Cần lượng hóa các chỉ tiêu tái cơ cấu để xác định trách nhiệm

Sáng 1/11, tiếp tục Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015. Đây là nội dung giám sát tối cao của Quốc hội trong 3 năm, được tập hợp rất công phu, chi tiết, đánh giá tổng thể kết quả đã đạt được và nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tiếp theo đối với 3 lĩnh vực tái cơ cấu then chốt của nền kinh tế: Đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng.

Đồng chí Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: An Đăng-TTXVN


Theo Báo cáo do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, Trưởng Đoàn giám sát trình bày tại phiên thảo luận, thời gian qua, thực hiện chủ trương tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công, nhiều chính sách, văn bản về tái cơ cấu đầu tư công đã được ban hành, bước đầu góp phần khắc phục tình trạng dàn trải, phân tán, thất thoát, lãng phí trong phân bổ, bố trí nguồn vốn và nâng cao hiệu quả công tác đầu tư. Cơ chế, chính sách về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước đang tiếp tục được hoàn thiện, trong đó quy định rõ trách nhiệm về quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp Nhà nước. Sau hơn 2 năm triển khai tái cơ cấu, số lượng các ngân hàng thương mại yếu kém đã giảm, nợ xấu đã cơ bản được kiềm chế và bước đầu được xử lý. Năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng đã được nâng lên. An toàn hệ thống ngân hàng đang dần được cải thiện.

Báo cáo cũng nêu rõ, hiện nay, quy định tại một số văn bản, chính sách về đầu tư công còn chồng chéo, gây khó khăn trong triển khai thi hành, việc triển khai có nơi còn thực hiện chưa nghiêm, chưa chấp hành đầy đủ về bố trí vốn. Tình trạng điều chỉnh quyết định đầu tư dự án còn diễn ra phổ biến, chưa khắc phục triệt để tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản...

Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước phải thực sự là “bình mới, rượu mới”

Nhiều ý kiến phát biểu tại buổi thảo luận đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc triển khai hoạt động tái cơ cấu hệ thống doanh nghiệp Nhà nước, ngoài ra, các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ cần mạnh mẽ hơn nữa đổi mới mô hình quản trị, hoạt động sản xuất kinh doanh đối với khối doanh nghiệp có vai trò chủ đạo này.

Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) nhận định, trong 3 năm qua, dưới sự tập trung chỉ đạo của Chính phủ, nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước đã đem lại những kết quả nhất định, góp phần ổn định sản xuất, chuyển đổi nền kinh tế theo hướng tích cực. Tuy nhiên, tiến độ tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước còn chậm so với nhu cầu, chưa có những chuyển biến mang tính đột phá, kết quả thoái vốn đầu tư ngoài ngành chưa đạt yêu cầu đề ra, hiệu suất lao động thấp.

Bà Nguyễn Thị Khá, Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh phát biểu ý kiến. Ảnh: An Đăng-TTXVN


Phân tích về nguyên nhân của những tồn tại trong tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, đại biểu Khá cho rằng, ngoài tác động từ khủng hoảng kinh tế, còn có nguyên nhân lớn từ hiệu quả chỉ đạo điều hành và chưa thực sự đề cao vai trò người đứng đầu.

Để đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, đại biểu Nguyễn Thị Khá đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo mạnh mẽ hơn nữa đối với hoạt động chuyển đổi mô hình doanh nghiệp Nhà nước ở các địa phương; cắt giảm nhanh chóng các khoản đầu tư ngoài ngành; tách bạch mối quan hệ giữa cơ quan chủ quản và doanh nghiệp; song song với đổi mới mô hình quản trị, tinh giảm biên chế; nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp để việc tái cơ cấu hệ thống doanh nghiệp Nhà nước thực sự là bình mới và rượu cũng mới.

Đề xuất về giải pháp cải thiện hiệu quả tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) cho rằng, cần chú trọng xây dựng mô hình quản lý Nhà nước đối với các doanh nghiệp sau cổ phần hóa; theo đó, các bộ ngành, dứt khoát không còn chủ quản đối với doanh nghiệp Nhà nước. Còn ở các địa phương, chỉ sở hữu những doanh nghiệp công ích hoạt động phúc lợi xã hội tại địa phương.

Thu hút nhà đầu tư trong xử lý nợ xấu ngân hàng

Nhiều ý kiến tại buổi thảo luận sáng nay bày tỏ quan ngại về công tác tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, đặc biệt là xử lý nợ xấu. 

Cho rằng, những vấn đề khó khăn được đề cập trong báo cáo còn chung chung, Đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) đề nghị Báo cáo giám sát cần đánh giá cụ thể, chi tiết hơn về nợ xấu, để có hướng xử lý rõ ràng, hợp lý hơn. Đại biểu cho rằng, về cơ bản Ngân hàng Nhà nước đã cơ bản kiểm soát được các ngân hàng yếu kém, khả năng chi trả của các ngân hàng yếu kém được cải thiện đáng kể, quyền lợi của người gửi tiền được bảo đảm.

Theo đại biểu, nợ xấu vẫn là vấn đề đáng quan tâm nhất trong tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, có thể dẫn đến nguy cơ đổ vỡ cả hệ thống. Đại biểu thắc mắc, nếu báo cáo đề xuất dùng nguồn lực tài chính công để xử lý nợ xấu, thì nguồn lực đó lấy từ đâu? Nhìn nhận những khó khăn trong xử lý nợ xấu dưới nhiều góc cạnh, đại biểu Trịnh Ngọc Phương cho rằng, khuôn khổ pháp lý về dân sự, kinh tế, tài chính, ngân hàng còn nhiều bất cập, thiếu rõ ràng, minh bạch; trình tự thủ tục xử lý tài sản kéo dài, gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng.

Ông Trịnh Ngọc Phương, Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh phát biểu ý kiến. Ảnh: An Đăng - TTXVN


Bổ sung giải pháp xử lý nợ xấu, tái cơ cấu ngân hàng, đại biểu Phương đề nghị, cần có chính sách huy động, khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi, hấp dẫn cho các nhà đầu tư tư nhân vào cuộc xử lý nợ xấu.

Đại biểu Phương cũng phân tích, thời gian qua, việc hình sự hóa một số vụ việc kinh tế đặc biệt là liên quan đến lĩnh vực ngân hàng đang là hai mặt của một vấn đề, tiềm ẩn nguy cơ làm ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư; hạn chế sự mạo hiểm chấp nhận rủi ro. Việc này một phần nào đó, còn làm giảm khả năng thu hồi vốn, tài sản cho Nhà nước và nhân dân; làm gia tăng chi phí tái cơ cấu và chi phí hỗ trợ thanh khoản của Ngân hàng Nhà nước.

Khẳng định, xử lý nợ xấu không đơn thuần là mua vào hay bán ra, đại biểu Phương đề nghị cần xây dựng thị trường mua bán nợ xấu ở Việt Nam với cơ chế định giá nợ xấu hiệu quả; ngoài ra, cần sửa đổi bổ sung Bộ luật Dân sự theo hướng bảo vệ quyền lợi chính đáng của chủ nợ; cần có cơ chế thông thoáng hơn cho VAMC bán nợ cho các đối tác kể cả đối tác nước ngoài.

Góp ý đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, đại biểu Thân Đức Nam cho rằng, nhiều ngân hàng thương mại trở thành công cụ huy động vốn cho các ông chủ kinh doanh bất động sản là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến làm nảy sinh nợ xấu; đa số các ngân hàng thương mại yếu kém mà Ngân hàng Nhà nước phải sắp xếp lại trong 3 năm qua, đều thuộc loại này.

Đặt câu hỏi, liệu trong 1 năm tới, Ngân hàng Nhà nước có giải quyết được vấn đề này không?, đại biểu Nam cho rằng, dường như chúng ta chưa mạnh dạn để giải quyết triệt để vấn đề mà chỉ trông chờ vào thị trường bất động sản nóng lại. Đây là hệ quả trông chờ làm cho nền kinh tế tắc nghẽn nguồn vốn; sản xuất kinh doanh khó khăn; ngân hàng thì thừa tiền trong khi nền kinh tế lại thiếu vốn.

Tái cơ cấu hợp lý, tạo điều kiện phát triển kinh tế


Một số ý kiến tại buổi thảo luận sáng nay cũng nhìn nhận tổng thể kết quả thực hiện tái cơ cấu, theo đó, nhiều đại biểu đề nghị cần xây dựng một Đề án tái cơ cấu với các chỉ tiêu cụ thể, làm căn cứ giám sát, quy trách nhiệm.

Đại biểu Hoàng Đăng Quang (Quảng Bình) cho rằng, cần có một Đề ản tổng thế tái cơ cấu đầu tư công với phương thức phân bổ tái cơ cấu hợp lý, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế; trong đó, chú trọng đến những ngành, lĩnh vực có thế mạnh. Cần có sự chuyển biến mạnh mẽ cả về tư duy và quan điểm trong tái cơ cấu đầu tư công, đại biểu kiến nghị.

Cho rằng, mục tiêu tái cơ cấu còn rất chung chung, thiếu các chỉ tiêu cụ thể cần đạt được, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) đánh giá, hiệu quả mang lại từ tái cơ cấu nền kinh tế rất khó phân định một khi mục tiêu, chỉ tiêu thiếu sự lượng hóa. Từ đó, cũng rất khó để xác định trách nhiệm và ràng buộc trách nhiệm. Đại biểu đề nghị Chính phủ sớm có những biện pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhất là những yếu tố chủ quan trong quản lý, chỉ đạo, điều hành để nâng cao hiệu quả tái cơ cấu nền kinh tế.

Chiều nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận về những nội dung này.


Quang Vũ
Đầu tư có trọng điểm, kiểm soát tốt nợ công
Đầu tư có trọng điểm, kiểm soát tốt nợ công

Chiều 30/10, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIII ghi nhận thêm nhiều kiến nghị của các đại biểu hiến kế về việc hoạch định chính sách nhằm kiểm soát nợ công, nâng cao hiệu quả đầu tư, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp; tháo gỡ những khó khăn cho nền kinh tế, đẩy mạnh sản xuất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN