07:15 08/07/2012

10 cách Trung Quốc biến đổi thế giới

Nhu cầu lớn của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên có khả năng làm thay đổi toàn bộ các thị trường hàng hóa toàn cầu. Việc Trung Quốc can dự vào những thông lệ ngầm trên quy mô lớn đang buộc các nước khác phải suy nghĩ lại về cách thức quản lý an ninh và quyền sở hữu trí tuệ.

Theo báo "Bưu điện quốc gia" Canada (Canađa) ngày 7/7, Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và theo dự báo của các chuyên gia, Trung Quốc có thể vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trong 15 năm tới.


Nhu cầu lớn của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên có khả năng làm thay đổi toàn bộ các thị trường hàng hóa toàn cầu.

Nhu cầu lớn của Trung Quốc có khả năng thay đổi toàn bộ các thị trường hàng hóa toàn cầu. Ảnh: Internet.


Việc Trung Quốc can dự vào những thông lệ ngầm trên quy mô lớn đang buộc các nước khác phải suy nghĩ lại về cách thức quản lý an ninh và quyền sở hữu trí tuệ.


Dưới đây là 10 cách Trung Quốc đang tác động đến kinh tế, chính trị và văn hóa toàn cầu:


Thứ nhất: Sự bùng nổ khai thác khí đốt đá phiến tại Trung Quốc có thể khiến giá khí đốt giảm, ảnh hưởng đến ngành năng lượng của Bắc Mỹ.


Cuối năm 2011, Tập đoàn xăng dầu quốc gia Trung Quốc tuyên bố phát hiện trữ lượng khí đốt đá phiến tại ít nhất 20 địa điểm, mỗi địa điểm có tiềm năng sản xuất ít nhất 10.000 m3 khí đốt/ngày. Trung Quốc hiện được cho có trữ lượng khí đốt đá phiến khoảng 1,3 triệu tỷ foot khối (tương đương 36.812 tỷ m3), cao nhất thế giới, so với 827 nghìn tỷ foot khối của Mỹ. Đây có thể là một nhân tố làm thay đổi cuộc chơi bởi vì nó sẽ khiến Canada không cần xây dựng đường ống để xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc.


Thứ hai: Trung Quốc đang chiếm tới 97% sản lượng của 17 loại kim loại đất hiếm của thế giới và đang hạn chế xuất khẩu bằng cách tăng thuế và giảm hạn ngạch xuất khẩu. Sự hạn chế của Trung Quốc khiến giá và chi phí sản xuất của các kim loại này tăng cao.


Việc Trung Quốc quyết định hạn chế xuất khẩu các kim loại đất hiếm, chứ không hạn chế những sản phẩm có chứa những kim loại đất hiếm, là một động thái để buộc các công ty chế tạo phải chuyển các nhà máy của họ sang Trung Quốc.


Thứ ba: Số dân khổng lồ của Trung Quốc đang tiêu thụ nhiều lương thực, thực phẩm hơn, ảnh hưởng đến cách thức sản xuất và định giá nông sản.


Trung Quốc hiện đã vượt Mỹ trở thành quốc gia tiêu thụ thịt lớn nhất thế giới. Trong 5 thập kỷ qua, mức tiêu thụ thịt của Trung Quốc đã tăng từ 8 triệu tấn/năm lên 71 triệu tấn/năm, gấp đôi mức của Mỹ. Do vậy, các xu hướng nông nghiệp sẽ bị những đặc tính tiêu thụ của Trung Quốc tác động một cách trực tiếp hoặc gián tiếp.


Thứ tư: Các nước đang phát triển khác đang học tập mô hình tư bản nhà nước của Trung Quốc. Một đặc tính của chủ nghĩa tư bản nhà nước là có số lượng lớn các doanh nghiệp quốc doanh.


Chủ nghĩa tư bản nhà nước tại Trung Quốc đang bắt đầu là một nguy cơ thực sự đối với chủ nghĩa tư bản phương Tây. Trước cuộc khủng hoảng kinh tế tại hầu hết các nước phát triển hiện nay, ngày càng có nhiều nước đang phát triển theo dõi xem mô hình quản lý nào tốt hơn.


Thứ năm: Trung tâm của ngành ô tô đang chuyển từ Mỹ sang Trung Quốc với việc các công ty sản xuất ô tô tìm cách để giành vị trí số 1 tại quốc gia châu Á khổng lồ này.


Trung Quốc hiện là thị trường ô tô lớn nhất thế giới. Doanh số bán ô tô hàng năm tại Trung Quốc dự kiến tăng 74%, lên hơn 30,6 triệu xe/năm vào năm 2020. Mỹ đã phải khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Quốc tế ( WTO) về việc Trung Quốc áp thuế hơn 3 tỷ USD đối với các loại ô tô được sản xuất tại Mỹ. Đây sẽ là một khó khăn đối với ngành ô tô Mỹ đang phục hồi.


Thứ sáu: Hoạt động gián điệp không gian mạng của Trung Quốc được kết nối với việc đánh cắp sở hữu trí tuệ. Các cuộc tấn công mạng đang đe dọa an ninh quốc gia.


Các công ty Trung Quốc như Huwaei Technology và ZTE Corp có khả năng truy cập từ xa công nghệ liên lạc bán cho Mỹ và các nước phương Tây khác. Khả năng điện tử "ngầm" có thể cho phép Chính phủ Trung Quốc truy cập những thông tin lưu thông qua các mạng lưới viễn thông hoặc phá hủy những thiết bị điện tử, làm tăng những quan ngại an ninh quốc gia.


Một số người cho rằng nhiều công ty là nạn nhân của các cuộc tấn công mạng từ Trung Quốc và mỗi năm Trung Quốc có thể ăn cắp số lượng thông tin trị giá 400 tỷ USD.


Thứ bảy: Trung Quốc đang nhanh chóng phát triển công nghệ hải quân, có thể định nghĩa lại việc phòng vệ bờ biển.


Trung Quốc đang phát triển một loại tàu tuần duyên mới và loại tàu 22 lớp Houbei của Trung Quốc là loại tàu đôi tấn công đầu tiên của thế giới. Cả hai loại tàu trên cho phép Trung Quốc tổ chức các cuộc tấn công chớp nhoáng gần bờ. Những diễn biến trên có nghĩa rằng Trung Quốc hiện đang dẫn trước tàu tuần duyên chiến đấu của Mỹ, một trong những chương trình tốn kém và gặp nhiều khó khăn nhất của Oashington (Oasinhtơn).


Thêm vào đó, loại tàu tuần duyên trên sẽ cho phép Trung Quốc tuần tra bờ biển và giúp họ thực thi các khu vực đặc quyền kinh tế tại các vùng biển đang tranh chấp.


Thứ tám: Một "thành phố ma" của Trung Quốc gần đây đã xuất hiện tại Angola. Điều này có thể làm thay đổi cảnh quan của thế giới.


Việc Trung Quốc có những “thành phố ma”, nghĩa là không có người sinh sống, là không có gì đáng ngạc nhiên. Nhưng Trung Quốc hiện đang xuất khẩu các “thành phố ma” này. Tập đoàn đầu tư và tín thác quốc tế Trung Quốc (CITIC) đã xây dựng “thành phố ma” Kilamba tại Angola để đổi lấy dầu mỏ. Dường như thế giới có thể thấy thêm các “thành phố ma” khi nhu cầu năng lượng và hàng hóa của Trung Quốc tiếp tục tăng lên.


Thứ chín: Đồng nội tệ của Trung Quốc đang cạnh tranh để trở thành một đồng tiền dự trữ, có thể đe dọa đồng USD.


Trung Quốc hiện đang tiến hành những bước để biến đồng nội tệ của họ có thể hoàn toàn chuyển đổi vào năm 2015 và nhiều người dự báo rằng đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc có thể trở thành một đồng tiền dự trữ chủ chốt trong thập kỷ tới.


Nếu trở thành một đồng tiền dự trữ, NDT có thể thách thức vai trò của đồng USD trong thương mại và việc ấn định giá các sản phẩm và mặt hàng đang được trao đổi trên thị trường toàn cầu. Điều này cũng sẽ cho phép Trung Quốc đi vay với lãi suất thấp hơn.


Thứ mười: Trung Quốc sẽ sớm trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.


Sự trỗi dậy của nền kinh tế này và sự sụt giảm phần nào của kinh tế Mỹ đã khiến một số ý kiến cho rằng Trung Quốc đang nổi lên là một siêu cường, có thể thay thế Mỹ.


Trong khi những phản ứng toàn cầu đối với sự trỗi dậy kinh tế của Trung Quốc là tích cực, phản ứng đối với sức mạnh quân sự ngày càng tăng của quốc gia này là “mất lòng tin”. Trong khu vực, sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến các nước có tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải với nước này.



TTXVN/Tin Tức