Sau thời gian một số loại mặt hàng đầu vào như xăng, gas, điện… tăng giá, gần đây, nhiều mặt hàng thực phẩm tại các chợ cũng đã đồng loạt tăng giá. Đồng thời, nhiều nhà sản xuất, kinh doanh cũng bắt đầu lên kế hoạch điều chỉnh giá bán sản phẩm do giá nguyên liệu đầu vào tăng. Chính vì vậy, để kiểm soát lạm phát và tăng sức mua, việc bình ổn giá là mục tiêu được nhiều siêu thị hướng tới.
Áp lực tăng giá
Ghi nhận tại một số chợ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh như chợ Bà Chiểu, chợ Thị Nghè (Bình Thạnh), Phước Long B (quận 9)… giá các loại rau củ tăng từ 1.000 - 3.000 đồng/kg, thịt gà công nghiệp tăng 5.000-10.000 đồng/kg, trứng gà vịt tăng 2.000 - 5.000 đồng/chục, thịt lợn tăng từ 3.000 - 5.000 đồng/kg… Các mặt hàng thủy sản cũng tăng thêm 3.000 - 5.000 đồng/kg. Ngoài ra, các loại trái cây cũng tăng giá từ 10 - 15%. Một tiểu thương bán trái cây tại chợ Phước Long B (quận 9) cho biết: “Nhiều mặt hàng tăng giá, trong đó việc giá xăng tăng ảnh hưởng không nhỏ đến các chủ vườn trái cây, vì họ tưới nước cho cây, vận chuyển… đều dùng đến xăng dầu. Tuy nhiên, hiện giá trái cây mới chỉ tăng thêm 10%, điều này cũng chưa thể bù lỗ cho các chủ vườn, chủ vựa vì vậy sắp tới giá trái cây sẽ còn tăng nữa”.
Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc chợ đầu mối Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Sức mua xuống thấp không ai muốn tăng giá bán, nhưng giá xăng tăng, chi phí vận chuyển cũng tăng theo khiến giá cả hàng hóa cũng tăng. Tuy nhiên, riêng mặt hàng rau củ quả ngoài ảnh hưởng do giá xăng tăng, việc tăng giá còn do yếu tố mùa vụ và ảnh hưởng của thời tiết. Theo đó, sắp tới sẽ có một số mặt hàng rau củ quả tăng giá nhẹ”.
Cùng với các chợ, nhiều siêu thị đã nhận được thông báo tăng giá bán của các nhà cung cấp, sản xuất và có thể bắt đầu từ đầu tháng 10 sẽ có đợt tăng giá mới. Đại diện hệ thống siêu thị Co.opmart cho biết, từ đầu tháng 9 đến nay đã nhận được đề nghị điều chỉnh tăng giá sản phẩm của 12 nhà cung cấp hàng hóa. Các mặt hàng được điều chỉnh giá bán trong đợt này tập trung vào nhóm hàng may mặc, hàng tiêu dùng nhựa, hóa mỹ phẩm... với mức đề nghị tăng giá khoảng 4 - 10%.
Tại thị trường Hà Nội, kể từ ngày 1/10, giá 4 mặt hàng sữa của Công ty Friesland Campina Việt Nam sẽ tăng 3,8 - 5%. Cụ thể, hai loại sữa tiệt trùng Cô gái Hà Lan không đường và có đường loại 1 lít sẽ tăng từ 23.300 lên 24.200 đồng/hộp, Ovaltine hũ 400 gr tăng từ 48.500 đồng lên mức 51.000 đồng và Ovaltine hộp giấy 285 gr sẽ tăng thêm 1.300 đồng lên mức 35.000 đồng/hộp. Đại diện công ty này cho biết, 4 mặt hàng sữa tăng giá trong đợt này chủ yếu do mức giá tồn tại từ khá lâu và không còn phù hợp với chi phí nên buộc phải tăng giá.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho biết, sau khi giá xăng dầu tăng liên tiếp trong hơn 1 tháng qua, nhiều nhà sản xuất đã đề nghị tăng giá bán hàng hóa từ 5 - 10%. Trong đó, các mặt hàng thực phẩm chế biến, hóa mỹ phẩm, gia dụng... chịu sức ép tăng giá lớn nhất.
Bình ổn giá để sức mua không giảm sút
Trước xu hướng tăng giá của nhiều loại hàng hóa, ông Vũ Vinh Phú cho rằng, việc tăng giá cần có lộ trình và nếu tăng cũng phải áp dụng mức giá phù hợp, nếu không sức mua sẽ bị giảm sút. “Do người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu, từ đầu năm đến nay, sức mua của nhiều ngành hàng bị sụt giảm. Thực tế, nhiều nhà sản xuất, các siêu thị đã đẩy mạnh nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá để kích cầu nhưng tiêu thụ hàng hóa vẫn bị giảm sút”.
Theo Bộ Công Thương, tồn kho của sản xuất công nghiệp lên tới trên 20%, trong đó, nhiều ngành hàng như vật liệu xây dựng, giấy, may mặc... có mức tồn kho cao. Trong tình hình khó khăn hiện nay, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, doanh nghiệp cần phải có điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, tránh sản xuất dư thừa.
Đồng thời, các doanh nghiệp cũng nên có chính sách khuyến mại, giảm giá thành sản phẩm để kích thích sức mua.
Để tăng cường kiểm soát thị trường, giá cả, tổ chức tốt thị trường trong nước, Bộ Công Thương tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường, cung cầu các mặt hàng thiết yếu báo cáo Chính phủ; tăng cường kiểm tra, kiểm soát các trường hợp vận chuyển hàng hóa nhập lậu, tập trung các mặt hàng: đường cát, thuốc lá, vải ngoại, đồ chơi trẻ em, gia cầm và các sản phẩm gia súc, gia cầm... Bộ Công Thương cũng chỉ đạo các lực lượng quản lý thị trường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm và Pháp lệnh Giá, đặc biệt là đối với các hàng hóa thiết yếu.
Do sức mua đang giảm sút, một số siêu thị như Big C, Co.op mart... hiện vẫn cam kết giữ giá bình ổn cho người tiêu dùng đến hết tháng 11.
Ông Vũ Vinh Phú nhận định, tiêu thụ hàng hóa qua hệ thống các siêu thị chiếm thị phần không lớn, chỉ từ 25 - 30%, nhưng nếu giá hàng hóa trong siêu thị được bình ổn thì cũng sẽ tạo tín hiệu tốt để kiềm chế đà tăng giá của thị trường.
H.Tuyết- Đ.Phương- T.Hường