay không.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNBC, chuyên gia Blitzer nói: “Chúng tôi có các “cầu dao” và về mặt lý thuyết, các cầu dao này sẽ hoạt động rất hiệu quả; nhưng nhân tố tâm lý con người, vốn đã tồn tại năm 1987, vẫn còn hiện hữu ở thời điểm này”; “Lúc đó, chúng ta không an toàn trước nhân tố con người và tôi không nghĩ rằng ở thời điểm này, chúng ta đã an toàn trước nhân tố này”.


Trên thực tế, nhờ vi tính hóa hệ thống giao dịch, ngày nay, các giao dịch chứng khoán diễn ra nhanh hơn, với tần suất cao hơn. Tuy nhiên, chính việc giao dịch với tần suất cao đã dẫn tới hàng loạt các hiện tượng gián đoạn trên thị trường chứng khoán toàn cầu trong những tháng gần đây. Và ví dụ đáng chú ý nhất chính là “sự sụt giảm trong giây lát” của chỉ số công nghiệp Dow Jones hồi tháng 5/2010 khi chỉ số này giảm 9% trong một thời gian ngắn và chỉ hồi phục vài phút sau đó.


“Khả năng tổn thương của thị trường ngày nay khác hơn so với trước đây” - chuyên gia Blitzer nói. Các đợt sụt giảm “có thể xảy ra nhanh hơn nhiều so với trước đây… Tôi nghĩ rằng nguy cơ vẫn còn đó”.



Thanh Tùng

Chứng khoán thế giới giảm điểm thảm hại
Chứng khoán thế giới giảm điểm thảm hại

Ngày 23/10, các chỉ số chứng khoán chủ lực tại thị trường Mỹ đã giảm điểm thảm hại nhất trong 4 tháng qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN