Đại diện Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia chia sẻ: Cần tính toán và có bước đi thận trọng khi điều chỉnh giá một số hàng hóa, dịch vụ. Trước mắt, tạm thời chưa điều chỉnh thêm giá trong tháng 10/2012 để củng cố tâm lý thị trường; đồng thời thực hiện tốt mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Khách chọn mua hàng tại siêu thị Co.opmart Hà Nội. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN |
Dự báo của Tổ điều hành thị trường (TĐHTT) trong nước về thị trường thời gian tới: Như thường lệ, giá cả có khả năng tăng trong các tháng cuối năm. Nguyên nhân là nhu cầu của người tiêu dùng về một số mặt hàng thực phẩm tăng khi tiết trời trở lạnh và vào dịp Tết trong khi nguồn cung thấp do chăn nuôi bị thu hẹp; một số hàng hóa nhiên liệu cũng đang có xu hướng tăng; các chính sách kích thích kinh tế của nhiều nước sẽ khiến giá nhiều loại hàng hóa khác nhích lên, ảnh hưởng đến thị trường trong nước…
Theo TĐHTT trong nước, trong trường hợp dịch vụ y tế và giáo dục chưa được điều chỉnh tăng tại một số địa phương, dự kiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2012 sẽ tăng khoảng 0,8 - 1% so với tháng 9. CPI cả nước sẽ tăng khoảng 8%. Tuy nhiên, nếu các dịch vụ trên tiếp tục được điều chỉnh theo lộ trình thì CPI tháng 10/2012 dự kiến sẽ tăng cao hơn khoảng 1,2 - 1,5%. Như vậy, khả năng kiềm chế lạm phát ở mức 1 con số là rất khó khăn.
Đề cập tới yếu tố đột biến tăng chi phí dịch vụ khám chữa bệnh vừa qua, ông Nguyễn Đức Thắng - Vụ trưởng Vụ thống kê giá thương mại (Tổng cục Thống kê) cho rằng: CPI tháng 9 tăng cao (tăng 2,2% so với tháng 8/2012) đã đảo lộn mọi dự báo. Cách đây hơn 2 tháng, TĐHTT trong nước dự báo về việc chi phí dịch vụ y tế điều chỉnh cao sẽ ảnh hưởng đến CPI chung, tuy nhiên trong điều hành lại chưa đưa ra giải pháp hạn chế. Theo ông Thắng, hiện vẫn có nhiều tỉnh chưa điều chỉnh chi phí dịch vụ y tế, và mới chỉ có 350 dịch vụ trên hàng ngàn dịch vụ y tế được điều chỉnh, thời gian tới, nếu các tỉnh tiếp tục điều chỉnh chi phí này sẽ tác động mạnh đến CPI.
Hạ giá thép quá mức cũng gây bất lợi Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản xuất và tiêu thụ thép xây dựng tháng 9 tiếp tục tăng so với tháng trước, tuy nhiên so với cùng kỳ năm 2011 thì vẫn ở mức thấp. Thị trường thép vẫn ở tình trạng cung lớn hơn cầu do sản xuất lớn, tiêu thụ chậm. Cụ thể: Tháng 9, ngành thép sản xuất đạt 370.000 tấn, tăng 3,3% so với tháng trước trong khi lượng tiêu thụ cũng tương đương, chưa tính lượng thép tồn kho. Ước tồn thép thành phẩm vào cuối tháng 9 là 320.000 tấn, tương đương với tháng trước. Do vậy, để kích thích tiêu thụ hàng, nhiều doanh nghiệp đã giảm giá mạnh từ 300.000 đến 900.000 đồng/tấn. Ông Nguyễn Tiến Nghi - Phó Chủ tịch VSA cho biết, nhiều doanh nghiệp chấp nhận lỗ, liên tục phá giá, bán thấp hơn giá thị trường, gây bất bình và làm thiệt hại chung. Mới đây, VSA đã có công văn số 52/HHTVN yêu cầu các thành viên trong Hiệp hội phối hợp thực hiện một số biện pháp cấp bách để vượt qua khó khăn. Trong đó, VSA đề nghị các doanh nghiệp sản xuất thép bình tĩnh, không nôn nóng trong việc giảm giá bán gây lỗ lớn. Thay vào đó, doanh nghiệp nên điều chỉnh sản xuất cho sát với khả năng tiêu thụ của thị trường, tránh tồn kho quá lớn. |
Để hạn chế ảnh hưởng này, đại diện Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) nhấn mạnh: Trong mọi giải pháp thì yếu tố điều hành vẫn là quan trọng nhất. Theo NHNN, tình trạng “té nước theo mưa” vừa qua (tỉnh này tăng dịch vụ y tế thì tỉnh khác cũng phải tăng, các mặt hàng thiết yếu cũng vậy) là do lợi ích riêng của ngành mình mà không ai tính đến CPI toàn quốc. Vì vậy NHNN đề xuất: Chính phủ cần có lộ trình chỉ đạo tăng giá, tăng chi phí của những lĩnh vực thiết yếu, tránh ảnh hưởng đến CPI chung.
Nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp thúc đẩy sản xuất, đảm bảo cung ứng đủ nguồn hàng dịp cuối năm, TĐHTT trong nước đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ kiến nghị: NHNN tiếp tục các giải pháp để cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng tích cực; các địa phương chủ động rà soát cung cầu các mặt hàng thiết yếu, xây dựng kế hoạch cho dịp Tết 2013 để đảm bảo lượng hàng hóa cung cấp ra thị trường trong dịp Noel, Tết Dương lịch và Tết Quý Tỵ, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá đột biến...
Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, thị trường tiền tệ ngân hàng đang xuất hiện một số dấu hiệu cảnh báo cần được quan tâm sát sao. Lãi suất huy động đã có dấu hiệu tăng vượt trần quy định từ đầu tháng 9/2012. Điều này cho thấy một số ngân hàng có thể có khó khăn về thanh khoản. Khối lượng giao dịch trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng đang có dấu hiệu chậm lại, vì vậy, NHNN phải có chính sách linh hoạt hơn trong việc hỗ trợ thanh khoản cho những ngân hàng gặp khó khăn dù chỉ tạm thời.
Bên cạnh đó, giá vàng biến động mạnh, một mặt do tác động của giá vàng thế giới tăng cao, mặt khác do hiệu ứng chính sách về vàng của NHNN sẽ chấm dứt hoạt động huy động và cho vay vàng của các NHTM vào ngày 25/11/2012 nhưng thị trường chưa có thông tin về chính sách cụ thể sẽ xử lý những vấn đề liên quan tới vàng sau ngày 25/11/2012. Các dấu hiệu này diễn ra trong cùng một khoảng thời gian, nếu không được khắc phục sớm sẽ rất dễ tạo hiệu ứng cộng hưởng gây tác động tâm lý tiêu cực đến thị trường, ảnh hưởng lớn tới việc kiểm soát lạm phát những tháng cuối năm.
Minh Phương