01:15 06/01/2011

10 sự kiện khoa học & công nghệ nổi bật năm 2010 (do Ban Tin Trong nước, TTXVN bình chọn)

1. Công bố kết quả chương trình nghiên cứu khoa học cấp nhà nước “Nghiên cứu phát huy điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và giá trị lịch sử - văn hóa 1000 năm Thăng Long - Hà Nội phục vụ phát triển toàn diện Thủ đô”.

1. Công bố kết quả chương trình nghiên cứu khoa học cấp nhà nước “Nghiên cứu phát huy điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và giá trị lịch sử - văn hóa 1000 năm Thăng Long - Hà Nội phục vụ phát triển toàn diện Thủ đô” (mã số KX.09)

Chương trình KX.09 do UBND thành phố Hà Nội chủ trì, GS.TS Phùng Hữu Phú làm chủ nhiệm được triển khai từ năm 2005 với 11 đề tài nghiên cứu từng lĩnh vực cụ thể của đời sống Thăng Long - Hà Nội gồm: Phân tích đánh giá điều kiện tự nhiên, địa lý, địa chất, môi trường góp phần định hướng phát triển không gian của Thủ đô Hà Nội trong nửa đầu thế kỷ XX; Thăng Long - Hà Nội với vai trò trung tâm chính trị, hành chính của đất nước - những bài học về quản lý và phát triển; Bài học kinh nghiệm hoạt động đối ngoại của Thăng Long - Hà Nội; Quá trình đô thị hóa ở Thăng Long - Hà Nội; Kinh nghiệm lịch sử và định hướng quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa...

2. Thực hiện thành công ca phẫu thuật ghép tim từ người cho chết não

Ngày 5/7/2010, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã gửi thư khen ngợi và chúc mừng chiến sĩ, cán bộ, nhân viên Học viện Quân y sau khi tiến hành thành công ca ghép tim trên người đầu tiên tại Việt Nam vào ngày 17/6/2010.


Ðáng chú ý hơn, ca ghép tim thành công này là một đề tài nằm trong chương trình khoa học và công nghệ (KH&CN) trọng điểm cấp nhà nước. “Thành công của ca ghép tim từ người cho chết não là một mốc son, một dấu ấn lịch sử đi vào truyền thống của chuyên ngành ghép tạng nước ta”. Ðây là sự kiện KH&CN nổi bật trong năm 2010.

3. Công bố chíp xử lý 32-bit VN 1632

Ngày 27/10/2010, tại TP.HCM, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) đã tổ chức lễ công bố chíp vi xử lý 32-bit VN 1632. Chíp VN 1632 là một trong các sản phẩm của đề tài “Nghiên cứu, phát triển phương pháp thiết kế và chế tạo chíp vi xử lý điều khiển RISC, mã số KC.01.08/06-10 do Bộ KH&CN đầu tư. Chip VN 1632 đáp ứng được yêu cầu của các hệ thống điều khiển phức tạp, đòi hỏi tốc độ cao như trong điện thoại di động, mã hóa/giải mã dữ liệu, thiết bị truyền thông, xử lý ảnh.

4. Khai trương cơ sở dữ liệu thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam

Trang tin điện tử trên là cơ sở dữ liệu quan trọng đầu tiên của Việt Nam trong việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Trang tin nhằm cung cấp thông tin về các vụ điển hình thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam; tăng cường tính minh bạch, đồng bộ và thống nhất trong hoạt động kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm của hệ thống cơ quan thanh tra khoa học và công nghệ cũng như các cơ quan thực thi khác; tạo kênh thông tin trao đổi nghiệp vụ giữa các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương trong xử lý hành vi xâm phạm quyền và giải đáp pháp luật về thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

5. Tổng kết chiến lược KH&CN đến năm 2010; ­định hướng nhiệm vụ giai đoạn 2011 - 2015

Bộ KH&CN đã cụ thể hóa và đưa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Chiến lược vào kế hoạch hoạt động KH&CN. Bộ KH&CN đã nghiên cứu và triển khai thực hiện 14 chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước. Ngành KH&CN cũng đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp như: Triển khai có hiệu quả chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011 - 2020; tập trung phát triển mạnh khoa học kỹ thuật và công nghệ để phục vụ trực tiếp cho mục tiêu đổi mới công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển có chọn lọc các ngành công nghiệp, dịch vụ công nghệ cao; đẩy mạnh tốc độ phát triển thị trường công nghệ; tăng cường chức năng và năng lực nghiên cứu trong các trường đại học; chủ động mở rộng hợp tác, hội nhập quốc tế trong...

6. Sản xuất thử nghiệm máy điện thoại IP đầu tiên tại Việt Nam

Đây là đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước mang mã số KC.01/06-10 do kỹ sư Vương Toàn Dũng làm chủ nhiệm. Đề tài này bắt đầu thực hiện từ tháng 1/2010 đến tháng 2/2010 theo hợp đồng KHCN do Công ty Thiết bị bưu điện chủ trì. Theo đó, nhóm thực hiện đề tài đã lựa chọn được danh sách linh kiện phù hợp; thiết kế mạch và sản xuất thử mẫu điện thoại IP bảo đảm dung hòa giữa giá thành và chức năng sản phẩm. Từ đề tài này, đơn vị triển khai dự án đã trang bị đầy đủ các thiết bị kiểm tra (trong đó có thiết bị DA 3600A); xây dựng dây chuyền sản xuất, kiểm tra hoàn thiện sản phẩm điện thoại IP thành phẩm với số lượng 493 chiếc; trang bị bộ khuôn ép nhựa và sản xuất thành công 2.000 sản phẩm vỏ điện thoại IP.

7. Ban hành Quy chế đánh giá Phòng thí nghiệm trọng điểm

Quy chế đánh giá Phòng thí nghiệm trọng điểm chính thức có hiệu lực từ ngày 6/9/2010. Quy chế đánh giá Phòng thí nghiệm trọng điểm nhằm đánh giá, xác định mức độ đạt được các mục tiêu phát triển, phát hiện các khó khăn, vướng mắc trong vận hành và đề xuất các giải pháp quản lý thích hợp giúp cho Phòng thí nghiệm trọng điểm nâng cao hiệu quả hoạt động.


Việc đánh giá được tổ chức định kỳ từ 3 - 5 năm/lần, trong trường hợp cần thiết có thể tổ chức đánh giá đột xuất theo quyết định của Bộ KH&CN. Thông qua kết quả thẩm định và phê duyệt đánh giá, Bộ KH&CN tiến hành phân hạng công bố đánh giá kết quả các phòng thí nghiệm trọng điểm.

8. Hợp tác khoa học và công nghệ giữa VN - Hoa Kỳ

Ngày 9 - 10/12/2010, tại Hà Nội, Bộ KH&CN phối hợp với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tổ chức phiên họp lần thứ 7 Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác KH&CN Việt Nam - Hoa Kỳ (JMC), theo Hiệp định hợp tác giữa Chính phủ hai nước đã ký kết về lĩnh vực này ngày 17/11/2000. Theo đó, phía Hoa Kỳ đưa ra định hướng hợp tác giai đoạn tới trong một số lĩnh vực như: Y tế, công nghệ thông tin truyền thông, khoa học biển - môi trường - biến đổi khí hậu, nông nghiệp - công nghệ sinh học - đa dạng sinh học, giáo dục khoa học và trao đổi nghiên cứu, không gian vũ trụ, năng lượng, an toàn giao thông và tiêu chuẩn đo lường.

9. BKAV giữ vị trí số 1 Việt Nam về phần mềm an ninh mạng

Kết quả khảo sát do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện tháng 6/2010 cho thấy có tới 73,95% số doanh nghiệp lựa chọn sử dụng phần mềm diệt virus Bkav của Việt Nam. Kaspersky của Nga chỉ đứng thứ hai với 13,36% và Norton Antivirus của Mỹ xếp thứ ba với 8,95%.


Phần mềm diệt virus của Việt Nam cũng khẳng định chất lượng không thua kém của nước ngoài. Tháng 8 và tháng 10/2010, Bkav đã đưa sản phẩm ra nước ngoài kiểm định và 2 lần liên tiếp đạt chứng chỉ uy tín hàng đầu thế giới VB100 do Tổ chức Virus Bulletin (Vương quốc Anh) chứng nhận.


Thực tế này đã khiến cán cân thị phần nghiêng về phía sản phẩm trong nước và phần mềm diệt virus do Việt Nam sản xuất đang chiếm ưu thế áp đảo trước các đối thủ nước ngoài. Đây là thành công khẳng định sản phẩm công nghệ cao của Việt Nam có thể cạnh tranh sòng phẳng với sản phẩm của nước ngoài.

10. Trung tâm Công nghệ định vị vệ tinh đầu tiên tại Việt Nam

Ngày 1/10, ĐH Bách khoa Hà Nội và Liên minh châu Âu khánh thành Trung tâm Hợp tác Nghiên cứu và Phát triển công nghệ định vị sử dụng vệ tinh đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á (NAVIS) và là trung tâm thứ ba trên thế giới.


Trung tâm sẽ đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ thuộc lĩnh vực công nghệ định vị sử dụng vệ tinh, đặc biệt là hệ thống định vị toàn cầu GALILEO của châu Âu, tại các nước Đông Nam Á nhằm xây dựng môi trường hợp tác Á - Âu và các quốc gia khác về công nghệ định vị sử dụng vệ tinh. NAVIS là trung tâm đầu tiên tại châu Á và trung tâm thứ 3 trên thế giới chuyên nghiên cứu về định vị toàn cầu dùng vệ tinh GALILEO.