Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản, các địa phương đã phổ biến rộng rãi chủ trương này cho người dân biết và đăng ký nhu cầu mua máy móc thiết bị nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có nhiều ngư dân tiếp cận được chính sách này.
Khó tiếp cận
Tại tỉnh Bình Thuận, từ khi có Quyết định 63/2010/QĐ – TTg đến cuối năm 2011, trong tỉnh có tổng số 938 hộ và 2 HTX đăng ký nhu cầu vay vốn mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất với tổng nhu cầu vay vốn khoảng 90 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ giải ngân được vẻn vẹn 2 hộ với tổng vốn 480 triệu đồng.
Nguyên nhân: Máy móc thiết bị người dân có nhu cầu mua thường không đảm bảo các điều kiện về giá trị sản xuất trong nước trên 60%. Nếu đạt tiêu chí sản xuất trong nước thì không có nhãn hàng hóa theo quy định.
“Vì thực tế ở các tỉnh lẻ, người dân chỉ biết tìm đến các cửa hàng bán máy móc, thiết bị gần nhà với nguồn hàng từ nhiều nơi, đa phần từ Trung Quốc để mua, do đó việc cung ứng máy móc, thiết bị có giá trị sản xuất trong nước lớn hơn 60% theo quy định quả là khó khăn”, ông Lê Văn Tuấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết.
Theo ông Tuấn, các doanh nghiệp sản xuất máy móc, thiết bị trong nước đáp ứng đủ các điều kiện theo Quyết định 63/2010/QĐ-TTg của Chính phủ chưa đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến các địa phương để giúp cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và nông, ngư dân tiếp cận được công nghệ và đáp ứng đúng nhu cầu.
Bên cạnh đó, ông Tuấn cho rằng, quy định thời hạn cho vay dài hạn và chỉ có Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho vay theo Quyết định 63 là chưa phù hợp, vì có một số trường hợp máy móc thiết bị giá thấp, thu hồi vốn nhanh, không cần phải vay vốn dài hạn. Mức tiền vay tối đa để mua máy móc, thiết bị sản xuất trong nước được hỗ trợ lãi suất bằng 100% giá trị hàng hóa, nhưng khi người dân lập nhu cầu vay thì ngân hàng chỉ giải ngân cho vay 70-80% giá trị hàng hóa, do đó đối với các mặt hàng có giá trị lớn thì người dân thường không có đủ tiền mua.
Tăng cường hướng dẫn ngư dân
Để giải quyết tình trạng này, ông Tuấn cho rằng cần tăng cường công tác truyên truyền, phổ biến rộng rãi chủ trương, chính sách hỗ trợ tại Quyết định 63 và Quyết định 65 của Thủ tướng Chính phủ đến các doanh nghiệp thu mua, chế biến hải sản, các chủ thuyền và ngư dân trên địa bàn tỉnh để tiếp tục đăng ký vay vốn.
“Chúng tôi sẽ phối hợp với các ngân hàng để có những thông tin, hướng dẫn cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân tiếp cận được nguồn vốn; đồng thời nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai để phối hợp tháo gỡ, hướng dẫn thực hiện”, ông Tuấn nói.
Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ thông báo danh sách các doanh nghiệp sản xuất máy móc, thiết bị và danh mục các loại máy móc, thiết bị đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho các doanh nghiệp kinh doanh máy móc thiết bị tại địa phương, các ngân hàng thương mại nhà nước, trung tâm khuyến nông - khuyến ngư… để tư vấn, giúp đỡ cho doanh nghiệp và ngư dân có nhu cầu vay vốn thuận lợi.
Bên cạnh đó: “Các doanh nghiệp cũng cần tổ chức giới thiệu sản phẩm, trình diễn các máy móc, thiết bị bảo quản sản phẩm sau thu hoạch như thiết bị làm đá, cấp đông, hầm bảo quản sản phẩm trên tàu cá và bảo quản trong chế biến… để các đối tượng có nhu cầu sớm tiếp cận”, ông Tuấn cho biết thêm.
Theo ông Nguyễn Ngọc Oai, Cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, trong thời gian tới, Cục và các sở nông nghiệp sẽ chủ động phối hợp với các ngân hàng thương mại tại địa phương để tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân trong việc hoàn thiện hồ sơ để làm thủ tục vay vốn; đồng thời nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai để phối hợp tháo gỡ, hướng dẫn thực hiện.
Hữu Vinh