09:00 12/09/2012

11 năm sau vụ khủng bố 11/9: Mối lo an ninh vẫn đeo đuổi nước Mỹ

Ngày 11/9, nước Mỹ tưởng niệm 11 năm ngày xảy ra loạt vụ tấn công khủng bố kinh hoàng 11/9/2001 với những nghi lễ tương đối nhẹ nhàng, phản ánh nỗi đau đã dần nguôi ngoai trong khi vẫn còn đó những mối lo canh cánh về an ninh.

Ngày 11/9, nước Mỹ tưởng niệm 11 năm ngày xảy ra loạt vụ tấn công khủng bố kinh hoàng 11/9/2001 với những nghi lễ tương đối nhẹ nhàng, phản ánh nỗi đau đã dần nguôi ngoai trong khi vẫn còn đó những mối lo canh cánh về an ninh.


 

Tổng thống Mỹ và phu nhân trong buổi lễ tưởng niệm các nạn nhân vụ 11/9/2001 tại Nhà Trắng ngày 11/9/2012. Ảnh: AFP/ TTXVN

Trong bài diễn văn trên đài phát thanh vào cuối tuần trước nhân sự kiện này, Tổng thống Mỹ Barack Obama vinh danh những người đã hy sinh vì sự an toàn của nước Mỹ và khẳng định các cuộc tấn công khủng bố không làm cho người Mỹ nhụt chí mà càng làm cho nước Mỹ “mạnh mẽ hơn, an toàn hơn và được tôn trọng hơn”.


Nhưng bất chấp sự “an toàn hơn” mà nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố, trong những ngày này, an ninh tại thành phố New York và trên toàn nước Mỹ đã được siết chặt. Các lực lượng an ninh được đặt trong tình trạng liên tục sẵn sàng đề phòng những sự cố có thể xảy ra. Cảnh sát rà soát an ninh khắp hệ thống tàu điện ngầm, siết chặt kiểm soát trên các con phố, cây cầu và đường hầm.


Theo các chuyên gia, sau hơn một thập kỷ theo đuổi cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, mối lo an ninh vẫn đeo đuổi nước Mỹ. Cuộc chiến chống khủng bố đã không làm thay đổi diện mạo an ninh cho nước Mỹ và thế giới, mà thậm chí còn khiến tình hình bất ổn lan rộng. Mỹ vẫn sa lầy tại hai chiến trường Irắc và Ápganixtan đã khiến hơn 6.000 lính Mỹ thiệt mạng và 45.000 người bị thương. Hai cuộc chiến tranh kéo dài cũng đã ngốn hàng nghìn tỷ USD, góp phần đẩy nợ công của Mỹ lên tới 16.000 tỷ USD và làm gia tăng sự bất mãn trong người dân.


Tại cả Irắc và Ápganixtan, cuộc chiến chống khủng bố không những không đem lại một môi trường an ninh mà ngược lại, đã gây ra những tàn phá nặng nề. Các vụ tấn công khủng bố vẫn đang xảy ra gần như hàng ngày khiến cho hai quốc gia này, dù đã hơn 10 năm nằm trong sự bảo trợ quân sự của Mỹ, vẫn là những nơi nguy hiểm nhất thế giới.


Cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ khởi xướng giờ đây đã lan rộng ra phạm vi toàn cầu, thậm chí khiến cho mối quan hệ giữa phương Tây với thế giới Hồi giáo trở nên căng thẳng hơn. Sự kiện tiêu diệt được trùm khủng bố Osama bin Laden hồi năm 2011 không đồng nghĩa với việc mạng lưới Al Qaeda đã suy yếu, khi các chi nhánh của Al Qaeda vẫn vươn ra khắp nơi, đặc biệt là nhánh Al Qaeda tại Bắc Phi đã trở thành một trong những nhánh hoạt động liều lĩnh nhất.


Hôm 10/9, ngay trước thềm dịp tưởng niệm, thành phố New York đã đạt được thỏa thuận về nối lại hoạt động xây dựng Bảo tàng 11 tháng 9 Quốc gia, sau một thời gian đình trệ vì tranh cãi chi phí giữa cơ quan quản lý bảo tàng và Cảng New York - New Jersey. Bảo tàng 11/9 được thiết kế với 7 tầng ngầm dưới mặt đất, là nơi trưng bày các hiện vật liên quan đến loạt vụ tấn công khủng bố 11 năm trước, từ những chiếc mũ của lính cứu hỏa cho đến các mảnh vỡ hay mô hình các tòa tháp đôi Trung tâm thương mại thế giới (WTC) trước vụ tấn công.


Viện Quốc gia về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp của Mỹ cũng thông báo sẽ điều trị và tầm soát miễn phí khoảng 50 loại bệnh ung thư cho hơn 70.000 lính cứu hỏa, cảnh sát và nhân viên cứu hộ đã trực tiếp tham gia cứu hộ và khắc phục hậu quả vụ khủng bố 11/9 nhằm vào tòa tháp đôi WTC tại thành phố New York.


Thu Hằng