Doanh nghiệp kỳ vọng lãi suất giảm thêm

Cùng với việc thực hiện giảm lãi suất huy động 13%/năm kể từ ngày 13/3 (giảm 1% so với trước) thì tháng 3/2012 cũng là thời điểm một số ngân hàng triển khai chương trình áp dụng lãi suất cho vay ưu đãi với mức giảm 1,5 - 2%/năm.

Bảng niêm yết lãi suất mới tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB). Ảnh: Hải Đăng - TTXVN


Trao đổi với phóng viên Tin tức, ông Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ nhận định: Mặc dù lãi suất cho vay có xu hướng giảm nhưng doanh nghiệp vẫn chưa thực sự mặn mà, nhất là trong bối cảnh kinh doanh khó khăn. “Tuy nhiên, việc hạ lãi suất phải thực hiện từng bước vì còn phải phụ thuộc vào tình hình kiềm chế lạm phát. Lạm phát có giảm thì lãi suất mới giảm được”, ông Kiêm nói.

Đồng loạt tung ra các gói vay ưu đãi

Thị trường tiền tệ đã có thêm tín hiệu tích cực khi nhiều ngân hàng áp dụng việc hạ lãi suất cho vay. Bà Nguyễn Thị Mai Hương, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng OceanBank cho biết: OceanBank đã áp dụng các chương trình ưu đãi đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân... hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, với lãi suất thấp hơn 2 - 3%/năm so với trước. Ngân hàng cũng vừa dành một gói tín dụng ưu đãi trị giá 500 tỷ đồng với lãi suất cho vay khoảng 17%/năm cho một doanh nghiệp ở phía Nam. Trong tháng 3/2012, OceanBank cũng giảm 1,5%/năm lãi suất cho khách hàng cá nhân là phụ nữ với các khoản vay tiêu dùng.

Cùng với thời điểm trên, Ngân hàng Phương Đông (OCB) đã triển khai gói tín dụng ưu đãi 2.000 tỷ đồng đến khách hàng doanh nghiệp với mức lãi suất hấp dẫn, thấp hơn 2 - 2,5%/năm so với mức lãi suất cho vay thông thường. “Với gói tín dụng ưu đãi lãi suất, OCB mong muốn góp phần vào sự phát triển của doanh nghiệp và phù hợp với chủ trương khuyến khích cho vay các đối tượng vay ưu đãi theo định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong giai đoạn khó khăn như hiện nay”, ông Trịnh Văn Tuấn - Tổng giám đốc OCB nói.

Ngoài ra, các Ngân hàng như: HSBC, Ngân hàng Quốc tế (VIB), Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank) cũng đang thực hiện chủ trương giảm lãi suất cho vay.

Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã yêu cầu các ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ thực hiện tiết giảm chi phí, hạ lãi suất cho vay và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh. Thống đốc NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng đăng ký các biện pháp và mức tiết giảm cụ thể với NHNN và Bộ Tài chính trước ngày 10/4 và phải báo cáo NHNN và Bộ Tài chính kết quả thực hiện chỉ tiêu tiết giảm chi phí, hạ lãi suất cho vay vào cuối năm. Đây cũng được coi là một trong những căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của ban lãnh đạo, điều hành của các ngân hàng.

Kỳ vọng lãi suất giảm thêm

Ông Cao Sỹ Kiêm cho rằng: Mức lãi suất cho vay tuy có giảm nhưng chưa nhiều khiến doanh nghiệp không mặn mà. Trước đây, các doanh nghiệp vay với mức lãi suất từ 19 - 20%/năm thì nay giảm trung bình là 1,5%/năm vẫn chưa có tác động nhiều tới hiệu quả kinh doanh. “Từ nay đến cuối năm, nếu lạm phát đạt được mục tiêu như Quốc hội đề ra ở mức một con số thì lúc đó lãi suất huy động sẽ giảm từ 2 - 3%/năm, về với mức 11%/năm. Khi lãi suất cho vay dao động ở mức 14 - 15%/năm thì mới đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng cho rằng: Để điều chỉnh lãi suất theo kỳ vọng của doanh nghiệp thì trước mắt cần phải phối hợp nhiều chính sách như tiền tệ, tài khóa, thương mại, đầu tư; giải quyết các vấn đề bội chi ngân sách, nhập siêu... Còn về dài hạn, phải đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng... Tất cả yếu tố đó tạo nên động lực, lực lượng, điều kiện vật chất để đưa nền kinh tế lên, giảm được lạm phát xuống, trên cơ sở đó mới giảm được lãi suất và tỷ giá.

Chia sẻ vấn đề về lãi suất cho vay, đại diện Công ty cổ phần Intimex Việt Nam cho biết: Đối với các doanh nghiệp bán lẻ hiện nay, việc tiếp cận vốn từ phía ngân hàng rất khó khăn. Thời gian qua, Công ty đã phải vay với lãi suất quá cao. Và mặc dù chấp nhận vay với lãi suất cao nhưng cũng phải “chật vật” với những điều khoản của ngân hàng mới có thể vay được. “Đề nghị Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam phối hợp với Bộ Công Thương đề xuất một ngân hàng cổ phần nào đó của nhà nước dành một quỹ cho vay hỗ trợ với lãi suất ưu đãi trong 3 - 5 năm cho các doanh nghiệp bán lẻ”, phía Intimex chia sẻ.

Theo Tổng giám đốc Công ty TNHH H.Y.A.D Việt Nam Âu Duy Vượng, là công ty nhỏ chuyên kinh doanh thiết bị công nghiệp, khai khoáng và kinh doanh hàng tiểu thủ công nghiệp nên rất cần có nguồn vốn lớn để mở rộng quy mô sản xuất cũng như tìm kiếm thị trường kinh doanh, nhất là thâm nhập thị trường quốc tế. “Trước đây, chúng tôi đã thử tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng nhưng khó vì thủ tục (các đơn vị nhỏ khó chứng minh năng lực tài chính) nên đành vay từ các nguồn khác. Nay, ngân hàng hạ lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp, chúng tôi cũng rất mừng nhưng chúng tôi không tự tin lắm để tiếp tục đi vay vì lại sợ vướng về thủ tục”, ông Vượng nói.

Minh Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN