05:16 07/05/2015

10 năm một chặng đường chấm dứt nạn nuôi gấu lấy mật

Năm 2005 Chính phủ Việt Nam đã khởi xướng Chương trình nhằm từng bước chấm dứt nạn nuôi nhốt gấu trái phép, đồng thời ban hành một số quy định pháp luật tăng cường quản lý đối với số gấu này.

Tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật bắt đầu phát triển mạnh tại Việt Nam từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước.

Sau khi phát hiện một số lượng lớn gấu đang bị nuôi nhốt, năm 2005 Chính phủ Việt Nam đã khởi xướng Chương trình nhằm từng bước chấm dứt nạn nuôi nhốt gấu trái phép, đồng thời ban hành một số quy định pháp luật tăng cường quản lý đối với số gấu này.

Loài gấu hoang dã bị nuôi nhốt trong các lồng sắt chật chội. Ảnh: Xuân Tùng - TTXVN


Cùng Chính phủ và các bộ, ngành chức năng, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước đã chủ động đồng hành cùng Chương trình nỗ lực chấm dứt nạn nuôi nhốt gấu, nhờ đó đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần bảo tồn loài gấu đã và đang có nguy cơ tuyệt chủng ngoài tự nhiên.

Nguy cơ tuyệt chủng

Việt Nam có 2 loài gấu là gấu ngựa và gấu chó. Cả 2 loài gấu này đều được pháp luật Việt Nam và quốc tế bảo vệ ở mức độ cao nhất, nằm trong danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định 160/2013 của Chính phủ Việt Nam, Phụ lục I của Công ước quốc tế về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).

Ông Luke Nicholson, Giám đốc Dự án hợp tác khu vực, Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã thế giới (Worid Animal Protection) nhận xét: Cùng với sự tăng trưởng kinh tế, mật gấu ở Việt Nam đã trở nên thông dụng như một sản phẩm thuốc y học cổ truyền.

Do vậy, để phục vụ cho nhu cầu người sử dụng, gấu bị nuôi nhốt trong những chuồng cũi chật hẹp để thường xuyên bị rút mật. Nhu cầu sử dụng mật gấu được coi là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đến sự tồn vong của loài gấu ở Việt Nam và trong khu vực châu Á.

Cả một thời gian dài việc sử dụng mật gấu ở Việt Nam tuy là hành vi trái pháp luật nhưng không bị xã hội lên án, ngược lại được coi là hành vi thông thường. Thậm chí ở tỉnh Quảng Ninh, một trong những điểm du lịch nổi tiếng ở Việt Nam, những trang trại nuôi gấu ở đây còn tổ chức cho khách du lịch đến tham quan cảnh tượng trích hút mật gấu, sau đó bán cho khách có nhu cầu.

Năm 2009, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) đã tiến hành một cuộc khảo sát trên phạm vi 3 thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong tổng số 3.000 người được hỏi, có tới 60,9% số người thừa nhận đang sử dụng mật gấu. Bởi họ cho rằng mật gấu là loại “thần dược” có thể điều trị được nhiều loại bệnh. Bao gồm bong gân, bầm tím, đau nhức, viêm khớp, rối loạn tiêu hóa và chữa trị được cả bệnh ung thư.

Do đó theo báo cáo năm 2005 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước có tới 4.300 cá thể gấu được nuôi nhốt trong các trang trại, hầu hết những cá thể gấu này đều bị săn bắt từ thiên nhiên.

Nỗ lực chung tay hành động


Nhằm xóa bỏ nạn nuôi nhốt gấu tại Việt Nam, năm 2005 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiến hành kiểm tra và bắt buộc các chủ nuôi gấu phải đăng ký quản lý, đồng thời gắn chíp cho 4.300 cá thể gấu để theo dõi. Nhờ đó tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật đã giảm đáng kể, mặt khác ngăn chặn sự phát sinh gấu mới ở các trang trại. Những cá thể gấu không được gắn chíp sẽ bị tịch thu và chủ gấu cũng bị xử phạt nghiêm minh.

Cùng với biện pháp quản lý chặt chẽ gấu nuôi trong các trang trại, các trung tâm cứu hộ và khu bảo tồn đã được xây dựng và phát triển để tiếp nhận những cá thể gấu được chuyển giao từ các trang trại. Bao gồm Trung tâm cứu hộ Gấu Việt Nam tại Vườn quốc gia Tam Đảo; Trung tâm cứu hộ Sóc Sơn; Trung tâm cứu hộ Vườn quốc gia Cát Tiên bởi Tổ chức Free the Bears và một cơ sở đang triển khai tại Ninh Bình, do Tổ chức Four Paws Intenational tài trợ.

Sau 7 năm nỗ lực cùng UBND tỉnh Quảng Ninh, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên đã góp phần quan trọng đóng cửa hoàn toàn hoạt động trích hút mật gấu tại thành phố Hạ Long vào tháng 5/2014. Kết quả khảo sát lần 2 của Trung tâm vào cuối năm 2014 tại 3 thành phố lớn cũng cho thấy, tình trạng sử dụng mật gấu đã giảm 61% so với năm 2009.

Tại buổi Họp báo “Ngày Gấu Việt Nam” tổ chức ngày 7/5 tại Hà Nội, đánh giá lại 10 năm một chặng đường chấm dứt nạn nuôi nhốt gấu tại Việt Nam (2005-2015), bà Vũ Thị Quyên, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên khẳng định: “Chúng ta có thể tự hào vì sau 10 năm nỗ lực, nhờ sự phối hợp chặt chẽ của Chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự, khối doanh nghiệp, báo chí, những người nổi tiếng và cả cộng đồng. Chúng ta đã đạt được những bước tiến lớn trong việc giải quyết một vấn đề mang tính cấp thiết của xã hội, đang là mối đe dọa tới đa dạng sinh học của nước nhà. Chỉ khi nào nạn nuôi nhốt gấu được chấm dứt hoàn toàn thì các quần thể gấu trong tự nhiên mới có cơ hội phục hồi”.

Đại sứ Chương trình bảo vệ gấu, ca sĩ Mỹ Linh cho biết trong 10 năm qua đã có hơn 60 ca sĩ, nghệ sĩ... tham gia cùng Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên thực hiện 30 phim ngắn và thông điệp truyền thông trên truyền hình, truyền thanh kêu gọi cộng đồng không tiêu thụ mật gấu, chấm dứt nạn nuôi nhốt gấu ở Việt Nam. Các ca sĩ kêu gọi cộng đồng cùng tiếp tục hành động, vì hiện vẫn còn 1.250 cá thể gấu bị nuôi nhốt nên không thể dừng lại, cho đến khi chấm dứt hoàn toàn được tệ nạn này.

Hưởng ứng “Ngày Gấu Việt Nam”, trong ngày 7/5 các tình nguyện viên tích cực trong mạng lưới 5.000 tình nguyện viên bảo vệ động vật hoang dã của ENV, đã đồng loạt tổ chức các sự kiện với chủ đề “Chấm dứt nạn nuôi nhốt gấu” tại 15 tỉnh, thành phố lớn trên cả nước, mục đích nâng cao nhận thức và khuyến khích người dân tích cực tham gia bảo vệ gấu.

Các triển lãm mang chủ đề này đồng thời diễn ra tại Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh... thu hút được hàng vạn lượt người đến xem.


Văn Hào (TTXVN)