Sự thật về Vạn Lý Trường Thành trên Biển Đông của Trung Quốc

Tờ "Wall Street Journal" ngày 28/6 đăng bài bình luận của tác giả Andrew Browne cho rằng mặc dù được coi là biểu tượng của sức mạnh và niềm kiêu hãnh, Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc thực chất phản ánh những thời điểm mềm yếu của các vương triều Trung Quốc.

Tàu đánh cá Trung Quốc neo đậu tại bãi đá ngầm Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: AFP/TTXVN

Vạn Lý Trường Thành được khởi công xây dựng từ thời nhà Tần và công việc xây cất được đẩy mạnh vào cuối đời nhà Minh ở thế kỷ 16 nhằm ngăn chặn những bộ tộc hung dữ ở phía Bắc Trung Quốc và bảo vệ nền văn minh Trung Hoa trước sự “man rợ”. Khi vương triều hùng mạnh, người Trung Quốc có đủ cách để ngăn chặn những bộ tộc phương Bắc thông qua những đám cưới chính trị, thương mại và cống phẩm. Tuy nhiên, mỗi khi suy yếu, phe diều hâu trong chính quyền lại trỗi dậy và kêu gọi mở rộng trường thành để bảo vệ.

Ngày nay cũng vậy, Trung Quốc đang cải tạo các đảo đá trên Biển Đông để xây dựng một Vạn Lý Trường Thành trên biển, nhằm giúp bảo vệ tuyên bố chủ quyền phi lý theo "đường 9 đoạn", còn gọi là "đường lưỡi bò", bao trùm gần như toàn bộ vùng hải lộ này và cách bờ biển Trung Quốc gần 1.000 dặm. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã gọi đây là "Vạn Lý Trường Thành của sự cô lập", còn Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, Đô đốc Harry Harris gọi đây là "Vạn Lý Trường Thành bằng cát".

Ngày 12/7 tới, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) có trụ sở tại La Haye (Hà Lan) được Liên hợp quốc hậu thuẫn dự kiến sẽ đưa ra phán quyết về việc Philippines thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông. Quyết định này sẽ giải quyết một vấn đề từng khiến nhiều triều đại Trung Quốc từ thời cổ đại phải bận tâm: Đâu là điểm dừng của Trung Quốc?

Điều này đã khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc tức giận. Cách thức Trung Quốc phản ứng với phán quyết của PCA sẽ mách bảo chúng ta rất nhiều về lối tư duy của một đất nước lúc thì lựa chọn đối đầu với sự cô lập, lúc lại can dự một cách thực dụng.

Lâu nay, Phương Tây luôn coi Vạn Lý Trường Thành là một biểu tượng của xu hướng hướng nội, đóng cửa, tự mãn và xa cách của người Trung Quốc. Thực tế không đơn giản như vậy. Vạn Lý Trường Thành chỉ là sự thắng thế của phe diều hâu trong từng giai đoạn cụ thể trong khi biên giới phía Bắc Trung Quốc đã rất nhiều lần rộng mở trong suốt lịch sử của mình. Tương tự như vậy, Vạn Lý Trường Thành trên biển ngày nay cũng phản ánh sự thắng thế của phe diều hâu trong Chính phủ Trung Quốc, những người được hỗ trợ bởi các công ty năng lượng nhà nước đang thèm muốn trữ lượng dầu mỏ và khí đốt ở Biển Đông, muốn biến Biển Đông thành "ao nhà" của Trung Quốc.

Trong nội bộ Trung Quốc vẫn có những người ôn hòa trong hoạch định chính sách đối ngoại muốn Trung Quốc tiếp cận khu vực một cách mạnh mẽ hơn, ủng hộ thương mại và ngoại giao, mong muốn gìn giữ hình ảnh. Sẽ là sai lầm nếu Lầu Năm Góc cho rằng cách tiếp cận của Trung Quốc là không thể thay đổi. Sự tồn tại của phe ôn hòa cho thấy Vạn Lý Trường Thành trên biển không được xây bằng đá. Năm 1644, kỵ binh Mãn Châu đã vượt qua Trường Thành, chiếm Bắc Kinh, thành lập triều đại cuối cùng của Trung Quốc. Đó là bài học mà các nhà ngoại giao có thể dùng để thuyết phục Trung Quốc. Những rào cản chỉ gây ra kháng cự, chỉ hợp tác mới mang đến sức mạnh.

TTK
Philippines dưới thời Duterte sẽ xử lý vấn đề Biển Đông ra sao
Philippines dưới thời Duterte sẽ xử lý vấn đề Biển Đông ra sao

Việc Tổng thống đắc cử Philippines Rodrigo Duterte, người sẽ chính thức nhậm chức vào ngày hôm nay 30/6, sẽ xử lý vấn đề liên quan đến các tranh chấp ở Biển Đông như thế nào, đang là một ẩn số.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN