Thủ tướng Nhật Bản hội kiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Theo nguồn tin từ một quan chức cấp cao Nhật Bản, Thủ tướng nước này Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tái khẳng định các nỗ lực cải thiện quan hệ song phương trong cuộc gặp bên lề Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) diễn ra ở Paris (Pháp).


Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một cuộc gặp tại Bắc Kinh. Ảnh: AP

Trong cuộc gặp kéo dài 4 phút, ông Abe khẳng định ông và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã có một cuộc trao đổi hữu ích về nhiều quan điểm chung trong cuộc gặp diễn ra ngày 1/11 vừa qua. Ông Abe cũng bày tỏ hy vọng hai bên sẽ hợp tác sâu rộng hơn thông qua các hoạt động trao đổi các đoàn đại biểu sau khi tham dự các cuộc gặp gỡ gần đây với đoàn học sinh trung học và các tổ chức kinh tế của Trung Quốc.

Trong khi đó, ông Tập Cận Bình cũng khẳng định hai quốc gia chia sẻ nhiều lợi ích chung và nhận thấy nhiều "dấu hiệu thay đổi" trong mối quan hệ song phương. Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục nâng cao quan hệ hữu nghị giữa hai bên và bày tỏ hy vọng đạt được những thỏa thuận hợp lý về các vấn đề nhạy cảm giúp thúc đẩy quan hệ hợp tác ngày càng phát triển.

Bolivia chỉ trích mô hình phát triển kinh tế tư bản

Ngày 30/11, phát biểu tại Hội nghị COP21, Tổng thống Bolivia Evo Morales tố cáo chính chủ nghĩa tư bản đã gây ra tình trạng biến đổi khí hậu và cho rằng sự sống trên Trái Đất sẽ bị hủy hoại nếu các quốc gia không thay đổi mô hình phát triển kinh tế tư bản.

Nhà lãnh đạo Bolivia khẳng định nếu tiếp tục đi theo con đường chủ nghĩa tư bản, thế giới đang tiến tới chỗ tự sát. Ông đồng thời kêu gọi tất cả các chính phủ, đặc biệt là các cường quốc tư bản ngừng ngay việc hủy hoại Trái Đất. Ông nhấn mạnh: "Chúng ta không thể giữ im lặng vì im lặng là đồng lõa và chúng ta không thể nói về một sự thận trọng khi chúng ta đang đứng trước ngưỡng cửa của sự hủy diệt chắc chắn sẽ xảy ra”.

Tổng thống theo đường lối cánh tả Morales là một trong những người đi đầu trong việc kêu gọi các nước trên thế giới đạt được một thỏa thuận trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu cũng như yêu cầu các nước giàu phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ Trái Đất. Thậm chí, Tổng thống Ecuador Rafael Correa đã đề xuất việc thành lập một tòa án công lý quốc tế về môi trường.

Trong một phát biểu trước đó tại hội nghị COP21, Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe đã chỉ trích các nước phát triển cố tình đẩy gánh nặng trách nhiệm hạn chế lượng khí phát thải carbon sang các nước nghèo. Ông nhấn mạnh về mặt lịch sử, các quốc gia phát triển luôn phải chịu trách nhiệm về môi trường khí hậu, thời tiết "bất ổn" hiện nay.

Tổng thống Mugabe cho rằng thật phi lý khi các quốc gia phát triển - những nước thải ra môi trường lượng lớn khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính - không chỉ do dự trong việc hỗ trợ các quốc gia đang phát triển đối phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, mà còn muốn đẩy gánh nặng này sang các nước nghèo.

TTXVN/Tin Tức
COP21 bất đồng ngay ngày họp đầu tiên
COP21 bất đồng ngay ngày họp đầu tiên

Những bất đồng đầu tiên đã xuất hiện nhanh chóng ngay trong ngày khai mạc chính thức Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP21) vào 30/11 diễn ra ở Paris (Pháp).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN