Trước nhiều luồng ý kiến về bất cập trong cơ chế điều hành giá xăng dầu, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ khoa học Nguyễn Thị Hiền (ảnh) - Chuyên gia kinh tế - xung quanh những vấn đề quản lý, điều hành giá, thị trường và quỹ bình ổn xăng dầu.
´Thưa bà, trước hai luồng ý kiến, một là đề nghị Nhà nước không nên buông quản lý giá xăng dầu, hai là nên thị trường hóa xăng dầu theo hướng giao quyền tự chủ trong việc định giá cho doanh nghiệp (DN), bà nghiêng về ý kiến nào?
Hiện nay, dư luận đang nghiêng về ý kiến Nhà nước nên quản lý giá xăng dầu, không buông cho DN. Nhưng theo tôi, Nhà nước quản lý theo hướng nào, mục tiêu gì thì lâu nay Chính phủ rất quan tâm, và việc quyết định của Chính phủ từng bước trao quyền tự chủ cho DN trong việc định giá, quyết định lỗ lãi của mình, Nhà nước không bù lỗ đã được thể hiện rất rõ trong Nghị định 84/2009/NĐ-CP ban hành ngày 15/10/2009 của Chính phủ (có hiệu lực từ 15/12/2009). Là chuyên gia nghiên cứu thị trường và quan tâm tới sự ảnh hưởng của giá xăng dầu đến thị trường, đến cả sản xuất và tiêu dùng, tôi cho rằng, định hướng điều hành giá xăng dầu theo Nghị định 84 của Chính phủ là đúng.
Dư luận cho rằng, cần sớm giải quyết bất cập trong quản lý, điều hành giá xăng dầu. Ảnh: Lê phú |
Thời gian qua, điều hành giá xăng dầu từ giữa năm 2010 đến nay lại không theo định hướng đó mà can thiệp hành chính quá sâu, xa rời định hướng của Nghị định mà Chính phủ đã ban hành. Vì thế tôi cho rằng, bây giờ cần quay lại theo đúng định hướng của Nghị định 84 để điều hành thị trường xăng dầu.
Nghị định 84 có đặt ra công thức giá cơ sở như một loại giá trần, trong đó quy định lãi định mức, chi phí lưu thông cho kinh doanh xăng dầu, theo bà có ảnh hưởng đến việc kinh doanh của DN hay không?
Đối với giá cơ sở tôi còn phân vân một điều, đó là việc giá cơ sở được tính cho 30 ngày, làm thoát li khỏi thị trường vì thời gian 30 ngày có thể hơi dài. Còn lãi định mức là cần thiết. Vì những mặt hàng có ý nghĩa quan trọng đối với tiêu dùng dân cư và đối với sản xuất thì rất nhiều nước đều dùng lãi định mức để kiểm soát DN, đó là điều không có gì quá đáng. Còn về chi phí trong giá cơ sở cần linh hoạt hơn, bởi vì thị trường biến động thì chi phí cũng biến động. Các cơ quan quản lý cùng với DN cần đưa chi phí linh hoạt hơn theo thị trường, còn nếu để thời gian quá lâu mới điều chỉnh thì không thực tế và làm cho doanh nghiệp khó khăn hơn trong kinh doanh.
TS Ngô Trí Long cho rằng, hiện nay Petrolimex là đơn vị thống lĩnh chiếm tới 50- 60% thị phần xăng dầu, vì thế để tạo thị trường cạnh tranh thực sự thì nên tách Petrolimex thành 2 công ty nhằm giảm sự độc quyền, theo bà, điều đó có cần thiết hay không?
Nếu cùng một thị trường mà DN chiếm tới 50- 60% thị phần thì rõ ràng thị trường độc quyền và cạnh tranh sẽ bị hạn chế, điều đó không cần phải bàn cãi. Nhưng việc tách một DN ra thì không phải là chuyện đơn giản.
Thực ra việc độc quyền của Petrolimex Nhà nước cũng đã thấy, vì thế mới có chủ trương cổ phần hóa Petrolimex. Tuy nhiên, cổ phần hóa mục tiêu trước tiên không phải là để tăng sự cạnh tranh mà để tăng tính minh bạch của DN đó và có nhiều thành phần, nhiều tiếng nói tham gia để khách quan hơn. Động tác cổ phần hóa Petrolimex cũng là động tác để thị trường tăng tính cạnh tranh. Biện pháp đó trước mắt khả thi hơn việc tách Petrolimex.
Dư luận cho rằng, nếu để Quỹ bình ổn xăng dầu tại DN thì DN có thể lợi dụng để dùng vốn vào việc khác, vì đây là quỹ trích từ tiền của dân; cũng có ý kiến là không cần thiết phải có Quỹ bình ổn xăng dầu, vậy bà có ý kiến gì về vấn đề này?
Trước mắt vẫn cần có quỹ bình ổn, bởi vì Nhà nước đang quản lý, điều hành theo những mục tiêu mà Nhà nước đặt ra. Để điều hành thì cần phải có nguồn tài chính, mà trong kinh doanh xăng dầu thì quỹ bình ổn là nguồn tài chính cần thiết khi mà Nhà nước đang điều hành giá cả. Chỉ có điều là trích lúc nào, trích sử dụng bao nhiêu phải minh bạch để người dân khỏi thắc mắc, như khi giá thế giới xuống thì không trích, DN đang có lãi thì không nên trích quỹ. Thời gian vừa qua có những lúc nguồn quỹ lớn quá cũng không tốt. Tức là điều hành quỹ cần linh hoạt, minh bạch thì sẽ có tác dụng. Quỹ bình ổn phải do cơ quan nhà nước quản lý, không nên để ở DN, DN chỉ thu hộ, sau đó định kỳ thời gian bao nhiêu ngày thì phải nộp.
´Có những ý kiến chưa đồng nhất nên đạt mục tiêu kiềm chế lạm phát hay mục tiêu an ninh năng lượng lên trên hết trong điều hành thị trường xăng dầu, theo bà thế nào là đúng?
Về mặt vĩ mô thì cho đến hết năm 2011, thậm chí cả 2012, Chính phủ vẫn đưa mục tiêu kiểm soát lạm phát lên hàng đầu, đây là mục tiêu quan trọng nhất. Nhưng riêng kinh doanh xăng dầu và một vài mặt hàng nhạy cảm khác, bên cạnh mục tiêu kiểm soát lạm phát là tối quan trọng, thì việc bảo đảm an ninh năng lượng cũng rất quan trọng. Tôi cho rằng, nếu hoàn thành được cả hai mục tiêu này thì sẽ rất thành công.
Xin cảm ơn bà!
Thanh Hương - Thu Hường (thực hiện)